Nỗi đau đồng loại
Khi mọi người vẫn còn sục sôi phẫn nộ trước vụ một người đàn bà ở Vũng Tàu chỉ vì nghi cô gái giúp việc có quan hệ với chồng mình mà nỡ hành hạ dã man bằng việc đánh đập, chửi bới và thuê người xăm quái vật lên mặt và ngực cô thì lại tiếp đến một vụ khác gây rúng động mãnh liệt dư luận với việc người chủ nhà ở Hà Nội hành hạ tàn bạo “ôsin”. Người nữ chủ nhà này ngoài việc thường xuyên đánh đập, còn bắt người giúp việc nhai ớt, ăn phân ở bỉm của đứa cháu ngoại và xối nước sôi vào bụng, vùng kín, gây trọng thương.
Vụ thứ nhất đã bị khởi tố. Tuy nhiên, dư luận đòi hỏi kẻ thủ ác và những người liên quan phải chịu mức hình phạt tương xứng với tội danh họ gây nên. Với người đàn bà chủ mưu – bị can chính của vụ án – không chỉ là tội hành hạ, làm nhục người khác mà còn tội hoạt động mại dâm vì thị từng ép buộc nạn nhân làm việc này. Ở vụ này, không thể bỏ qua 3 nhân vật khác. Thứ nhất là người thầy bói, hành nghề mê tín dị đoan. Chính vì y phán chồng bị can đang dan díu với cô gái giúp việc nên thị mới nghi ngờ, dẫn đến hành động tàn ác. Thứ hai là người chồng này. Biết rõ cô gái giúp việc bị nghi oan, sẽ bị vợ hành hạ nhưng y đã không can thiệp, tìm cách ngăn chặn. Đây chính là tội thấy người bị nạn nhưng không cứu giúp được quy định trong Bộ luật Hình sự của nước ta. Và thứ ba là người thợ xăm hình. Chỉ vì tiền, người này đã nhắm mắt làm ngơ để thực hiện tội ác mặc dù biết rõ việc mình làm sẽ gây đau thương cho người khác. Việc làm của anh ta chẳng khác gì đồng lõa, tiếp tay cho tội phạm.
Vụ thứ 2, kẻ thủ ác đã bị bắt giam để tiếp tục điều tra. Nếu vụ xảy ra ở Vũng Tàu, nguyên nhân từ sự một sự nghi ngờ thì vụ ở Hà Nội, theo lời tội nhân là do người giúp việc “ở bẩn, ăn vụng và lấy cắp tiền để trên ban thờ”. Có thể có điều này nhưng thay vì chấm dứt hợp đồng thuê làm việc, người chủ đã hành hạ nạn nhân cực kỳ dã man, chẳng khác gì thời Trung cổ. Rất đáng chú ý là người giúp việc này đã già yếu, nhà nghèo, là em ruột một liệt sĩ, phải đi làm thuê để lấy tiền nuôi mẹ già 90 tuổi. Nạn nhân cần được bảo vệ và kẻ gây tội ác cần bị xử ở khung hình phạt cao nhất tương xứng với tội danh.
Thật đau lòng khi 2 vụ trên có sự trùng lặp: cùng là phụ nữ mà đối xử với nhau quá dã man, độc ác. Điều này đã đi ngược lại truyền thống tốt đẹp, vốn đã có từ bao đời của phụ nữ Việt Nam. Chị em ta luôn nhân hậu, vị tha, sống hiền hòa, nhân ái. Sự ích kỷ, tàn nhẫn luôn xa lạ với phẩm chất đạo đức của chị em. Hai kẻ ác ở 2 vụ án trên đã vấy bẩn lên bức tranh đẹp của truyền thống ấy. Đó là điều khiến tất thảy mọi người phẫn nộ. Bởi vậy, tội của họ phải được xem xét theo hướng tăng nặng. Chắc chắn, họ sẽ tìm mọi cách chạy tội, mong nhận mức án nhẹ nhất. Và cách thông thường là thuyết phục nạn nhân xin giảm án cho họ. Mong rằng công lý không nương nhẹ, luôn độc lập, chỉ phán xử theo luật pháp. Bởi vấn đề không chỉ là trừng trị kẻ phạm tội mà còn là sự khẳng định tính ưu việt của chế độ, bảo tồn những giá trị nhân văn tốt đẹp của truyền thống, đạo lý dân tộc và giữ gìn hình ảnh cao quý của phụ nữ Việt Nam. Không thể chấp nhận được ở một đất nước văn minh, có bản chất tốt đẹp như xã hội chúng ta lại có thể diễn ra sự dã man đến rùng rợn ngang nhiên như vậy.
Hai vụ trên không chỉ thuần túy là 2 vụ án hình sự mà nặng hơn, còn là nỗi đau nhân tình, nỗi đau đồng loại, hẳn sẽ không dễ nguôi ngoai trong trái tim những người có lương tri.
Ninh Bình
-
Đột phá mở đường, huy động những nguồn lực mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nguồn lực cho chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng
-
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đáp ứng kỳ vọng cử tri, mong mỏi của mỗi gia đình
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp