Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Những phi công Mỹ ở Điện Biên Phủ

06:42 | 03/05/2014

5,220 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tài liệu lưu trữ của Mỹ có ghi việc hai phi công Mỹ tên là James B.Mc Govern và Wallace A Buford đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với quân đội Pháp. Đặc biệt là chiếc máy bay C-119 do hai phi công Mỹ kể trên lái đã bị cao xạ pháo Việt Nam bắn rơi ngày 6/5/1954. Nghĩa là chỉ trước khi tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của Pháp bị thất thủ có 1 ngày.

Năm 1998, Cơ quan Tìm kiếm tù binh và những người Mỹ mất tích ở Việt Nam phát hiện ra xác chiếc C-119, loại máy bay vận tải 2 thân lớn, chuyên thả dù tiếp tế cho lính Pháp ở Điện Biên bị rơi trên đất Lào. Nhưng hài cốt tìm thấy lại không phải những người mà Mỹ đang cần.

Người ta lục trong hồ sơ cũ, thấy ngoài bức điện của De Castries - Tư lệnh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ báo cáo với tướng Henri Navarre thông tin về máy bay C-119 rơi, còn có một sĩ quan Pháp tại Lào cho biết một chi tiết đáng chú ý: Dân Lòng Sót, thuộc Mường Hét, đã chôn 2 người Mỹ trong 2 ngôi mộ xây theo kiểu Đạo Phật.

Nhưng đáng ngạc nhiên hơn nữa là tất cả mọi nguồn tin xoay quanh 2 viên phi công trên đều bị Bộ Quốc phòng Mỹ ỉm đi, họ cố tình phớt lờ, không chịu công bố. Thì ra, trong suốt một thời gian dài chính quyền Mỹ muốn che giấu sự thật về sự tham chiến của họ cùng người Pháp ở Đông Dương.

Phó tổng thống Mỹ Richard Nixon thị sát Việt Nam năm 1953

Năm 2004, nghĩa là tròn 50 năm sau cuộc chiến Điện Biên Phủ, bí mật này mới được phanh phui, khi một người Mỹ tên là Douglas Paynter, với tư cách là Đạo diễn phim tư liệu đã gặp Bộ Ngoại giao Việt Nam kể lại những điều ông đã biết và xin được tìm gặp và quay phim những nhân chứng lịch sử xoay quanh sự kiện đáng buồn này.

Một số cựu chiến binh Điện Biên của Việt Nam đã được mời đến gặp gỡ, làm việc với Đạo diễn Mỹ Douglas Paynter, trong đó có Đại tá Nguyễn Cần, nguyên Đại đội phó Đại đội Cao xạ pháo 816, đơn vị trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại tá Nguyễn Cần đã khiến cho ông đạo diễn người Mỹ vô cùng xúc động, khi đưa cho ông ta xem một cuốn sổ cũ. Đó là một cuốn nhật ký thời chiến, ghi chép tại mặt tận. Trên một trang giấy kẻ ô-li cũ, những dòng chữ đã ố vàng sau 50 năm, nhưng còn đọc được: “Ngày 6/5/1954, Đại đội 816 bắn rơi một C-119 (thực tế là 2), rơi cách Điện Biên 120km”.

Đạo diễn Douglas Paynter đã coi Nguyễn Cần là một nhân chứng sống, quý hơn vàng. Ông Cần đã kể lại chi tiết từng trận đánh diễn ra 50 năm trước. Đặc biệt là những trận đơn vị ông bắn rơi máy bay đối phương, thu được rất nhiều thịt hộp, cá hộp, bia, rượu và chiến lợi phẩm khác…

Tạm biệt những cựu chiến binh cao xạ Việt Minh, Đạo diễn người Mỹ trân trọng lật tìm trong cuốn “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại trang 380, dòng thứ 8, từ trên xuống, ông có ghi chuyện xảy ra ngày 6/5/1954 như sau: “Pháo cao xạ bắn rơi 1 máy bay vận tải”. Khẩu đội trưởng Khẩu đội 2 Nguyễn Thế Vinh kể lại chuyện cách đây nửa thế kỷ rất sinh động: Nghe Đại đội trưởng Lại Văn Đan chỉ thị mục tiêu, cả 4 nòng pháo đồng loạt nổ súng, nhả đạn chùm quanh máy bay. Quan sát viên trông thấy đạn trúng cánh chiếc thứ nhất. Cả 2 chiếc C-119 thả vội dù lương thực, thực phẩm… rồi bỏ chạy (có một số dù rơi vào trận địa C816). Chính trị viên Vũ Tuấn Chuyển biểu dương các khẩu đội đã bắn loạt đạn thứ hai trúng cả hai mục tiêu, đặc biệt nhìn rõ đuôi chiếc thứ nhất bị tóe lửa”.

Đạo diễn Douglas Paynter làm phim tư liệu, nên ông ta cần sưu tập những chứng cứ đầy sức thuyết phục và đặc biệt là những nhân chứng sống. Trước khi đặt chân lên mảnh đất Điện Biên, thăm trận địa cao xạ pháo của Đại đội 816, người đạo diễn này đã may mắn tìm được viên phi công lái chiếc phi cơ thứ hai tại Điện Biên Phủ ngày đó tên là S. Kisac. Chính người cựu phi công Mỹ này đã nhớ lại và thú nhận như sau: “Hôm đó, chúng tôi thống nhất với James và Wallace là bay ngược hướng với những chuyến bay trước để đánh lừa lực lượng phòng không Việt Minh. Nhưng chưa vào đến thời điểm thả dù thì một viên đạn đã trúng động cơ bên trái máy bay. Xăng phun mạnh. James tắt động cơ bên trái, thả tất cả dù hàng cho máy bay nhẹ hơn và bay ra. Nhưng bất ngờ, chiếc máy bay lại bị dính viên đạn thứ hai vào đuôi. Máy bay mất kiểm soát, lao nhanh, rồi đâm vào ngọn núi và bốc cháy…

Giữa tháng 3/1954, khi tình hình chiến sự bi đát, Chính phủ Mỹ vội vàng giúp Pháp lập “cầu hàng không” từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ. Báo U.S News and World Report tường thuật như sau: “Mỗi ngày, gần 100 máy bay vận tải DC-3 đã hạ xuống sân bay trong tầm súng cối của Cộng sản, vận chuyển 200 đến 300 tấn hàng tiếp tế. Thêm vào đó là 30 máy bay vận tải lớn C-119 mỗi sáng thả dù từ 100 đến 150 tấn hàng tiếp tế khác. Tất cả các máy bay của “cầu hàng không” này đều do Mỹ giúp”.

Không chỉ giúp máy bay, Mỹ còn cung cấp cả người lái. Các phi công Mỹ đã âm thầm thực hiện gần 700 phi vụ tại Điện Biên Phủ, trong cuộc chiến được họ mô tả là “một trong những trận đánh vĩ đại của thế kỷ XX”. Bởi thế, vai trò của 37 phi công Hoa Kỳ trong cuộc bao vây 57 ngày ở Điện Biên Phủ năm 1954 từ trước tới nay còn là một bí mật, rất ít người biết tới.

Thậm chí, khi Điện Biên Phủ có nguy cơ thất thủ, Đô đốc Arthur W.Radford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã soạn ra kế hoạch can thiệp quân sự trực tiếp vào Việt Nam. Bản kế hoạch tuyệt mật này được gọi là “Chiến dịch Kền Kền” (Operation Vulture). Theo đó, Mỹ sẽ dùng 60 máy bay ném bom hạng nặng B-29 Superfort (mỗi chiếc có thể chở 8 tấn bom) cất cánh từ căn cứ không quân Clark Field ở Philippines để ném bom rải thảm, mỗi đợt khoảng 450 tấn bom, xuống các vị trí của bộ đội Việt Nam ở Điện Biên Phủ, đồng thời dùng 150 máy bay chiến đấu (từ các hàng không mẫu hạm của Hạm đội số 7 hoạt động trong Vịnh Bắc Bộ) để hộ tống các máy bay ném bom nói trên…

Kế hoạch tuyệt mật trên của Radford đã được Tổng thống Mỹ Eisenhower, Phó tổng thống Nixon, Dulles, Tướng Nathan F.Twining (Tham mưu trưởng Không quân Mỹ…) tán thành. Rất may, khi đại diện phe “diều hâu” Mỹ hồi ấy là Ngoại trưởng Dulles và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Raford khi đưa “Chiến dịch Kền Kền” ra thăm dò tại Quốc hội đã bị phản đối. Hầu hết các nghị sĩ đều lắc đầu, bởi họ sợ phải đưa lục quân vào Việt Nam và rơi vào một cuộc chiến tranh nữa giống như ở bán đảo Triều Tiên vừa đình chiến.

Nhưng ngày đó nước Anh, một đồng minh thân cận của Mỹ cũng không ủng hộ “Chiến dịch Kền kền”. Họ chỉ mong chiến tranh Đông Dương sớm kết thúc, thông qua đàm phán ở Genéve… Trong khi Mỹ thì muốn có hành động tập thể dựa trên một thỏa thuận chính trị với nước Pháp và nước Anh.

Nếu “Chiến dịch Kền Kền” được Mỹ thực hiện, Việt Nam sẽ phải chịu thảm họa hạt nhân như Nhật Bản 9 năm trước đó. Chẳng ai biết được hậu quả khôn lường, khi những quả bom nguyên tử được Mỹ ném xuống, sẽ có thêm bao nhiêu nạn nhân của thứ vũ khí khủng khiếp ấy?

Nỗ lực cuối cùng của Không quân Mỹ trước khi Điện Biên Phủ thất thủ một ngày, là cử 2 tổ lái C-119 bay tầm thấp để thả đồ tiếp tế xuống Hồng Cúm vào sáng ngày 6-5. Pháo cao xạ Việt Nam đã đón sẵn bằng lưới lửa phòng không dày đặc. Chiếc C-119 do phi công Art Wilson lái chính bị bắn trúng đuôi. Wilson mất kiểm soát nhưng vẫn trốn thoát và hạ cánh được xuống sân bay Cát Bi. Chiếc do McGovern lái chính bị bắn trúng động cơ và đuôi. Cả McGovern và lái phụ đã thiệt mạng vì chính lượng đạn dược mà họ chở trên máy bay…

(Đặng Vương Hưng -

Phi công Mỹ ở Việt Nam

Nhà xuất bản Công an nhân dân)