Nông dân huyện biên giới mừng Tết đủ đầy vì dưa hấu tăng giá
Huyện Chư Prông, Gia Lai có hơn 250ha diện tích trồng dưa hấu, tập trung nhiều ở các xã Ia Lâu, Ia Piơr, Ia Ga, Ia Mơr và Ia Púch. Đa số người trồng dưa hấu tại đây đều có quê quán ở Bình Định.
Giai đoạn này, nông dân đang hối hả thu hoạch dưa hấu để chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán. Năm nay, giá dưa hấu tăng cao nên có thương lái phải đặt cọc ngay từ đầu vụ.
Nông dân Gia Lai phấn khởi vì giá dưa hấu tăng cao dịp cận Tết (Ảnh: Phạm Hoàng). |
Ông Dương Văn Bình (quê ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cho biết, từ đầu tháng 9/2023, gia đình đã thuê 2ha đất tại xã Ia Lâu để trồng dưa hấu. Tính cả tiền thuê đất, giống, nước và chi phí đầu tư mất khoảng 160 triệu đồng/ha. Năm nay thời tiết thuận lợi và dưa hấu sinh trưởng, phát triển tốt nên sản lượng tăng hơn so với các năm trước.
Mỗi ha dưa, nông dân đã thu lãi khoảng 130 triệu đồng (Ảnh: Phạm Hoàng). |
Ông Bình phấn khởi nói: "Vụ mùa trước, cửa khẩu Trung Quốc đóng cửa, giá hạ xuống chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg, gia đình tôi gần như trắng tay. Năm nay, tôi duy trì trồng và giá cả đã khởi sắc, tăng hơn 7.000 đồng mỗi kg. Với 2ha dưa hấu, gia đình đã thu về hơn 300 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí".
Ông Võ Văn Chánh (quê ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) vừa thu hoạch hơn 3ha dưa hấu tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông.
Theo ông Chánh, từ đầu vụ, giá dưa hấu đã đạt 15.000 đồng/kg, sau đó giảm dần từ 8.000 đồng/kg đến 10.000 đồng/kg. Năm nay, gia đình thu hoạch được hơn 100 tấn dưa hấu và bán với giá 8.500 đồng/kg.
Giá dưa cao dịp cuối năm, nông dân có cái Tết đủ đầy (Ảnh: Phạm Hoàng). |
Tương tự, anh Phạm Văn Cảnh (quê ở Bình Định) đang phấn khởi khi lãi hơn 200 triệu đồng. Anh Cảnh cho biết, giữa năm 2022, anh cùng vợ lên vùng đất này để trồng 1,5ha trồng dưa nhưng mất mùa. Nay dưa hấu được mùa, được giá, gia đình có tiền trang trải nợ nần do mất mùa ở vụ trước và sắm sửa Tết.
"Ở đây chỉ trồng dưa được 1 vụ trước Tết này vì khan hiếm nước tưới. Sau Tết, chúng tôi di chuyển sang thị xã Ayun Pa, Krông Pa để thuê đất trồng dưa.
Nghề trồng dưa năm được, năm mất mùa nhưng chúng tôi đã sống với nghề được mấy chục năm nên phải bám theo. Năm nay dưa hấu được mùa nên gia đình phấn khởi", anh Cảnh tâm sự.
Nông dân tất bật thu hoạch dưa để kịp bán cho thương lái (Ảnh: Phạm Hoàng). |
Dưa giá cao lại rơi vào thời điểm cận Tết nên rất nhiều thương lái từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên đến huyện Chư Prông (Gia Lai) để mua dưa. Mỗi ngày, trước Ủy ban nhân dân xã Ia Lâu, 30-50 xe tải của thương lái xếp hàng chờ thu mua dưa của nông dân.
Ông Nguyễn Văn Thu (thương lái ở Bình Định) túc trực ở huyện Chư Prông nhiều tháng để thu mua dưa của bà con. Ông Thu bộc bạch: "Từ đầu vụ đến nay, tôi thu mua hàng chục chuyến xe tải dưa để xuất khẩu sang Trung Quốc. Để đảm bảo số lượng dưa xuất đi, tôi đã đặt cọc trước cho nông dân 30% ngay từ đầu vụ".
Những người gánh dưa thuê được trả công hàng trăm nghìn đồng mỗi ngày (Ảnh: Phạm Hoàng). |
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thành Công - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Lâu, cho biết: "Trên địa bàn xã hiện có khoảng hơn 130ha dưa hấu, hầu hết là người dân Bình Định lên thuê đất để trồng. Thấy dưa hấu giá cao, một số nông dân ở xã cũng học hỏi kinh nghiệm để trồng theo. Tuy nhiên, xã Ia Lâu có khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng nên chỉ trồng được một vụ trước Tết".
Theo ông Công, giá dưa hấu từ đầu vụ khá cao so với các năm trước, 13.000-14.000 đồng/kg. Cuối vụ, giá đã hạ xuống, còn khoảng 8.000-10.000 đồng/kg. Với mức giá này, bà con nông dân thu lãi về khoảng 130 triệu đồng/ha.
Theo Dân trí
-
Các tỉnh miền Trung căng mình ứng phó bão số 6
-
Quảng Nam: Chủ động sơ tán người dân trước diễn biến của bão số 6
-
Tuyệt đối không chủ quan, sẵn sàng công tác ứng phó với bão Trami
-
Công an tỉnh Quảng Nam triển khai các giải pháp phòng chống bão số 6
-
Bão Trami giật cấp 14, di chuyển nhanh về vùng biển Trung Trung Bộ