Nước về các hồ thuỷ điện phía Bắc kém có ảnh hưởng đến cấp nước đổ ải năm nay?
Ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN |
PV: Thưa ông, năm 2021 các hồ thủy điện khu vực phía Bắc nước về kém, thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường. Điều này có phải là thách thức đối với EVN không?
Ông Nguyễn Quốc Chính: Năm 2021, dù các hồ thuỷ điện khu vực miền Trung và Tây nguyên đều tích được dung tích hữu ích theo thiết kế, nhưng tại khu vực miền Bắc, đặc biệt là lưu vực sông Đà không xuất hiện trận lũ nào, tổng lượng dòng chảy đến các hồ trên lưu vực này nhỏ hơn trung bình nhiều năm đến 25-30%.
Trước tình hình như vậy, EVN đã chủ động bố trí phương thức khai thác hợp lý để tích lượng nước đến mức tối đa trong các hồ chứa trên lưu vực sông Đà nhằm đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước cho vùng đồng bằng Bắc bộ và nhu cầu phụ tải mùa khô năm 2022. Đến cuối năm 2021, các hồ đã tích được gần 90% dung tích hữu ích thiết kế, riêng hồ Hòa Bình vẫn còn thiếu hụt gần 4m so với mực nước dâng bình thường.
Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, các tháng mùa khô đầu năm 2022 khu vực phía Bắc tiếp tục khô hạn, lượng mưa và dòng chảy thiếu hụt so với trung bình nhiều năm trên 20%. Đây là những thách thức rất lớn cho EVN nói chung và các công ty thủy điện phía Bắc nói riêng.
PV: Trong tình hình nguồn nước gặp khó khăn, trước mùa đổ ải năm nay, EVN có sự chuẩn bị cũng như tham mưu, kiến nghị tới các Bộ, ngành như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Chính: Sớm nhận thấy các khó khăn, thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng nước nói chung, trong đó có cấp nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân với gần 600.000ha đất trồng lúa, cũng như phục vụ Nhà máy nước sạch sông Đà cấp nước cho Hà Nội,... ngay từ giữa mùa lũ năm 2021, căn cứ dự báo lũ nhỏ thậm chí không có lũ chính vụ, EVN đã báo cáo các cấp có thẩm quyền như Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình,... về tình hình khó khăn và đề xuất các giải pháp vận hành hợp lý các hồ chứa lưu vực sông Đà.
EVN cũng đã chỉ đạo huy động tối đa các nguồn phát khác có thể được, nhằm hỗ trợ tích nước các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà.
Các cấp, các ngành cũng đã có những chỉ đạo để EVN tích dần mực nước hồ chứa vào cuối năm 2021 để đáp ứng mục tiêu cấp nước đổ ải tốt nhất.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình sẵn sàng xả nước đổ ải vụ Đông Xuân năm nay |
PV: EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên đảm bảo cấp nước, cấp điện phục vụ vụ đổ ải năm nay như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Chính: Đảm bảo cấp điện, nước cho đổ ải là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với EVN.
EVN đã yêu cầu Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) lập kế hoạch khai thác các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà phục vụ 3 đợt lấy nước tập trung đảm bảo yêu cầu của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, điều tiết các hồ thủy điện và vận hành hệ thống hợp lý để đáp ứng nhu cầu nước và đảm bảo kế hoạch cung cấp điện.
EVN yêu cầu Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội chỉ đạo các công ty điện lực liên quan làm việc với các Sở NN&PTNT và các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn để thống nhất phương án đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho tất cả các trạm bơm điện, đặc biệt lưu ý các trạm bơm đầu mối và các trạm bơm dã chiến. Tăng cường chế độ trực vận hành, chuẩn bị đầy đủ vật tư và thiết bị dự phòng để xử lý nhanh những tình huống xảy ra sự cố lưới điện. Sẵn sàng cấp điện bổ sung cho các trạm bơm có nhu cầu bơm nước ngoài thời gian nêu trên.
Các công ty thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà đảm bảo các tổ máy vận hành theo phương thức của A0 trong 3 đợt xả - lấy nước tập trung.
Cho đến thời điểm này, các công tác chuẩn bị đã hoàn thành, EVN đã sẵn sàng cho việc thực hiện nhiệm vụ cấp nước đổ ải vụ Đông xuân 2021-2022 .
PV: Để sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, EVN có đề xuất, kiến nghị gì với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Quốc Chính: Với xu hướng biến đổi khí hậu ngày càng theo hướng cực đoan thì tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ ngày càng trầm trọng. Cộng thêm tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng vì nhiều lý do khác nhau, sẽ ảnh hưởng rất bất lợi đến việc tích nước cũng như cấp nước cho các nhu cầu kinh tế xã hội khu vực đồng bằng Bắc bộ. Trong các năm gần đây, tổng lượng nước phải xả ngày càng tăng qua từng năm trong khi diện tích cần đổ ải lại giảm đáng kể hàng năm do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ..
Với tình hình như hiện tại, nếu không thực hiện các giải pháp ngắn hạn và lâu dài, thì trong vài năm tới, khi các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà chạy tối đa cũng không đáp ứng được mực nước yêu cầu của sông Hồng phía hạ du theo quy trình để phục vụ đổ ải.
EVN đã, đang và sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ TNMT, Bộ Công Thương thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài để EVN và các đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó có cấp nước cho khu vực đồng bằng Bắc bộ và thủ đô Hà Nội.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đinh Liên (thực hiện)
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
Nhiều bài học kinh nghiệm quý sau thành công của Dự án đường dây 500kV mạch 3
-
Giá điện có thể được điều chỉnh tăng gần 10%
-
Xây dựng nền tảng cho ngành bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
-
Vì sao iPhone 16 bị cấm bán tại Indonesia?
-
SEMICON VIETNAM 2024: Cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam và quốc tế
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Bài 4: Lựa chọn phát triển cảng điện gió ngoài khơi như thế nào?