Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 8 - 15/10
1. Ngày 12/10, Ba Lan cho biết họ đã phát hiện rò rỉ ở một trong các đường ống Druzhba đưa dầu từ Nga đến châu Âu và cho biết nguyên nhân có thể là do một vụ tai nạn, mặc dù vậy sự cố này vẫn gây lo ngại về an ninh nguồn cung năng lượng của châu Âu.
Việc phát hiện rò rỉ trên tuyến đường ống Druzhba chở dầu đến Đức, mà nhà điều hành đường ống cho biết họ đã tìm thấy vào tối thứ Ba (11/10), diễn ra khi châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng sau cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine đã cắt nguồn cung cấp khí đốt liên tục. Tuy nhiên, Ba Lan cho rằng đây là một vụ tai nạn chứ không phải do phá hoại.
Ngày 14/10, hãng tin Nga RT đưa thông báo của người phát ngôn của Điện Kremlin tuyên bố một số người đã bị bắt trong một cuộc tấn công bất thành nhằm vào đường ống dẫn khí đốt TurkStream trên lãnh thổ Nga.
2. Nhu cầu toàn cầu giảm
OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2022 và 2023. Theo báo cáo hàng tháng vừa phát hành ngày 12/10, OPEC cho biết: “Tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2022 sẽ giảm 0,5 triệu thùng/ngày, xuống còn 2,6 triệu thùng/ngày". Dự báo được áp dụng trong trường hợp chiến tranh Nga - Ukraine không có diễn biến trầm trọng hơn trong quý IV/2022 và trong năm tới.
Nguyên nhân hạ dự báo bao gồm những yếu tố sau: Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại nhiều khu vực ở Trung Quốc; những thách thức về kinh tế đối với các nước thành viên OECD tại châu Âu; tình trạng lạm phát tại một số quốc gia có nền kinh tế hàng đầu.
OPEC dự báo tình trạng lạm phát sẽ còn kéo dài, gây căng thẳng trên thị trường lao động. Do đó, OPEC hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống còn 2,7%, thay vì mức 3,1% như đã dự báo trong tháng 9.
Theo dự báo của IEA, trong năm 2022, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên toàn cầu có thể giảm 0,8% so với năm 2021, với mức giảm kỷ lục hơn 10% tại khu vực châu Âu (dữ liệu này chỉ bao gồm các nước thuộc khu vực OECD trong 8 tháng đầu năm so với giai đoạn cùng kỳ năm 2021). Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhu cầu không thay đổi: Tăng nhẹ ở Trung Quốc, giảm ở Ấn Độ và Hàn Quốc.
Theo dự báo của IEA, vào năm 2023, nhu cầu khí đốt trên thế giới có thể chỉ tăng 0,4%, mọi biến động sẽ tùy thuộc vào động thái của Nga và diễn biến của giá năng lượng.
3. Cạnh tranh LNG ngày càng tăng, để bù đắp cho lượng khí đốt Nga đã bị cắt giảm, châu Âu nhập khẩu nhiều khí hơn bằng đường ống dẫn khí thông qua các nhà cung cấp khác và đẩy rất mạnh việc nhập khẩu LNG. Nhu cầu LNG của châu Âu đã tăng 65% trong 8 tháng đầu năm 2022. Giá thuê trung bình cho một tàu vận chuyển LNG trên biển hiện đã tăng lên gần 400.000 USD/ngày. Giá cước vận chuyển đối với tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại hôm 11/10, khi châu Âu tranh giành để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho mùa đông.
Giá cước tàu vận chuyển đã tăng vọt kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukranie. Chi phí thuê tàu trung bình trong một ngày tăng từ mức 14.300 USD lên gần 400.000 USD, mức tăng gần 28 lần trong 8 tháng qua.
Theo dữ liệu của Refinitiv, các chuyến hàng từ Mỹ chiếm hơn 70% lượng khí đốt nhập khẩu vào châu Âu tính đến tháng 9/2022.
4. Với tiềm năng to lớn, điện gió đang thu hút các nhà đầu tư đến Ấn Độ, các cuộc gọi đấu thầu ngày càng tăng.
Theo Sumant Sinha, Giám đốc điều hành của Công ty Năng lượng tái tạo ReNew Power (Ấn Độ), từ năm 2021 cho đến nay, Công ty Điện mặt trời SECI (Ấn Độ) đã tiếp nhận dự án điện gió và điện mặt trời (WSH) với công suất 2,7 GW. Nhiều nhà thầu khác cũng đã thắng thầu nhiều dự án điện gió đơn lẻ khác nhau, với tổng công suất đạt 3,5 GW. Không như những năm trước, lần này, các dự án đơn lẻ và kết hợp nhận được rất nhiều cơ hội đấu thầu. Biểu hiện này đã tái khẳng định vai trò hàng đầu và mạnh mẽ của điện gió trong việc khử carbon và củng cố lưới điện quốc gia.
Nhìn chung, năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất năng lượng của Ấn Độ.
PV