Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Những thách thức của Đảng cộng sản Trung Quốc (Bài 2)

07:07 | 15/01/2016

1,590 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong buổi họp báo sau khi bế mạc kỳ họp thứ 5 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, nguyên Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh, phải có những cải cách chính trị “khẩn cấp” ở thượng tầng Nhà nước để Đảng cộng sản Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển và làm tốt vai trò lãnh đạo…
nhung thach thuc cua dang cong san trung quoc bai 2 Những thách thức của Đảng cộng sản Trung Quốc

"Bộ Lại”

Liệu có phải đó là những cải cách trong cơ chế bổ nhiệm nhân sự? Liệu có phải đó sẽ là cuộc nội soi cần thiết để phẫu thuật những “lỗi thiết kế” của cơ quan đặc trách nhân sự Đảng với tên gọi chính thức là Ban Tổ chức trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc?... Tại Trung Quốc, Ban Tổ chức trung ương là một trong những cơ quan quan trọng và bí mật nhất. Trụ sở của nó tại Bắc Kinh là một tòa nhà không đề bảng, cách Thiên An Môn khoảng 1km về phía tây, dọc Đại lộ Trường An. Trong danh bạ, không bao giờ có số điện thoại của trụ sở Ban Tổ chức trung ương. Tất cả cuộc gọi từ máy điện thoại bàn trong tòa nhà Ban Tổ chức trung ương cho điện thoại di động đều luôn hiển thị một dãy số 0.

nhung thach thuc cua dang cong san trung quoc bai 2
“Đại hổ” Chu Vĩnh Khang và đường dây tham nhũng

Bởi sự bao trùm trong chức năng bổ - bãi nhiệm nhân sự của Ban Tổ chức trung ương (và dưới đó là các ban cán sự đảng bộ từng ngành, ban tổ chức cán bộ tỉnh ủy - quận ủy, ban tổ chức cán bộ đảng ủy đại học - bệnh viện - cơ quan cấp sở…) nên cơ chế “đầu mối” này cuối cùng đã dẫn đến nhiều hệ quả tai hại. Các vụ mua quan bán tước xảy ra ngày càng phổ biến và trầm trọng, thậm chí ngoài tầm kiểm soát. Bên ngoài hoạt động nhân sự thuần túy của Ban Tổ chức trung ương là một thị trường mua bán “ghế” nhộn nhịp. Giá trị của cái thị trường “tổ chức cán bộ” đã thể hiện ở vụ án tại Tứ Xuyên năm 2007, khi một gã giả danh cán bộ ban tổ chức cán bộ đã đòi mức phí với “giá sỉ” lên đến (tương đương) 63.000USD để lo một chiếc “ghế đẹp” cho tay viên chức địa phương.

Kinh điển hơn là trường hợp Mã Đích - một vụ án chấn động với những tình tiết mà Bao Công tái thế cũng phải nghiêng mình bái phục. Thời còn làm Phó thị trưởng Mẫu Đơn Giang (thuộc Hắc Long Giang) cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Mã Đích và vợ chẳng bao giờ dám bật đèn khi trở về nhà sau ngày làm việc, bởi cứ thấy đèn trong nhà Mã Đích còn sáng là dân làng còn đứng xếp hàng để biếu quà. Hôm nọ, một viên quan địa phương nói nhỏ với Mã: “Ông không ăn mà sống được à? Nếu ông không nhận quà, quần chúng sẽ nghĩ ông không tin họ, không gần gũi họ. Ông cứ nhìn người khác mà xem, họ ăn, họ uống, họ đi massage… Nếu ông là một tay chỉ huy cô độc, làm sao ông có thể làm việc được…?”.

Thế rồi ngày kia, Mã Đích bị dân “bỏ rơi” thật. Ông thất cử trong một cuộc bầu cử địa phương. Nhiều năm sau, năm 2000, Mã Đích đã nghiệm được bài học quan trọng chốn quan trường. Ông đã chi cực đậm để mua chiếc ghế Bí thư thị trấn Tuy Hóa, với số tiền khổng lồ trả “trọn gói” một lần gồm hơn 100.000USD cho mụ Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hắc Long Giang. Mã Đích cũng trở nên lọc lõi trong nghề hơn. Ông không đưa trực tiếp tại nhà riêng mà trao gói tiền cho mụ trưởng ban tổ chức khi đương sự đang nằm viện. Ai dám nói đó là tiền hối lộ? Đó là khoản “hỗ trợ viện phí” cho bà Trưởng ban Tổ chức cán bộ Tỉnh ủy Hắc Long Giang!

Khi về nhận nhiệm sở tại Tuy Hóa, Mã Đích đã trình diễn một màn ra mắt ấn tượng. Tháng 10-2000, ông cho triệu tập viên chức địa phương để cùng xem bộ phim tài liệu mang tựa “Giáo huấn cảnh cáo đích” nói về một viên chức tham nhũng tên Hồ Trường Thanh ở Giang Tây (họ Hồ bị kết tội nhận hối lộ tương đương 5 triệu USD, là viên chức cấp tỉnh đầu tiên bị tử hình kể từ thập niên 50). Kết thúc buổi chiếu, họ Mã đăng đàn thuyết giảng về sự trong sạch guồng máy Đảng, về việc cán bộ phải làm gương và nghiêm túc chấp hành điều lệ Đảng, rằng công bộc của dân thì phải sống và làm việc theo pháp luật, đảng viên thì phải “uy vũ bất năng khuất” trước cám dỗ vật chất thì như vậy mới đáng là “thị chi vị đại trượng phu”!...

Tuy nhiên, chỉ trong 2 năm, Mã Đích đã trở thành “đầu lĩnh” một đường dây chuyên mua bán “ghế”, với một quy trình khép kín hoàn hảo và chỉn chu. Vào trước thời điểm họ Mã cùng hàng chục người khác bị bắt năm 2002, công tố viên cho biết, khoảng 265 viên chức - tức khoảng 1/2 cán bộ, viên chức được bổ nhiệm bởi Ban Tổ chức cán bộ dưới sự quản lý của cơ quan Đảng bộ Tuy Hóa - đều thuộc thành phần mua hoặc bán “ghế”!

nhung thach thuc cua dang cong san trung quoc bai 2
Bạc Hy Lai - một trường hợp nữa của tham nhũng và lạm quyền cấp cao

Tài khoản của “Mã gia gia” được cậu con trai ở Bắc Kinh đứng tên mở, đã chứa đến 20 triệu tệ chỉ trong 3 năm. Điều khiến người ta tiếp tục bàng hoàng là thị trấn Tuy Hóa còn có vô số những “tiểu Mã Đích” khác. Lâm Cương chẳng hạn, một viên chức đã chi 300.000 tệ để mua chiếc ghế bí thư đảng tại một quận nhỏ. Với dân số 330.000, cái vùng mà Lâm Cương cai quản là một xứ “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, nơi hàng ngàn thiếu niên không có tiền đi học, nơi hàng chục ngàn công nhân bị thất nghiệp triền miên và là nơi khoảng 3.500 hộ khẩu thiếu đói trầm trọng. Trong 2 năm trước khi Lâm Cương bị bắt, kinh tế địa phương trở nên xơ xác như những chiếc áo rách đùm rách đụp của người dân. Thuế bị thiệt hại đến gần 30%.

Tương tự “Mã đại ca” ở “bên trên”, “dưới này” “Lâm tiểu đệ” cũng kiếm cơm bằng “nghề” chạy “ghế”. Một công tố viên cho biết, “Lâm Cương đã bỏ ra 300.000 tệ để mua ghế và chỉ trong 2 năm, hắn đã kiếm được 5 triệu tệ. Lãi 1.500%! Liệu trên đời này có nghề nào hốt bạc ngon lành hơn thế nữa?”… Rõ ràng, nếu không mổ xẻ thật kỹ và từ đó tìm phương thức thay đổi cơ chế bổ nhiệm cán bộ - viên chức nhà nước, những con sâu nguy hiểm sẽ tiếp tục rình rập chờ cơ hội cắn nát cơ thể của Đảng cộng sản Trung Quốc…

Thế giới của những “hắc y lang”

Năm 2006, phát biểu trước Ban Phòng chống tham nhũng trung ương, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đã nêu trực tiếp tội lạm quyền của nhiều viên chức Đảng dẫn đến xáo trộn xã hội và tạo ra phản kháng quần chúng. “Cái quả bom nổ chậm ấy chôn trong xã hội có thể dẫn đến loạt vụ nổ, đưa đến bất ổn đồng thời làm tê liệt bộ máy nhà nước” - ông Hồ Cẩm Đào nói…

Việc lợi dụng là “người của Đảng” và lạm dụng chức quyền nhờ Đảng mà có, nhiều năm qua, đã trở thành vấn đề cực kỳ bức xúc tại Trung Quốc. Tham nhũng ngày càng tinh ma quỷ quyệt trong khi nhà nước ngày càng khó khăn trong việc “bắt ấn trừ tà”. Cuối thập niên 90, khi gần như toàn bộ chính quyền phố cảng Hạ Môn (Phúc Kiến) bị mafia (Lại Xương Tinh) mua đứt, trong nhiều năm, chuyển số hàng lậu khổng lồ trị giá hơn 6 tỉ USD vào Hoa lục đã đủ khiến thiên hạ bàng hoàng, thì một thập niên sau, “trình độ” tham nhũng đã “tiến hóa” kinh khủng và mức độ “ăn” hối lộ đã “tiến bộ” hơn vạn lần.

Chỉ vài tháng trong năm 2009, phóng viên Trung Quốc đã làm việc mệt nghỉ khi tường thuật loạt vụ tham nhũng chấn động cả nước: từ vụ chánh văn phòng ban quản lý đường sắt ở Urumqi (tức Ô Lỗ Mộc Tề, thủ phủ Tân Cương) biển thủ 3,6 triệu USD; vụ một viên chức bậc trung ở Thượng Hải nhận hối lộ 1 triệu USD và bị tịch biên số bất động sản bất minh trị giá gần 6 triệu USD; vụ một bí thư thuộc một trấn nhỏ gần Thành Đô (Tứ Xuyên) bị tử hình tội ăn hối lộ 2,5 triệu USD; vụ sếp công an ở một thị trấn nghèo nhất Quảng Đông bị phát hiện cất giấu 4,4 triệu USD tiền mặt trong nhà; đến vụ Phó thị trưởng Tô Châu (Giang Tô) có “biệt tài” độc đáo đến độ có thể “nuốt” “một phát một” gần 12 triệu USD - lập một kỷ lục mà bọn máu mặt “trong giới” hẳn phải ganh tị!

Thế cho nên, khi Phó thị trưởng Bắc Kinh Lưu Chí Hoa bị kết án tháng 8-2008 tội nhận hối lộ khoảng 1 triệu USD, công dân mạng Bắc Kinh đã mỉa mai viết rằng: “Ăn có nhiêu đó mà gọi là ăn hối lộ sao được!”; “Ông này nên được xếp vào hàng viên chức trong sạch”; “Xin hãy thả ổng ra ngay”… Thế cho nên, Vương Minh Cao, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu tình trạng quốc nạn tham nhũng, đã gọi những “quan chi phụ mẫu” hiếm hoi sót lại là những đối tượng “không bình thường” có thể xếp vào nhóm (bị mắc phải) “thanh quan chứng hậu quần” (hội chứng viên chức sạch).

Lương viên chức nhà nước Trung Quốc không được công bố nhưng một số phát biểu trước công chúng đã tiết lộ phần nào thu nhập chính thức của họ. Năm 2007, khi tiếp một giáo sư đại học và được nghe than rằng ông này chỉ kiếm được không đến 13.000USD/năm, bà Trần Chí Lập (lúc đó là Ủy viên Quốc vụ viện đặc trách giáo dục - khoa học - thể thao) đã quay sang diễn đàn hỏi Bộ trưởng Khoa học - Kỹ thuật Từ Quan Hoa rằng, lương của ông bao nhiêu? Họ Từ đáp, xin thưa là khoảng 1.350USD/tháng. Bà Trần cũng hồi lại, của tôi thì chừng 1.450USD/tháng... Có thể thấy lương chính thức của cán bộ cao cấp nhà nước cũng chỉ kha khá; và như vậy, thật khó có thể tưởng tượng với đồng lương bí thư Trùng Khánh mà “đồng chí” Bạc Hy Lai có thể cho cậu con trai Bạc Qua Qua học tại Harvard với mức học phí khoảng 70.000USD/năm.

Tuy nhiên, như một doanh nhân bị bỏ tù tội hối lộ đã nói: “Mỗi viên chức Trung Quốc đều có ba bộ cuộc sống - cuộc sống với công chúng, cuộc sống riêng tư và cuộc sống bí mật”. Người ta gọi số đông trong bọn họ là thành phần “hắc lĩnh bang” - nhóm người (mặc áo) cổ cồn đen. Xe của họ màu đen. Thu nhập của họ được giấu kín. Cuộc sống của họ được ẩn sâu. Việc làm của họ được che đậy. Tóm lại, mọi thứ liên quan đến họ đều được che giấu, như một “hắc y lang” (người mặc đồ đen) đứng trong bóng tối của màn đêm đen kịt...

Mạnh Kim

Năng lượng Mới 490