Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Những người khách lạ

09:51 | 02/05/2012

1,531 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đối với tôi, đó là cái tết thứ 8 ở chiến trường miền Nam và là cái tết thứ 4 kể từ khi Cụm Tình báo Chiến lược H67 của chúng tôi dời mật khu Bời Lời (cửa ngõ phía tây bắc Sài Gòn) về bám trụ tại quê dừa đồng khởi Bến Tre xây dựng căn cứ chính tại xã An Phước, huyện Châu Thành.

Thiếu tướng Khổng Minh Dụ

Nhập vai

Đối với tôi, đó là cái tết thứ 8 ở chiến trường miền Nam và là cái tết thứ 4 kể từ khi Cụm Tình báo Chiến lược H67 của chúng tôi dời mật khu Bời Lời (cửa ngõ phía tây bắc Sài Gòn) về bám trụ tại quê dừa đồng khởi Bến Tre xây dựng căn cứ chính tại xã An Phước, huyện Châu Thành.

Sau khi Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam được ký kết, Cụm trưởng Lê Văn Vĩnh của chúng tôi (sau này được tuyên dương Anh hùng lực lượng Tình báo) phổ biến cho toàn đơn vị một số chủ trương của cấp trên và những nhận định bước đầu của ông về tình hình địa bàn sau sự kiện lịch sử trọng đại này.

Một chiếc mũ sắt của lính Mỹ có sơn dòng chữ "Sinh ra để giết"

Thứ nhất: Do thất bại nặng nề ở chiến trường, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” phá sản, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký kết Hiệp định Paris.

Thứ hai: Việc ký kết hiệp định, với đối phương của chúng ta, đó chỉ là hình thức để đánh lừa dư luận. Vì vậy, chúng ta phải cảnh giác với âm mưu của địch phá hoại hiệp định, lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của ta, tiếp tục càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng.

Thứ ba: Trước tình hình trên, chúng ta, những đơn vị bám trụ trên địa bàn, cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, kiên quyết làm thất bại âm mưu trên của chúng.

Thứ tư: Phải tăng cường tiếp xúc quần chúng để nắm tình hình phục vụ đấu tranh chính trị, đặc biệt là với số trí thức, văn nghệ sĩ, sĩ quan, binh sĩ quân đội Sài Gòn về quê trong dịp tết, trong đó có một số trường hợp do địa phương yêu cầu.

Theo phân công của Cụm trưởng, ở nội dung thứ tư, do lãnh đạo cụm đảm nhiệm. Với tôi, hồi đó chỉ là trưởng một bộ phận công tác nghiệp vụ, nhưng được Cụm trưởng tín nhiệm, giao trách nhiệm tiếp xúc một số trường hợp mà trong đó có một người thuộc giới trí thức và một người mang cấp hàm trung sĩ thuộc Sư đoàn 7 Quân đội Sài Gòn, ở bộ phận thông tin vô tuyến điện. Thời gian thực hiện cả trước, trong và sau tết. Địa điểm: Tại khu vực nhà dân ở ven đồng Ấp 1, Ấp 2 và lán riêng của đơn vị.

Nội dung tiếp xúc được chuẩn bị rất chu đáo. Vì chúng tôi đánh giá rất cao trình độ những người sẽ gặp gỡ. Trí thức của họ học rất bài bản, nhiều người đã từng du học phương Tây; Số sĩ quan thì đều phải qua trường võ bị Thủ Đức, võ bị Đà Lạt. Riêng với viên Trung sĩ Nhất, đã từng tham gia kháng chiến, bị địch bắt, mất liên lạc với đơn vị nhiều năm rồi bị đưa vào lính.

Tôi đóng vai một cựu binh sĩ pháo binh thuộc Sư đoàn 7 thời Pháp đóng quân ở Hải Dương. Năm 1954 tập kết vào Nam đóng quân ở Trà Vinh. Do yếu tim, được xuất ngũ, đi dạy học. Giáo sư bậc trung học rồi đi theo kháng chiến vào chiến khu, trở thành quân giải phóng.

Chân dung vị khách đặc biệt

Nhân vật đầu tiên tôi tiếp xúc là viên trung sĩ truyền tin (lính bộ đàm) thông qua sự giới thiệu của một cán bộ binh vận. Đó là một thanh niên nhanh nhẹn, cởi mở, dễ gần. Tuổi sêm sêm nhau, anh là thứ 9 trong gia đình nên tôi gọi là anh Chín và khách kêu tôi là anh Ba (đó là theo cách gọi ở miền Nam, chứ thực ra tôi là con thứ 2 trong gia đình). Theo đề nghị của khách, muốn được gặp trực tiếp vị chỉ huy cao nhất đơn vị để cung cấp một số nguồn tin rất quan trọng. Tôi báo cáo gấp việc này với Cụm trưởng Bảy Vĩnh. Ông phán luôn: “Hãy tổ chức đón tiếp chu đáo tại lán sơ tán của đơn vị. Tôi gặp không tiện, nên giao việc này cho đồng chí toàn quyền quyết định”.

Tôi hiểu ý ông, vì thường xuyên phải đột kích vào thành bằng đường hợp pháp nên không bao giờ ông tiếp xúc những trường hợp như vậy. Khi nghe tôi thông báo: “Thượng cấp đi công tác xa, sau tết mới về. Tôi đủ thẩm quyền quyết định mọi việc. Đơn vị hân hạnh được đón anh, gọi là ăn tết với anh em vào tối mùng Một tết, ngủ lại một đêm để đồng cam cộng khổ với anh em”. Khách tỏ ra rất vui mừng về chuyện bất ngờ này. Anh nắm chặt tay tôi: “Thế thì tốt quá. Mấy anh thiệt tâm lý, tạo cho tôi có cơ hội hít thở không khí vùng căn cứ cho bõ nỗi nhớ anh em mình”.

Biệt kích Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam

Lán sơ tán nhỏ gọn, xinh xinh, lợp bằng lá dừa nước, dựng trên một bờ mương dừa, đủ căng 2 chiếc võng. Ở giữa là một bộ bàn ghế ghép bằng tre, được phủ vải hoa lịch sự.

Tết ở vùng tranh chấp mà có cả bánh tét, chả lụa (giò lụa), tôm càng, cá nướng, thịt kho tàu… lại thêm một can rượu đế Lương Hòa chính hiệu, thế là quá tươm tất. Hôm ấy có thêm 3 cán bộ trinh sát cùng dự. Nhìn các món ăn, khách khen hết lời, rồi pha vui: “Sao thủ trưởng không cho tất cả anh chị em cùng dự cho vui, nhất là mấy em út ở tổ y tế, cấp dưỡng để họ phục vụ anh em mình nhậu…”. Tôi đỡ lời khách: “Đâu có được. Vì nguyên tắc bí mật, phải bảo đảm an toàn cho anh Chín nên chỉ mấy chú này được gặp thôi”.

Tôi nói vậy, chứ thực ra có huy động cũng không có người. Vì căn cứ của đơn vị mãi ở bờ sông Ba Lai – cách cả cây số. Tàn cuộc nhậu, khi anh em trinh sát đã về lán riêng, tôi mới chính thức làm việc với khách. Anh thông báo một số trận càn trước tết. Rất chi tiết và con số thiệt hại của cả hai bên. Nhất là trận càn ở Cai Lậy thuộc tỉnh Mỹ Tho. Đơn vị của khách bị thiệt hại rất nặng. Mấy chục binh sĩ thiệt mạng, trong đó có 2 lính truyền tin. Khách ghé sát tai tôi nói nhỏ: “Tôi đã kịp tẩu tán một máy bộ đàm PRC25, 2 súng (1 AR15 và 1 M79). Giấu kỹ bên bờ một con rạch lớn, coi đây là quà của tôi sau bao năm thất lạc đơn vị cũ. Dù đơn vị nào tiếp nhận thì cũng là chiến lợi phẩm của cách mạng”.

Khách đề nghị tôi cử một cán bộ giao thông hợp pháp về Cai Lậy để nhập địa điểm giấu hàng. Chỉ cần thống nhất ám, tín hiệu và mật khẩu khi gặp gỡ cùng ngày, giờ cụ thể, khách sẽ đón tại bến Bắc (phà) phía bờ Mỹ Tho.

Đó chính là thông tin quan trọng mà khách cần gặp người chỉ huy cao nhất của đơn vị. Hình ảnh bộ PRC25 cứ chập chờn nhảy múa trong tôi. Thời đó mà có một bộ máy như thể để theo dõi hoạt động càn quét của địch thì cứ gọi là oách nhất vùng. Dù đơn vị đã được J22 cấp cho một bộ, nhưng cũng không bao quát được hết tình hình.

Sau khi thống nhất mọi yêu cầu của khách, hai người mới lên võng nghỉ. Đêm rừng dừa yên tĩnh. Thi thoảng mới nghe tiếng nhạc từ chiếc radio ở lán trinh sát vọng sang. Cánh võng đung đưa, khách cất giọng hát theo nhạc phẩm “Qua sông” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Tôi khẽ gọi sang: “Này. Anh Chín có giọng ca tuyệt vời đó, không thua gì ca sĩ”. “Đã một thời là cây văn nghệ của đơn vị đó nghen. Từ ngày xa cứ, vô trỏng… cấm dám hé răng ca mấy bài cách mạng nên quên ráo trọi”. “Là người sành điệu âm nhạc, vậy ở trong đó Chín thích nhất loại nào?”. “Cha!… Khó quá ta! Thiệt tình, loại nào cũng thích nhưng tuyệt “dời” nhất vẫn là Xếch xi sô (thoát y vũ)”.

Thủy quân lục chiến Mỹ ở chiến trường miền Nam

Khách bật ngồi dậy, cánh võng đung đưa mạnh hơn và giọng nói cũng sôi nổi hơn: “Anh Ba biết không, năm nào trung đoàn cũng rước ca sĩ, vũ đoàn từ Sài Gòn về “bồi dưỡng mắt” cho binh sĩ một lần. Ca hát, nhảy múa tùm lum tà la thì kể làm chi. Duy có cái màn Xếch xi sô là đáng giá hơn cả. Anh Ba biết không, có 4 con nhỏ nó nhảy chừng 10 phút đồng hồ, “dậy” mà cát sê tới bốn chục ngàn đồng, hơn cả một chiếc Honda đó. Tuyệt “dời” là tới phút chót “hổng” biết nó làm sao đó mà nội y… rơi ráo trọi. Cứ gọi là trần như nhộng. Cha!… Đã! Đã quá anh Ba!”.

Cả đêm đó tôi không sao ngủ được bởi bao suy nghĩ liên quan tới người khách đặc biệt này. Một người đã đi theo kháng chiến, bị địch bắt, trá hàng để hoạt động “chui sâu, leo cao”, nhiều năm đứt liên lạc với đơn vị, vì người lãnh đạo “đánh” anh ta vào tổ chức của địch thì đã hy sinh… (ấy là theo lời tâm sự của anh ta như vậy). Một cán bộ như thế mà lại mê thoát y vũ tới bệnh hoạn như thế thì không thể là người tử tế, nếu như không muốn nói là kẻ biến chất.

Sáng hôm sau, xong màn tiễn khách lên đường, tôi về báo cáo lại toàn bộ sự việc với Cụm trưởng. Ông nhất trí với nhận xét của tôi. Vì thế, cố nhiên không thể có cuộc bắt liên lạc nào ở bến phà phía Mỹ Tho.

Hơn một tháng sau, đơn vị nhận được thông tin từ một cơ sở bí mật ở thành phố Mỹ Tho cho biết: “Có một vụ bị bắt tại Cai Lậy do sa vào bẫy của tên Chín…”. Thật hú vía. Đáng trách cho đơn vị nào đó, vì mất cảnh giác nên đã phải gánh chịu tổn thất.

Nỗi lòng người dân Đất Việt

Nhân vật thứ hai tôi tiếp xúc, đó là một vị trí thức ngành sử học, làm việc tại Sài Gòn. Ông trạc tuổi ngoài sáu mươi, hơn tôi gần 2 giáp (năm đó tôi mới 30 tuổi) nên dễ xưng hô. Tôi gọi ông là chú Tư (nghe đứa con của chủ nhà gọi vậy). Ông từng đi du học ở Pháp rồi về làm việc ở một cơ quan nghiên cứu ở Sài Gòn. Tết năm đó ông về thăm một người quen ở Bến Tre. Sau này tôi được biết – chuyến đi đó của ông là du ngoạn miệt vườn Đồng bằng sông Cửu Long và hy vọng được tiếp xúc anh em giải phóng. Vì nghe nói về đó cơ hội dễ hơn nơi khác. Sau màn xã giao thăm hỏi, tôi vào đề ngay: “Thưa chú Tư! Hay tin chú từ Sài Gòn về, thật vinh dự cho tôi được thay mặt anh em quân giải phóng tiếp kiến chú. Lâu lắm mới được gặp trực tiếp người đô thành…”.

Vóc dáng cao gầy, tóc điểm nhiều sợi bạc, gương mặt hiền từ, phúc hậu, ông ngước nhìn tôi, ngỡ ngàng: “Cha!… Vậy ra… chú là người của Mặt trận giải phóng. Thiệt may cho tôi, một chuyến đi không uổng”.

Khi nghe tôi nêu vấn đề tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào đô thị nói chung và đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sĩ, trầm ngâm giây lát, ông tiếp lời thật sôi nổi: “Gần một thế kỷ chiến tranh triền miên. Hiệp định Ba Lê đã mở ra cơ hội để kết thúc chiến tranh. Nỗi lòng người dân đất Việt ai cũng vui mừng, cầu mong đất nước sớm thanh bình. Trừ những người phản dân, hại nước, sống đeo bám vào ngoại bang mới nhẫn tâm phản đối…”.

Tôi nắm chặt tay ông, lòng tràn đầy xúc động. Những tâm sự của ông đã giúp tôi góp một phần nhỏ vào bản báo cáo chung của đơn vị: “Khảo sát tình hình các giai tầng xã hội trong vùng địch tạm chiếm”.

Chia tay ông vào buổi chiều xuân nắng ươm vàng khắp miệt vườn An Phước.

Hai cuộc tiếp xúc trên đã hằn sâu trong ký ức tôi, trở thành những kỷ niệm buồn, vui trong những năm tháng gắn bó với chiến trường sông nước Bến Tre.

Bến Tre 1974 – Hà Nội tháng 4/2012

K.M.D