Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nói không với ép ăn!

06:41 | 05/09/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hiện nay, trước sức ép chuyện học hành đã khiến nhiều học sinh bị trầm cảm, thậm chí có em tự tử. Vì thế nhiều bậc phụ huynh, nhiều nhà giáo dục, tâm lý kêu gọi hãy nói không với ép học, nhất là bậc tiểu học. Thế nhưng, nhiều phụ huynh không biết rằng, ép ăn đối với trẻ cũng dễ dẫn đến những hậu quả khó lường như tính nết của trẻ có xu hướng cục cằn, nóng nảy, trẻ dễ quậy phá, nổi loạn...

“Hãy nói không với ép ăn” là thông điệp chính mà PGS.TS Đoàn Thị Ngọc Diệp nhấn mạnh trong buổi giao lưu, trò chuyện với nhiều bậc phụ huynh có chủ đề “Nghệ thuật nuôi dạy con nên người” tại TP HCM vừa qua. Là giảng viên chính Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP HCM, đồng thời là Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 2 và từng học về tâm lý, BS Ngọc Diệp thấy việc trẻ nhỏ bị ép ăn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong hiện tại và cả tương lai về sau của bé.

Hậu quả trước tiên dễ nhận thấy, nếu bé không muốn ăn mà bị ép thì bé sẽ bị “nhợn”. Nhợn có nghĩa là dịch dạ dày trào lên có thể làm thực quản của bé đau, ban đêm khó ngủ giống như người lớn đau dạ dày. Chưa kể nhiều bé bị ép ăn nhiều lần, đến nỗi mỗi lần ăn là mỗi lần ói.

Đối với nhiều đứa trẻ, ăn là một nỗi ám ảnh

Có dịp gặp chị Lê, quê ở Bình Định đưa con vào Sài Gòn chữa trị tại bệnh viện Nhi đồng (TP HCM), nhìn đứa bé ốm om, gầy gò, 9 tháng tuổi mà chỉ nặng 6 ký lô không ai mà không khỏi xót xa. Hỏi ra mới biết, khi mới 1 tháng tuổi vì bé hay khóc, bà ngoại và bà nội nói là chắc sữa mẹ không đủ no nên cho bé ăn dặm. Kết quả của những lần ăn dặm quá sớm là dạ dày bé không hấp thụ được, chưa kể ở quê việc nhiều nên để tiết kiệm thời gian mẹ hay ép bé ăn nhanh. Mẹ và bà cứ thúc ép liên tục, bé hoảng sợ, dạ dày co bóp mạnh gây ói thường xuyên. Đi hai ba nơi chữa trị, đến bệnh viện Nhi đồng thì bác sĩ nói lỗi này là do người lớn, cho ăn dặm quá sớm và ép ăn quá sớm nên hậu quả là trẻ không hấp thu được, suy dinh dưỡng...

Còn về lâu dài, ép ăn sẽ ảnh hưởng đến vô thức của trẻ, khiến tâm lý của trẻ có khuynh hướng cộc tính, hung dữ, hay quậy phá dẫn đến việc dễ bị các tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày.

PGS. TS Đoàn Thị Ngọc Diệp bày tỏ nỗi lo ngại khi giá trị cốt lõi của con người đang bị thay đổi, thể hiện trong cách nuôi dạy con của các bậc cha mẹ ngày nay. Việc dạy con ngày xưa quan niệm “thành nhân = thành công” (dạy con nên người là thành công) thì ngày nay quan niệm “thành danh = thành công” (con phải có danh vọng, có địa vị mới thành công). Chính cách hiểu thiên lệch này mà nhiều bậc phụ huynh luôn muốn con mình cao hơn, khỏe hơn mỗi ngày, học giỏi hơn người. Điều này không có gì sai, đó là ước muốn chính đáng của cha mẹ nhưng cứ ép ăn, ép học với những đứa trẻ mà năng lực có giới hạn thì tác hại còn lớn hơn nhiều.

Chưa kể, trong việc nuôi trẻ ngày nay, các bậc cha mẹ quá chú trọng giá trị định lượng hơn là định tính. Nếu như ngày xưa cha mẹ quan tâm đứa trẻ ăn ngon không, chơi vui không, ngủ ngoan không thì ngày nay cha mẹ cứ chăm chú con mình cao bao nhiêu, cân nặng thế nào, ngủ được mấy giờ trong ngày, uống sữa nội hay sữa ngoại, ăn trái cây loại gì… Và các bậc phụ huynh rất hay so sánh con mình với những đứa trẻ khác, nếu thấy con mình mà ốm hơn, còi hơn, thấp hơn là tỏ thái độ buồn bực.

Trong bao nhiêu năm làm công tác trong ngành Y, BS Diệp rút ra kinh nghiệm khoa học lẫn thực tiễn rằng, để nuôi dạy một đứa trẻ thành công phụ thuộc 2 yếu tố chính là di truyền và môi trường. Trong đó, yếu tố di truyền được BS Diệp so sánh vui với việc “chọn giống cây trồng” trong nông nghiệp hay ông bà xưa hay nói “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” là vậy. Còn yếu tố môi trường thì có gia đình, nhà trường, xã hội, bối cảnh đứa trẻ sinh ra và lớn lên…

Hãy biến mỗi bữa ăn là mỗi niềm vui thích của trẻ

Trong đó, thời gian mang thai và 2 năm đầu đời quyết định nhiều nhất đến sự phát triển thể chất, trí thông minh và nhân cách của con người. Vì vậy, phụ huynh nên dành sự quan tâm nhiều nhất đến con mình trong giai đoạn này, có cả vấn đề thai giáo.

"Giờ đây có rất nhiều phương pháp nuôi dạy con của cả Đông lẫn Tây, kim cổ được hệ thống thành phương pháp khoa học, có trên kệ sách, chưa kể là hằng hà thông tin trên mạng. Quan trọng là mỗi ông bố bà mẹ phải biết lựa chọn phương pháp nào cho phù hợp với tâm sinh lý của con mình, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế gia đình và bối cảnh mà đứa trẻ đang sinh sống chứ không phải cái gì cũng vơ vào thì cũng không tốt" – tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn nhắn nhủ.

“Đừng đối đầu với con cái mà hãy đứng cùng phe với con; cha mẹ luôn cùng chung tiếng nói; làm mẹ “vừa đủ” tốt để trẻ tự đứng trên đôi chân của mình; phân biệt học trước khác với học giỏi; tuổi thơ quyết định nhân cách, nhân cách quyết định cuộc đời nên cho con tuổi thơ bình yên thì trẻ sẽ có một cuộc đời khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần”. Đó là điều mà BS Ngọc Diệp muốn nhắn nhủ với nhiều bậc phụ huynh. 

Nguyệt Anh