Nước nào là "trùm" về hoạt động gián điệp điện tử?
Theo Duncan Campell, sau khi Đệ nhị thế chiến kết thúc, Mỹ và Vương quốc Anh đã ngầm ký kết với nhau các thỏa ước nhằm tổ chức một mạng lưới nghe trộm đa quốc gia dưới tên gọi ban đầu Ukusa (tên viết tắt của United Kingdom-United States Communication Intelligence Agreement). Tổ chức này, còn được biết nhiều dưới tên khá ấn tượng “Fives Eyes” - nghĩa là năm con mắt, quy tụ năm cơ quan tình báo điện tử của 5 quốc gia nói tiếng Anh, gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand.
Như vậy, theo tiết lộ của Edward Snowden, mọi thư từ điện tử, dữ liệu hay văn bản phát đi từ châu Âu đến Mỹ đều có nguy cơ bị sao chép và xử lý bởi một hệ thống giám sát bằng tiếng Anh dưới tên mã là “Tempora”. Và thời hạn lưu trữ các thông tin đó là từ ba ngày cho đến vĩnh viễn, tùy theo bản chất nội dung thư tín.
Hai vụ khủng bố tại New York ngày 11/09/2001 là cái cớ để cho Mỹ hợp pháp hóa hơn nữa các hoạt động nghe trộm. Một đạo luật mới đã được thông qua cho phép hoạt động giám sát bí mật các mạng lưới điện thoại trong cũng như ngoài lãnh thổ Mỹ ít lâu sau vụ khủng bố.
Nghĩa là, các công ty dịch vụ viễn thông Mỹ phải cung cấp các dữ liệu thông tin khi được yêu cầu. Đổi lại, trong trường hợp bị khách hàng phát giác, các doanh nghiệp này sẽ được hưởng quy chế “miễn truy tố” nếu xảy ra kiện tụng.
Đến năm 2008, một đạo luật đặc biệt mới đã được thông qua dưới tên gọi Foreign Intelligence Surveillance Act Amendment Act, thường được biết đến dưới cái tên là Fisaaa.
Đạo luật này, ngoài việc giám sát các đối tượng khủng bố hay các tội phạm nghiêm trọng, còn cho phép theo dõi các hoạt động chính trị và kinh tế nhắm vào những ai không là công dân Mỹ.
Quả thật, các tiết lộ của Snowden đã khẳng định sự tham gia tích cực đến chừng nào của cơ quan tình báo các nước nói tiếng Anh “Sigint” - tức Signals Intelligence hay tình báo điện tử. Theo các dữ liệu hay các báo cáo mà cựu nhân viên tình báo này tung ra, Sigint đã thực hiện một chiến dịch rộng lớn giám sát các phái đoàn nước ngoài đến dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Luân Đôn vào năm 2009. Tất cả các đối tác của Anh và Mỹ đều là đối tượng nằm dưới sự giám sát của cơ quan này.
Điều đáng nói là Mỹ đã đi quá đà như mục tiêu ban đầu đề ra là chỉ giám sát những người không thuộc công dân Mỹ. Các tiết lộ của Snowden cho biết là các cuộc gọi cá nhân qua điện thoại ngay trên lãnh thổ Mỹ cũng bị NSA nghe lén.
Các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông đã chuyển các thông tin chi tiết những cuộc gọi được phát đi từ Mỹ hay từ nước khác nhưng đi ngang qua lãnh thổ nước này. Biện pháp đó xuất phát từ thời Tổng thống Bush sau sự kiện 11-9, và đã được ông Obama tiếp tục duy trì và mở rộng thêm.
Dù các quốc gia trên có khẳng định rằng đã thực hiện đúng luật và là nhằm bảo vệ xã hội, nhưng đối với tác giả, các cơ quan trên đã phớt lờ sự tổn hại mà họ đã gây ra cho các xã hội dân chủ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do ngôn luận khi tiến hành các hoạt động gián điệp.
Sự việc đổ vỡ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ hai bên bờ Đại Tây Dương. Pháp cho rằng việc tập đoàn Google lén lút hợp tác với các cơ quan tình báo Mỹ-Anh là vi phạm luật lệ của quốc gia này. Ủy ban Quốc gia về thông tin và quyền tự do Pháp (CNIL) ra thời hạn cho tập đoàn tra mạng lớn nhất này trong vòng ba tháng phải thay đổi chính sách, bằng không sẽ phải trả một khoản tiền bồi thường lên đến 175 triệu euro.
Không chỉ có Pháp, Tây Ban Nha mà hầu như cả châu Âu cũng đang tức giận. Về điểm này, báo chí Pháp mấy hôm nay cũng đồng thanh tương ứng với tác giả bài viết. Khi biết mình bị theo dõi lén từ bấy lâu nay, châu Âu đã bùng cơn giận, yêu cầu phía Mỹ phải có những giải thích xác đáng. Paris yêu cầu Washington phải có những “đảm bảo” trước khi bước vào bàn đàm phán.
Đi sâu vào từng chi tiết, mỗi tờ báo có những góc nhìn riêng về tầm mức quan trọng của sự việc. Nhật báo kinh tế Les Echos nhận thấy rằng không những “Hoạt động gián điệp của Mỹ đang gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị với châu Âu”, mà còn giúp cho Bắc Kinh chuyển sang thế có lợi vốn thường xuyên bị cáo buộc là nghi can số một trong các hoạt động tin tặc. Kể từ giờ trở đi, Washington mới là thủ phạm chính.
Những tiết lộ của Snowden đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ hai bên bờ Đại Tây Dương
Đối với nhật báo L’Humanité, vụ NSAgate còn cho thấy Washington đã định nghĩa lại sách lược ngự trị của siêu cường. Một mặt, Mỹ cho tăng cường hoạt động gián điệp. Mặt khác, Mỹ tìm cách khẳng định vị trí cường quốc số một về kinh tế, thể hiện rõ nét nhất qua việc nỗ lực khai thác các nguồn dầu khí nhằm khẳng định vị trí quốc gia sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới. Lãnh vực quân sự cũng nằm trong chiến lược đó khi cho tăng cường việc sử dụng ồ ạt các chiếc máy bay không người lái. Tờ báo cho rằng, gián điệp viễn thông và sử dụng máy bay không người lái chính là hai mặt trên cùng một chiến lược.
Hầu như các báo đều có cùng nhận định cho rằng vụ tai tiếng lần này đang đe dọa nghiêm trọng đến cuộc đàm phán thỏa thuận tự do mậu dịch Mỹ - châu Âu như lời khẳng định trên báo Le Figaro. Sự việc xảy ra không đúng thời điểm cũng khiến cho Tổng thống Obama bối rối như tựa đề bài xã luận trên báo Le Monde “Chú Sam rất rất là khó xử”.
Thế nhưng, bài xã luận trên tờ Libération lại nhìn thấy là việc Mỹ nghe lén các tòa đại sứ và các văn phòng đại diện của châu Âu đồng minh lộ rõ các nhược điểm của châu lục già cỗi. “Không những không thu được thuế của các đại tập đoàn chuyên về Web ngay trên chính lãnh địa của mình, mà còn để cho các tập đoàn này tự do mở cổng thông tin cho các cơ quan tình báo của Mỹ về quốc gia của mình”. Tác giả cho rằng châu Âu đã không biết tự bảo vệ cái gọi là “chủ quyền kỹ thuật số”, trong khi khái niệm này cũng là một phần chủ yếu tạo nên sức mạnh quốc gia.
Nói đi cũng phải nói lại, chỉ trích kịch liệt Mỹ, nhưng cũng phải nhìn lại mình. Nhân dịp này, Libération cũng đã phỏng vấn François Géré, Chủ tịch Viện phân tích chiến lược. Ông này nhìn nhận rằng “Tại Pháp, chúng tôi cũng làm điều tương tự”. Theo quan điểm của ông Géré, các hệ thống gián điệp và giám sát giờ đây đã vượt tầm kiểm soát.
Từ quan điểm đó, bài xã luận trên nhật báo kinh tế Les Echos kết luận rằng Mỹ không phải là quốc gia duy nhất bị lên án. Ngoài Trung Quốc, trong chừng mực nào đó, nhiều nước châu Âu khác, trong đó có Pháp, cũng bị Washington nghi ngờ là tấn công tin tặc vào các doanh nghiệp của Mỹ. Tác giả cho rằng giờ đây “tấn công tin tặc” cũng là một loại vũ khí cần phải được giải trừ, giống như vũ khí hạt nhân.
Th.Long (Theo AFP)
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí