Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nữ thủ khoa “kép” ước mơ thành nhà nghiên cứu Hóa học

13:47 | 26/08/2013

1,501 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhờ sự phấn đấu nỗ lực và phương pháp học tập đúng đắn, Bùi Thị Yến Hằng (khoa Hóa, ĐH Sư phạm Hà Nội) đã xuất sắc trở thành một trong 4 thủ khoa “kép” được vinh danh trong chương trình tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường ĐH, HV tại Hà Nội năm 2013.

Không phấn đấu chỉ vì danh hiệu thủ khoa

Sinh ra trong gia đình bố làm công an, mẹ làm bác sĩ tại quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, học tập ở bố tính cách mạnh mẽ của người chiến sĩ công an và ở mẹ sự chăm chỉ tận tụy của người lương y, từ nhỏ Bùi Thị Yến Hằng luôn phấn đấu học tập tốt. Từ năm lớp 8, khi bắt đầu được tiếp cận với môn Hóa học, Hằng đã có niềm đam mê đặc biệt với môn học này. 

Nhờ có niềm đam mê cùng sự chăm chỉ miệt mài, Hằng thi đỗ vào lớp chuyên Hóa trường chuyên THPT Trần Phú (Hải Phòng). Trong quá trình học tập tại đây, Hằng luôn duy trì danh hiệu học sinh giỏi. Trong năm lớp 11, 12, Hằng liên tiếp đạt danh hiệu Học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa học, và được lọt vào vòng 2 đợt tuyển chọn học sinh thi Olympic Quốc tế. Cùng với thành tích xuất sắc đó, Hằng được đặc cách tốt nghiệp THPT, đồng thời được ưu tiên xét tuyển vào đại học.

Thủ khoa "kép" Bùi Thị Yến Hằng.

Tuy nhiên, để thử sức mình, Hằng đăng ký dự thi vào khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và đỗ với 29 điểm (Toán 9 điểm, Vật lý 10 điểm, Hóa học 9,75 điểm) và trở thành thủ khoa đầu vào của trường. Sau 4 năm học, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Hằng đạt được tổng số điểm là 3,84/4 (theo hệ thống tín chỉ), tương đương với 9,21/10, và trở thành thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình Yến Hằng cho biết: "Trong quá trình học tập ở trường, em gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài thời gian học lý thuyết, em còn tham gia cả quá trình nghiên cứu thực nghiệm. Trong quá trình thực nghiệm, không phải kết quả lúc nào cũng như mình mong muốn, có những lúc phải thất bại, những lúc đó phải động viên bản thân cố gắng. Cùng với đó, ngay khi đỗ vào trường, em luôn xác định khối lượng công việc rất lớn nên đầu năm học đã phải học và không bao giờ để dồn lại vào cuối kỳ”.

Hằng cũng cho biết thêm, thực ra em cũng không phấn đấu chỉ vì danh hiệu thủ khoa đầu ra mà chỉ cố gắng học tập thật tốt và nỗ lực làm việc để có được kết quả tốt nhất.

Khi được hỏi về kinh nghiệm học tập để có được kết quả xuất sắc, thủ khoa Bùi Thị Yến Hằng cho biết: “Em không có kinh nghiệm gì đặc biệt trong việc học cả. Thông thường em hay phân chia thời gian học một cách hợp lý, không để tích tụ khối lượng công việc lớn và tránh học dồn khi đến kỳ thi. Bên cạnh đó, em nghĩ các bạn sinh viên cần phát huy tinh thần tự học và khi học thì cần tập trung và chăm chỉ”.

Chia sẻ thêm, Hằng cho biết: “Ngoài việc học, em cũng có tham gia hoạt động Đoàn ở khoa, trường và các hoạt động thường niên như nghiệp vụ sư phạm, kỉ niệm thành lập khoa, trường… Em cũng đã từng hiến máu nhân đạo 4 lần. Mình hy vọng, chút sức nhỏ của mình sẽ giúp đỡ được nhiều người khác”.

Ngoài việc học tập trên lớp, Hằng còn đi dạy thêm vào các buổi tối cuối tuần. Theo Hằng, dạy thêm không chỉ giúp trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày mà còn củng cố lại kiến thức và nghiệp vụ sư phạm.

Ước mơ trở thành nhà nghiên cứu hóa học

Thủ khoa Bùi Thị Yến Hằng chia sẻ, mặc dù theo đuổi ngành sư phạm nhưng mơ ước cháy bỏng từ hồi nhỏ muốn trở thành nhà nghiên cứu và giảng dạy bộ môn Hóa học trong trường ĐH. Hằng cho biết, em đang phấn đấu trở thành một giảng viên ĐH nên cần tiếp tục học lên cao để nâng cao kiến thức và thêm tự tin để đứng trên bục giảng.

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, Bùi Thị Yến Hằng cho biết: thời gian tới, Hằng sẽ đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, mở rộng kiến thức để trở thành nhà nghiên cứu và giảng dạy bộ môn Hóa học.

Về việc nhiều bạn trẻ “né” nghề giáo để lựa chọn các ngành “hot” khác, Hằng chia sẻ: “Theo em, việc các bạn không hào hứng với ngành sư phạm cũng có nhiều yếu tố. Yếu tố chủ quan chính là do sở thích, tính cách của mỗi người và cũng không phải ai cũng thích hợp với nghề giáo. Bởi bản thân nghề giáo viên đòi hỏi sự kiên nhẫn, cẩn thận, tỉ mỉ và tận tâm với nghề, với học sinh. Tuy nhiên, có nhiều bạn thích phiêu lưu, mạo hiểm nên lựa chọn những ngành kinh tế, ngân hàng… là dễ hiểu. Còn yếu tố khách quan là do xu thế thi vào trường có điểm đầu vào “top”, ngành "hot" như ngân hàng, kinh tế…

Bùi Thị Yến Hằng (thứ 4 từ trái qua) cùng các thủ khoa tốt nghiệp các trường ĐH, HV tại Hà Nội năm 2013.

Bản thân em, ngay từ khi học cấp 2 đã có niềm yêu thích với môn Hóa. Em mong ước khi lớn lên sẽ tiếp tục được nghiên cứu khoa học vì môn Hóa thật kỳ diệu và rộng lớn. Và em đã chọn ĐH Sư phạm để thực hiện ước mơ đó”.

Về vấn đề Hà Nội “trải thảm đỏ” trong 10 năm, nhưng chỉ tiếp nhận được hơn 100 thủ khoa, Hằng chia sẻ: “Bản thân em mong muốn làm trong cơ quan Nhà nước do tính chất ngành nghề. Tuy nhiên, mình nghĩ các bạn theo học các ngành kinh tế có thể e ngại không biết mình có được làm đúng ngành, đúng nghề, đúng năng lực của mình không khi vào làm cơ quan Nhà nước? Sau khi nhận công tác, môi trường làm việc, lương bổng, cơ hội thăng tiến như thế nào… có thể đó là lý do nhiều bạn băn khoăn”.

Khánh An