Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ông giáo già 30 năm 'minh oan' cho Nguyễn Thị Lộ

07:20 | 07/07/2016

Theo dõi PetroTimes trên
|
Có một ông giáo tuổi ngoài 80, dành hết 30 năm cuộc đời kể từ khi nghỉ hưu âm thầm, lăn lộn, tìm tòi, nắm tay các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn nghệ sĩ, học giả và các danh nhân tài năng, tâm đức… cùng nhau “xé màn đêm lịch sử”, tìm ra ánh sáng chân lý đã bị vùi lấp quanh thảm án Lệ Chi Viên gần 600 năm trước. Ông chạy ngược xuôi kêu gọi những người có tâm cùng nhau công đức để xây đền, đúc tượng thờ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Ông là thầy giáo Hoàng Đạo Chúc.  

Nặng lòng với danh nhân

Ông Hoàng Đạo Chúc là Hội trưởng “Hội những người yêu Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ”. Hơn 30 năm qua, ông đã đi khắp nơi, yết kiến đủ mặt các bậc tiền bối: quan chức, giáo giới, văn nghệ sĩ... để cố gắng hoàn thành tâm nguyện lớn nhất của đời ông - minh oan cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.

Ông kể rằng, hồi còn dạy học cứ mỗi khi giảng cho học sinh về lịch sử thời Lê, kể cho học trò nghe vụ án Lệ Chi Viên là ông nghẹn ngào. Khi Lê Thánh Tông lên ngôi, đã xuống chiếu giải oan, nhưng chỉ giải oan cho Nguyễn Trãi, còn Nguyễn Thị Lộ thì “Quốc sử vẫn âm thần với nước non”, mập mờ như muốn giấu kín!

Ông giáo Chúc cho rằng, trong việc này, hình như Lê Thánh Tông vẫn còn nghi ngờ, tin theo sự vu oan giá họa của giới cầm quyền trước đó? Theo ông thì chính vì Nguyễn Thị Lộ chưa được minh oan nên hậu thế đã có nhiều cái nhìn sai lệch về nhân cách cao đẹp của bà.

Trong cuốn “Nghìn năm vương triều” của Hoàng Đình Long, nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin 2009, Chương 38 ghi một tiêu đề: “Lê Thái Tông kế ngôi, nhiều bất ổn Nguyễn Thị Lộ đa tình, Ức Trai Nguy”!? Khi đọc cuốn sách trên, ông Chúc kể rằng mình chỉ biết lặng đi, mắt lệ nhòa. Ông rủ rỉ tâm sự: Hồi cuối thế kỷ XX, mình gặp một nhà sử học tên tuổi đề nghị ông này cùng tham gia mở cuộc vận động minh oan cho Nguyễn Thị Lộ trước công luận hiện tại. Nhà sử học này không những gạt đi mà còn đưa ra một nhận xét… “Chắc là…” đại loại gần giống hàng tít của Hoàng Đình Long về cái chết của Lê Thái Tông! Thật buồn cho nhân tình thế thái.

ong giao gia 30 nam minh oan cho nguyen thi lo
Đền Lệ Chi Viên

Khi bắt đầu nghỉ hưu vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ông Chúc đã thề với lòng mình, rằng phải làm một việc gì đó để góp phần minh oan cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.

Ông Chúc đã rủ PGS Chu Quang Trứ về thôn Khuyến Lương - nơi duy nhất có ngôi miếu nhỏ thờ Lễ nghi học sĩ do nhân dân tự xây sau khi bà bị hành quyết, với ý định thắp nén hương khấn cầu, mong bà sẽ chỉ đường soi lối. Tuy nhiên, khi 2 người tìm đến nơi, giữa đám ruộng rau màu thì… chỉ thấy một cái miếu hoang, người ta đang dùng làm kho chứa phân, bên cạnh chuồng nhốt dê, nặng mùi xú uế! Hai hàng nước mắt ông chảy dòng dòng, cổ họng ông tắc nghẹn không thể nói thành lời.

Sau đó, ông vận động những người tâm huyết, có lòng yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ trong giới trí thức, giới sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa… lập thành “Hội Những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ”, cùng họ khảo sát điền dã các vùng đất Khuyến Lương (Hà Nội), Tân Lễ (Thái Bình), Đại Lai (Bắc Ninh) quay đi quay lại nhiều lần. Ông giấu vợ con rút tiết kiệm ra 70 triệu làm quỹ chi tiêu ban đầu, sau đó làm cuộc vận động.

Không hiểu sao, mọi thứ ông làm hầu hết là xuôi chèo mát mái, như được người chỉ sẵn đường đi nước bước vậy. Người đầu tiên ông Chúc gặp là doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, Giám đốc Công ty Hòa Bình với hy vọng sẽ được tài trợ cho ít nhiều rồi sẽ đi vận động tiếp những người khác nữa. Thế nhưng, điều kỳ diệu xuất hiện khi ông Nguyễn Hữu Đường nhận tài trợ toàn bộ việc xây ngôi đền Lễ nghi học sĩ trên đất Khuyến Lương.

Ngôi đền xây trên đất Khuyến Lương được khánh thành vào giữa năm 2004, được nhiều người biết, đến hương khói.

Rồi ông giáo Chúc gặp, người có thiện tâm công đức nữa là doanh nhân Đỗ Quang Hiển, Tổng giám đốc Công ty TNHH T&T, hay còn được biết tới với cái tên “bầu Hiển”. Trên đường về, bầu Hiển bảo: “Bố cho con số tài khoản con chuyển tiền vào để bố xây dựng. Con xin nhận xây dựng cả hai nơi: Tân Lễ và Lệ Chi Viên”.

ong giao gia 30 nam minh oan cho nguyen thi lo
Ông giáo Hoàng Đạo Chúc

Tuy rất vui mừng, nhưng cả đời ông chưa bao giờ quản lý món tiền lớn đến vậy nhỡ xảy ra chuyện gì thì “xôi hỏng bỏng không” hết. Hồi xây ngôi đền bà Nguyễn Thị Lộ ở Khuyến Lương, mọi chi phí đều do ông Nguyễn Hữu Đường trực tiếp thanh toán với người cung cấp vật liệu, người thi công chứ ông không trực tiếp cầm một đồng tiền mặt.

Bầu Hiển bảo: “Thì con mở cho bác một tài khoản, để bác toàn quyền sử dụng?” - “Không được, đã bảo tớ không có khả năng quản lý số tiền lớn vậy. Hay thế này, đằng ấy xem đâu có thợ thì thuê họ làm, đằng ấy tự chi tiền công, tiền nguyên vật liệu cho họ như hồi Nguyễn Hữu Đường xây đền bà Lộ ở Khuyến Lương. Chứ tớ…!” - ông ngập ngừng. “Vậy thì công ty con cũng có đội chuyên xây dựng, con bảo họ làm, bác chỉ việc giám sát, hướng dẫn họ làm theo ý tưởng của bác”. Và cứ thế, công việc cuốn ông vào hai ngôi đền tiếp theo. Một ở Tân Lễ, một ở Lệ Chi Viên.

“Xa gần bá cáo”

Hai ngôi đền tiếp theo ở Tân Lễ, tỉnh Thái Bình và Lệ Chi Viên, tỉnh Bắc Ninh xây xong làm ông vui lắm. Ông kể rằng, khi đứng ngắm hai công trình này, tâm hồn ông lâng lâng hòa cùng với mênh mang gió nắng, vút theo những cánh én mùa xuân chao nghiêng trên cánh đồng mươn mướt lúa xanh dọc dòng sông Đuống chảy lững lờ in đậm sắc mây.

Ông giáo già tâm sự, có người không hiểu hỏi rằng, sao bao năm ông cứ “cơm nhà vác tù và hàng tổng” như vậy? Ông không muốn giải thích. Ông chỉ tâm niệm, mình là người dân thường, làm được chút gì lưu giữ công trạng và tôn vinh bậc tiền nhân thì nên làm. Ông mong lớp con cháu sau này không quên công ơn các bậc tiền nhân. Giản dị thế thôi. Còn họ chưa hiểu thì rồi họ dần hiểu tâm nguyện của mình. Giờ đây, sau mấy chục năm theo đuổi ước nguyện tôn vinh công trạng các bậc tiền nhân một thời bị oan khuất, cụ Hoàng Đạo Chúc cùng các thân chủ đã xây dựng hoàn thành ba cụm đền thờ Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ. Ba công trình tâm linh góp phần tôn vinh ba vùng quê một thời bị bỏ quên.

“Lòng thương kính của dân ta với Nữ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ xúc động quá nhưng án oan vẫn còn. Tôi chỉ mong tại Hà Nội có con phố nhỏ được đặt tên bà, hay trên con đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) có con ngõ mang tên Nguyễn Thị Lộ. Được như thế, nỗi oan suốt hơn hai trăm ngàn ngày của Nữ nghi học sĩ mới chính thức được gỡ bỏ. Để “Xa gần bá cáo - Ai nấy đều hay” (câu kết Bình Ngô đại cáo)” - ông Chúc thổ lộ ước nguyện.

“Tôi chỉ mong tại Hà Nội có con phố nhỏ được đặt tên bà, hay trên con đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) có con ngõ mang tên Nguyễn Thị Lộ”.

Tú Cẩm - Xuân Hinh

Năng lượng Mới 537