Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Núi sông in bóng Mẹ Anh hùng

14:24 | 24/03/2015

2,241 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 24/3/2015, tại khu vực núi Cấm, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ (Quảng Nam), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức khánh thành công trình quần thể kiến trúc Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng được lấy nguyên mẫu Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ có chín người con ruột, hai cháu ngoại, một con rể đã hy sinh trong cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Công trình tri ân

Họa sỹ Đinh Gia Thắng, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam bảo: “Tôi làm công trình này là để tri ân gần 50.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng trong cả nước và hàng triệu người mẹ khác. Những bà mẹ cả đời chịu thương, chịu khó, tần tảo nuôi con khôn lớn bằng dòng sữa ngọt ngào được chắt chiu, tinh cất từ hạt gạo thấm đẫm mồ hôi; bồi đắp tâm hồn từ những lời ru, bằng tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương.

Quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng nhìn từ xa

Ông Thắng trải lòng, đây là người Mẹ huyền thoại không chỉ của Quảng Nam mà của cả nước, mẹ Nguyễn Thị Thứ quê xóm Rừng, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), có chín người con ruột, hai cháu ngoại, một con rể đã cầm súng chiến đấu hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Là người Mẹ tiêu biểu của hàng triệu người Mẹ, ở Mẹ tỏa sáng những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Vì vậy, ông lấy nguyên mẫu Mẹ Thứ để thực hiện công trình này.

Họa sĩ Đinh Gia Thắng tâm sự, làm tượng phải xuất phát từ cảm hứng, không có cảm hứng thì bức tượng làm ra chỉ là bức tượng mà thôi. Với quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, với nguồn cảm hứng "Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, Mẹ là linh hồn của đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hóa thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời với các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Mẹ vẫn tiếp thêm nguồn sức sống mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững chắc, giàu mạnh ".

Cận cảnh tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng

Và hôm nay công trình giàu ý nghĩa nhân văn này đã hoàn thành. Ngắm dáng Mẹ Việt Nam Anh hùng lồng lộng giữa trời xanh, chúng ta thầm cảm ơn tác giả đã cho ra đời một công trình nghệ thuật tuyệt vời. Không riêng gì tôi mà nhiều người đến đây cùng có chung nhận xét đây là một công trình vĩ đại nhiều ý nghĩa. Đấy là không gian kiến trúc và cảnh quan của quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, chính không gian tuyệt vời này đã tôn tạo hơn các giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật cho tác phẩm điêu khắc. Không gian đó không chỉ là nơi để ta đến tôn vinh và tưởng nhớ người Mẹ Anh hùng, mà còn là nơi trải nghiệm và cảm nhận các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Là nơi lý tưởng để con cháu của của các mẹ, các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau thăm quan, học tập. Là nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa tư tưởng cũng như các lễ hội có tầm vóc.

Nói như Họa sĩ Đinh Gia Thắng, không gian đó là công viên, với một hình thái đặc thù riêng đó là công viên tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng. Với một cấu trúc quy hoạch, mặt bằng mang tính dẫn dắt tạo nên một khả năng dẫn nhập tình cảm đối với người xem: Từ xao xuyến bồi hồi, xúc động đến ngập tràn tình cảm yêu thương, ngưỡng mộ sâu sắc đối với hình tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng, theo từng lớp lang không gian kiến trúc, từ ngoài vào trong. Hình thái này hoàn toàn khác biệt với không gian công viên vui chơi giải trí, không gian công viên dành cho các vị lãnh tụ, không gian quảng trường dành cho việc biểu dương sức mạnh của quân đội, của các tầng lớp nhân dân. Cũng như hoàn toàn khác với không gian công viên dành cho các đài tưởng niệm liệt sĩ, tượng đài chiến thắng khác.

Tầm vóc và quy mô

Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng có tổng diện tích 15,3ha. Với kiến trúc cảnh quan theo thể thức nghi lễ truyền thống, mang đậm phong cách Á Đông, vừa thể hiện sự độc đáo, vừa hoành tráng. Được xây dựng liên kết theo trục dọc gồm: quảng trường tiền môn, có tám trụ Huyền Thoại hình dung như một cổng ảo, đây cũng chính là tám biểu tượng dẫn dắt cảm xúc cho khách thăm quan trước khi vào công viên tượng đài.

Tám trụ Huyền Thoại là những biểu tượng đẹp về các Mẹ được trình bày bằng những khối điêu khắc, như những thân cây tròn, thẳng bóc vỏ có chiều cao là 11,2m, đường kính gần 2m bằng đá nguyên khối. Bên trong “thân cây” là hình ảnh bà Mẹ Bắc Bộ tần tảo, hiền lành như những bà bủ, bà bầm trong những làn điệu dân ca Bắc Bộ và trong những câu chuyện từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp.

Công nhân đang hoàn thiện thảm cỏ trước tượng

Là hình ảnh bà Mẹ Trung Bộ đầy nghị lực, can trường với ngọn đèn thắp sáng soi đường cho những đoàn quân ra trận. Ta sẽ gặp tại đây những cô gái Thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn rền bom B52; về những cô gái ngã ba Đồng Lộc đã hiến dâng cả tuổi xuân cho Tổ quốc. Là người mẹ Tây Nguyên, dù cái bụng không no vẫn dành từng hạt bắp cho bộ đội giải phóng. Là bà má Nam Bộ kiên trung, bất khuất giàu lòng nhân hậu… Tất cả hiện hữu vẻ đẹp thanh khiết của người phụ nữ Việt Nam, như nhắc nhở các con không bao giờ quên dòng sữa Mẹ, đã nuôi mình khôn lớn.

Bước qua cổng ảo là hai vườn hiện đại và hai vườn truyền thống đối xứng hai bên trục đường chính tới tượng Mẹ. Nơi đây có 18 phiến đá từ 18 địa danh, trong những địa danh nổi tiếng của cả nước từ địa đầu Tổ quốc là đỉnh Lũng Cú (Núi Rồng) ở Hà Giang, đến cực Nam của Tổ quốc là Đất mũi Cà Mau, đã hội tụ về đây. Trên mỗi phiến đá, là những câu thơ chan chứa tình cảm đối với các bà Mẹ.

Gần 500 cây xanh có chiều cao từ 7m đến trên 13m, vượt qua hàng trăm, hàng ngàn cây số để về đây bám rễ tại chân Núi Cấm, tạo nên một công viên quốc gia hoành tráng. Vườn cây xanh của 63 tỉnh thành trên cả nước ở vị trí bên trái khối tượng đài Mẹ nhìn từ đường An Hà, được bố trí gần giống trên bản đồ Việt Nam để khi các tỉnh về đây sẽ dễ dàng định vị được vườn cây của mình.

Vườn cây của 18 huyện thị, các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam ở vị trí bên phải, được bố trí gần giống bản đồ của tỉnh Quảng Nam. Hai vườn cây lớn này được sắp xếp theo quy hoạch có bố cục mảng miếng như 2 tấm thảm hình rẻ quạt khổng lồ. Có lối đi xen kẽ giữa các hàng cây, hướng tâm về phía tượng đài Mẹ với ý tưởng: Suối nguồn từ Mẹ chảy bất tận tới những con sông, tưới mát cho màu xanh của đất nước.

Tại đây còn có hai vườn truyền thống Bắc Bộ - Bắc Trung Bộ và vườn Trung Trung Bộ - Nam Bộ. Vườn truyền thống Bắc Bộ - Bắc Trung Bộ có nhiều loại cây cảnh đặc trưng vùng trung du Bắc Bộ. Có cổng làng, cây đa thân thuộc, mộc mạc của vùng đồng bằng Bắc Bộ xa xưa. Có guồng quay nước giã gạo của rừng núi Tây Bắc; có nét đẹp tinh tế của những người nghệ nhân vùng Kinh Bắc; có nét kiến trúc truyền thống tiêu biểu mà cũng rất thân thuộc của chùa Một Cột.

Tấm trụ huyền thoại bằng đá nguyên khối

Trong lòng khối tượng chính là Bảo tàng Mẹ Việt Nam Anh hùng, có tổng diện tích 1.800m2. Đây là nơi ghi danh gần 50.000 Mẹ Việt Nam anh hùng của cả nước và lưu giữ những ảnh tư liệu về những Mẹ Việt Nam Anh hùng, hình ảnh về những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bên cạnh đó là hiện vật gắn liền với đời sống, gắn liền với những câu chuyện, kỳ tích của những bà mẹ và những người phụ nữ Việt Nam anh hùng tiêu biểu cho 54 dân tộc anh em, được thể hiện qua các tác phẩm hội hoạ, phù điêu, ảnh nghệ thuật. Ngoài ra còn có trang thông tin điện tử lưu giữ các câu chuyện, những bài thơ, bài hát về các Mẹ Việt Nam anh hùng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Khu nhà tổng hợp với nhiều chức năng sử dụng: Hội thảo, chiếu phim, tiếp khách, quản lý, kỹ thuật, có diện tích 814m2, khối nhà có chiều cao tới mái là 9.35m, mái bê tông dán ngói gốm màu xanh, với lối kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Hệ thống điện chiếu sáng, ngoài 30 cây đèn đá cao 2,15m, với kiểu dáng gần gũi với ngôn ngữ của 8 trụ huyền thoại tạo nên sự kết nối trong ngôn ngữ điêu khắc tổng thể. 30 ngọn đèn có ý nghĩa tượng trưng cho 30 năm Mẹ mong chờ đất nước thống nhất, được phân bố hợp lý.

Tác giả bên công trình.

Hướng Mẹ nhìn phía trước là hướng Đông Bắc có sông Trường Giang, xa hơn là Biển Đông nói lên lòng mẹ bao la như biển rộng, sông dài. Sau lưng mẹ là dãy núi Cấm nhấp nhô như ôm lấy tượng Mẹ, tạo thế dựa lưng như sự gắn kết tình cảm thắm thiết của quê hương đất nước với mẹ hiền. Theo cách nhìn phong thuỷ thì hướng  Đông Bắc nằm trong cung Thổ rất phù hợp với ý tưởng “Mẹ sẽ lại hóathân vào đất”. Nhìn theo góc độ lịch sử, góc độ tâm linh thì xưa kia những người Việt “Bắc địa tòng vương” theo chân vua Lê Thánh Tông  đi mở đất, sống ở phương Nam nhưng lòng vẫn hướng về quê cha đất Tổ ở phương Bắc. Tượng Mẹ hướng mặt về nơi phát tích là rất lô rích. Như vậy nhìn theo các góc độ lịch sử, tâm linh và phong thủy thì hướng Đông - Bắc là hướng tốt nhất cho tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Hình ảnh đẹp về Mẹ hiền Tổ quốc khắc sâu trong trái tim mỗi người chúng ta. Với lòng ngưỡng mộ và biết ơn sâu sắc, sự hy sinh, tận hiến của các Mẹ. Họa sĩ Đinh Gia Thắng đã dồn cả tâm huyết cho công trình này. Xin được chép ra đây bốn câu thơ mà ông đã gửi tất cả cảm xúc của mình để thay lời kết bài viết này:

"Núi sông in bóng Mẹ hiền
Vai gầy Mẹ gánh một miền nắng mưa
Lời ru còn vọng ngàn xưa
Suối nguồn chảy mãi cho mùa xuân xanh".

                                                                                         

Đặng Trung Hội