Nord Stream 2: Hoàn thành hay là chết
Công việc đã sẵn sàng
Cơ quan năng lượng Đan Mạch (Danish Energy Agency, DEA) đã cấp phép cho các đơn vị thi công sử dụng định vị neo tàu để hoàn thành xây dựng đoạn đường ống còn lại của dự án trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch. Với việc DEA cấp phép, dự án có thể sử dụng sà lan đặt ống "Fortuna" (không có hệ thống định vị động) để hoàn thiện phần đường ống còn lại. Việc sử dụng "Fortuna" sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng nhưng phần lớn công việc sẽ phải do tàu đặt ống "Akademik Chersky" đảm nhiệm, hiện đang trên Biển Baltic sau khi trở về từ cảng Nakhodka Viễn Đông.
Tốc độ đặt ống của "Akademik Cherskky" là không quá 2 km/ngày, trong khi của "Fortuna" là 1,5 km/ngày. Các chuyên gia dự báo, sẽ mất ít nhất ba tháng để hoàn thành toàn bộ đường ống. Do đó, Gazprom cần phải đẩy nhanh thi công càng sớm càng tốt để tận dụng điều kiện thời tiết đang thuận lợi. Việc xây dựng dự án sẽ gặp khó khăn khi mùa bão trên Biển Baltic bắt đầu vào mùa thu.
Dưới sự hỗ trợ của các tàu hải quân Nga, hai tàu hậu cần hỗ trợ cho dự án là "Ivan Sidorenko" và Ostap Sheremet" cũng đã neo đậu tại cảng Svetlyi, Kaliningrad, sẵn sàng cung cấp cho "Akademik Chersky" các vật liệu và thiết bị cần thiết. Hai tàu sẽ di chuyển đến cơ sở hậu cần kỹ thuật chính của Nord Stream 2 tại cảng Mukran (Đức) trên đảo Rugen. "Fortuna" cũng đang chuẩn bị để khôi phục công việc và hiện đang nằm ở cảng Rostock (Đức). Vấn đề lúc này đối với "Fortuna" là không thể bắt đầu công việc sớm hơn 03/8 do đang trong thời gian chờ kháng cáo (nếu có) đối với quyết định của DEA tại Tòa phúc thẩm Đan Mạch.
Về vấn đề mùa cá tuyết sinh sản, vốn được các phương tiện truyền thông phương Tây và Nga đưa tin gần đây không phải là một trở ngại trong quá trình tái khởi động dự án. Cá tuyết sinh sản ở vùng biển phía Tây Baltic từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Ngoài ra, tuyến đường ống Nord Stream 2 không nằm trong vùng lãnh hải Đan Mạch và có khoảng cách đủ lớn từ đảo Bornholm nên không ảnh hưởng đến việc sinh sản của cá tuyết.
Phần đường ống cần hoàn thành còn lại có chiều dài 160 km dọc theo hai tuyến. Vào cuối năm 2019, công ty AllSeas (Thụy Sĩ) đã ngừng công việc và rút các tàu đặt ống ra khỏi dự án do lo sợ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều này khiến Gazprom và các đối tác châu Âu bị thiệt hại đáng kể. Sau khi dự án bị đình trệ, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette tuyên bố rằng, Nga sẽ không bao giờ hoàn thành xong Nord Stream 2 vì không có các công nghệ kỹ thuật cần thiết. Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với ban quản lý Gazprom, Tổng thống V.Putin thông báo sẽ hoàn thành đường ống vào cuối năm 2020 hoặc muộn nhất vào quý I/2021.
Việc Gazprom tập hợp đủ các thiết bị kỹ thuật cần thiết ở Biển Baltic để hoàn thành dự án có thể là không đủ. Hãng cần chuẩn bị phương án chuyển cơ sở hậu cần kỹ thuật từ cảng Mukran sang một trong các cảng ở Kaliningrad trong trường hợp các đối tác châu Âu không chịu được các lệnh trừng phạt nghiêm trọng đang được phía Mỹ chuẩn bị.
Động thái từ phía Mỹ
Một nhóm các thượng nghĩ sĩ Mỹ do thượng nghị sĩ Ted Cruz và John Barrasso dẫn đầu đã đệ trình hai dự luật trừng phạt mới lên Quốc hội Mỹ nhằm siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án Nord Stream 2. Theo dự luật, tất cả các biện pháp trước đây đối với công ty cung cấp tàu và sà lan xây dựng đường ống sẽ mở rộng trừng phạt đối với tất cả các công ty cung cấp dịch vụ, bảo hiểm, thiết bị, chứng nhận, bảo trì cho dự án. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt có thể nhắm vào các cảng, cơ sở neo đậu các tàu tham gia dự án.
Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz lên tiếng đòi siết chặt trừng phạt đối với dự án Nord Stream 2 |
Các thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng, những biện pháp trừng phạt trước đây của chính quyền là chưa đủ vì phía Nga có thể tự mình hoàn thành dự án. Theo họ, đường ống dẫn khí đốt đi trực tiếp từ Nga đến Đức sẽ “đe dọa” nền độc lập năng lượng của EU và Ukraine, có thể được dùng như một công cụ đòn bẩy gây áp lực lên các đồng minh của Mỹ. Vì vậy Quốc hội Mỹ cần có các biện pháp cứng rắn hơn nữa để ngăn chặn việc hoàn thành dự án này.
Dự luật cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt bổ sung trong ngân sách quốc phòng giai đoạn 2020 - 2021 nhằm mục đích ngăn Tổng thống phủ quyết. Thượng nghị sĩ Ted Cruz thậm chí còn đưa vào dự luật cả các biện pháp trừng phạt đối với tất cả các công ty tham gia dự án Nord Stream 2 trước thời điểm tháng 12/2019. Điều này gây nguy hiểm cho tất cả các đối tác của Gazprom trong dự án này.
Theo các chuyên gia thị trường phương tây, thị trường châu Âu đang khá cân bằng cho các nhà sản xuất LNG của Mỹ. Tuy nhiên, cuộc đối đầu Mỹ - Trung gia tăng, nguy cơ leo thang sẽ trở thành một cuộc chiến thương mại toàn diện. Lúc đó, thị trường Trung Quốc sẽ hoàn toàn đóng cửa với hàng hóa Mỹ và châu Âu sẽ trở thành thị trường chính cho xuất khẩu khí đốt Mỹ. Do đó, các lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2 không chỉ giúp bảo vệ các đồng minh châu Âu của Mỹ mà còn đảm bảo thị trường xuất khẩu LNG của nước này.
Tầm quan trọng của khí đốt đối với EU
Các lệnh trừng phạt của Mỹ không chỉ nhắm đến Gazprom mà sẽ giáng đòn nặng nề đối với lợi ích kinh tế của các nước phát triển ở châu Âu, trước hết là Đức. Trong trường hợp dự án được hoàn thành, Đức có thể nhận được 100 tỷ m3/năm từ cả hai đường ống Nord Stream 1 và 2. Lượng khí đốt này đủ để nước này bù đắp cho việc giảm công suất điện than và điện hạt nhân. Đức đang có kế hoạch đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022 và từ bỏ hoàn toàn sử dụng nhiệt điện than vào năm 2038. Việc cung cấp khí đốt quy mô lớn trực tiếp từ Nga đến Đức cho phép nước này triển khai các kế hoạch trên mà không gây thiệt hại về kinh tế.
Nord Stream 2: Hoàn thành hay là chết |
Nếu tính cả nguồn cung khí đốt từ đường ống "Yamal Europe", hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine, đường ống dẫn khí từ Biển Bắc, Đức sẽ trở thành trung tâm khí đốt lớn nhất châu Âu (trung tâm phân phối khí đốt châu Âu). Với nguồn lực như vậy, các công ty năng lượng lớn khác ở châu Âu sẽ nhận được lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ hay Trung Đông.
Do mùa đông 2019 - 2020 ấm áp và chế độ cách ly vì đại dịch ở châu Âu, tình trạng dư thừa nguồn cung khí đốt đang ở mức cao tại thị trường này. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi đáng kể vào cuối năm nay do các nguồn cung khí đốt chính từ Na Uy, Algeria và nguồn cung LNG chủ yếu từ Mỹ sụt giảm. Sản xuất khí đốt tại EU đang có xu hướng giảm nhanh. Chính phủ Hà Lan có kế hoạch ngừng hoàn toàn sản xuất khí tại mỏ khí lớn nhất châu Âu Groningen. Mỏ này từng có công suất khai thác khí lên tới 88 tỷ m3 (1976) và dự kiến sản lượng khí khai thác sẽ dưới 10 tỷ m3 trong năm nay. Ngoài ra, Na Uy và Algeria không có cơ sở tài nguyên khí dồi dào, do đó họ không thể tăng sản xuất và tăng nguồn cung khí đốt cho EU. Xuất khẩu khí đốt của Na Uy năm 2019 lên tới 114 tỷ m3 và từ Algeria đạt khoảng 41 tỷ m3. Tiêu thụ khí đốt ở châu Âu (không bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ) hiện nay đạt khoảng 510 tỷ m3/năm. Chưa có nhiều dự báo về tiêu thụ khí đốt của EU trong những năm tới nhưng sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của liên mình sẽ tăng do sản xuất khí đốt giảm, cũng như hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện than giảm.
Phía Đức nhận thức được rằng, việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo không thể bù đắp hoàn toàn cho các nhà máy điện hạt nhân và các nhà máy điện than ngừng hoạt động trong tương lai gần. Ngoài ra, chi phí năng lượng tái tạo vẫn cao hơn nhiều so với khí thiên nhiên (nhiên liệu hóa thạch thân thiện nhất với môi trường). Việc nguồn cung khí đốt được đảm bảo từ Nga là cần thiết để Đức - nền kinh tế đầu tàu châu Âu phát triển ổn định.
Không có chiến thắng nào cho Gazprom
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang hỗ trợ cho dự án Nord Stream 2. Chính phủ Đức tin rằng, dự án hoàn toàn mang tính thương mại, không có ý đồ chính trị như những tuyên bố của Mỹ hoặc các tuyên bố ủng hộ Mỹ trong liên minh. Hỗ trợ dự án là cách Thủ tướng Merkel bảo vệ lợi ích của các công ty năng lượng lớn nhất châu u, đối tác của Gazprom là Uniper và Wintershall (Đức), Engie (Pháp), Anglo-Dutch Shell (Anh) và OMV (Áo). Tuy nhiên, phía Đức không thể kéo dự án ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Chỉ thị năng lượng châu Âu số 3. Theo đó, Gazprom không được phép sử dụng 100% công suất của đường ống.
Do áp lực từ phía Mỹ và mâu thuẫn tại Liên minh châu Âu, phía Đức đã đẩy nhanh ký kết hợp đồng dài hạn mua khí đốt của Nga quá cảnh qua Ukraine vì tin rằng sự nhượng bộ này sẽ làm dịu đi lập trường của Mỹ đối với Nord Stream 2. Tuy nhiên, động thái này không hiệu quả khi phía Mỹ chỉ quan tâm đến việc siết chặt các lệnh trừng phạt để có thể đe dọa các đối tác châu Âu của Gazprom.
Gazprom đã ký thỏa thuận quá cảnh khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine với những điều khoản rất bất lợi. Gazprom phải đảm bảo quá cảnh khí đốt qua lãnh thổ Ucraina trong vòng 5 năm. Trong năm 2020, lượng khí đốt quá cảnh phải đạt 65 tỷ m3 và trong 4 năm tiếp theo, mỗi năm 40 tỷ m3. Trong đó, Gazprom phải đảm bảo trung chuyển qua Ucraina 178 triệu m3/ngày trong năm 2020, 110 triệu m3 khí/ngày trong 4 năm tiếp theo. Nếu lượng khí trung chuyển thấp hơn, Gazprom phải thanh toán hết toàn bộ phí quá cảnh khí đã thiết lập. Nếu như nguồn cung khí đốt tăng, Gazprom phải thanh toán phí quá cảnh khí bổ sung với mức phí cao hơn. Trong 5 tháng đầu năm 2020, trung chuyển khí đốt qua Ukraine đạt 24,9 tỷ m3, nhưng Gazprom đã thanh toán toàn bộ phí trung chuyển khí đốt trong 6 tháng đầu năm (khoảng 32,5 tỷ m3).
Cuối năm 2019, Gazprom đã bồi thường cho phía Naftogaz (Ukraine) 2,9 tỷ USD theo phán quyết của Tòa trọng tài Stockholm. Hơn nữa, mặc dù phía Ukraine tuyên bố từ chối mua khí đốt trực tiếp từ Gazprom, song vẫn mua một lượng khí cần thiết từ dòng khí đốt quá cảnh, mặc dù trong các điều khoản hợp đồng, tất cả khí được bơm từ Nga đến EU.
Công ty khí đốt Ba Lan (PGNiG) cũng đã nhận được khoản bồi thường 1,5 tỷ USD từ Gazprom sau vụ kiện tại Tòa trọng tài Stockholm. Phía Gazprom cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo quyết định của tòa song đã thanh toán đầy đủ cho PGNig theo phán quyết của Tòa trọng tài.
Có thể nói, Gazprom đã phải chịu đựng những thỏa thuận chính sách mà hãng đã theo đuổi trong những năm gần đây liên quan đến EU. Hãng đã ký hợp đồng với Ukraine, thanh toán số tiền rất lớn cho Naftogaz và PGNig để có thể đạt mục tiêu hoàn thành việc xây dựng Nord Stream 2. Do đó, Gazprom không có quyền phạm sai lầm. Dự án phải được hoàn thành. Ngoài ra, chính sách đa dạng hóa các tuyến cung cấp khí đốt đến châu Âu, khả năng xuất khẩu khí giá rẻ cho phép đang là những lợi thế để Gazprom theo đuổi chính sách giá linh hoạt, thay đổi cách tính giá khí nhằm đảm bảo vị thế nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho thị trường này.
Phạm TT
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”