Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Những ngôi sao ca nhạc... mất hút!

11:11 | 25/09/2014

992 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa bao giờ các cuộc tìm kiếm tài năng âm nhạc lại nở rộ như những năm gần đây. Có cảm giác như đài đài, nhà nhà mở cuộc thi hát. Thế nhưng, thực tế thì cũng dăm ba năm nay, làng nhạc Việt không hề xuất hiện những tên tuổi tài năng. Có rất ít người được ghi danh, đón nhận. Chủ yếu vẫn là các đàn anh, đàn chị đã từng có tên, có tuổi của chục năm về trước.

Năng lượng Mới số 359

Cũ chìm… mới xẹp

Một năm có hàng chục cuộc thi hát. Cuộc thi nào cũng được chào đón nhiệt tình, tung hô bằng những lời có cánh. Người đạt giải quán quân được vinh danh một cách bài bản với rất nhiều chiêu trò trong một thời gian tương đối dài. Nhưng điều đáng buồn là chỉ sau chừng 1 năm sau khi cuộc thi kết thúc tên tuổi họ chìm nghỉm.

“Sao Mai điểm hẹn” là một trong những cuộc thi được đánh giá cao thì giờ cũng không còn mấy tài năng trụ lại được trong làng âm nhạc. Ngoài Tùng Dương, Hà Anh Tuấn… khẳng định được vị trí của mình, những người còn lại mất tăm tích. Đến như Kasim Hoàng Vũ, Ngọc Khuê… cũng không còn nhiều hoạt động trong âm nhạc. Tháng hoặc một năm họ mới diễn vài chương trình. Có cảm giác họ chưa đủ bản lĩnh, chưa có chiều sâu để có thể đi tiếp trong giai đoạn mà nhạc Việt đang rất lộn xộn.

“Vietnam Idol” cũng không khá hơn là bao khi sau bao mùa thi giờ cũng chỉ còn 1, 2 tên tuổi được nhắc đến. Và những tên tuổi này cũng chưa có bước tiến nào đáng kể so với chính bản thân họ khi bước ra từ cuộc thi. Hay cuộc thi đình đám nhất hiện nay “Giọng hát Việt” cũng trong tình cảnh tương tự khi mà quán quân của năm 2013 chỉ được công chúng biết đến với những scandal hở, lộ hoặc những chuyện ngoài âm nhạc. Còn những tài năng mới gần đây thì có cảm giác như họ đang đứng ì một chỗ, không có cách cũng như không có lực để có thể đi xa hơn, vươn đến tầm cao mới. Vậy nên, những chương trình âm nhạc, những giọng ca chất lượng quanh đi quẩn lại cũng chỉ đóng đinh vào những ca sĩ đã từng làm mưa làm gió cách đây hàng chục năm.

Những ngôi sao ca nhạc... mất hút!

Cuộc thi “Sao Mai điểm hẹn 2014”

Hàng loạt những tên tuổi được phát hiện sau các cuộc thi như Hương Tràm, Uyên Linh, Hoàng Nghiệp, Duy Khoa, Minh Chuyên, Lương Viết Quang, Bảo Thy, Vũ Thảo My… sở dĩ không có gì bước đột phá gì đáng kể bởi bản thân họ  khi bước vào cuộc thi vẫn chưa trang bị cho mình đủ kiến thức cần thiết. Trong số họ, thậm chí có người còn chưa được đào tạo qua bất cứ một trường, lớp nào về âm nhạc. Lẽ ra khi được vinh danh thì họ cần phải ngay lập tức đi học hỏi bổ sung kiến thức thanh nhạc, vũ đạo… Đằng này họ lại bị cuốn theo cơn lốc showbiz để rồi ngập chìm trong event và biểu diễn. Cho đến ngày có giọng ca khác thay thế vị trí quán quân, họ mới kịp nhận ra thì đã quá muộn màng…

Còn ca sĩ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản thì lại không được học kỹ năng biểu diễn sân khấu. Họ chỉ biết hát mà không hiểu rằng giờ là thời đại của cả nghe và nhìn. Vì thế, họ không đủ sức cạnh tranh với các “sao” ca nhạc thị trường. Và cũng vì không theo kịp thời đại nên bản thân họ luôn quẩn quanh, không thể nào tiến được.

Thị trường âm nhạc cần lành mạnh

Thực tế bây giờ, tìm ra ra một giọng ca tiêu biểu cho nhạc Việt hiện đại đang trở thành xa xỉ. Đó là một nghịch lý khi mà danh xưng ca sĩ xuất hiện ngày một tăng theo cấp số nhân. Nhưng điều đó có thể giải thích qua nhận xét của nhạc sĩ Quốc Trung: “Chúng ta không có môi trường và thị trường cho âm nhạc. Nghệ sĩ của chúng ta nghèo về sự sáng tạo, nghèo về môi trường hoạt động. Môi trường âm nhạc của chúng ta mất cân đối và quá nhiều bất cập trong giáo dục đại chúng và đào tạo chuyên nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới mặt bằng dân trí cũng như sự phát hiện và nuôi dưỡng tài năng trẻ”. Nhưng điều quan trọng nhất là giờ âm nhạc gần như đã chuyển sang cái cần câu cơm cho khá nhiều các công ty truyền thông. Âm nhạc dùng để kinh doanh và vì thế nên các chương trình truyền hình thực tế đã bao trùm lên mọi sinh hoạt âm nhạc.

Cách đây vài năm, còn có những chương trình âm nhạc mang tính đẳng cấp được tổ chức với tâm huyết phục vụ những người yêu nhạc Việt. Nhưng rồi do khó khăn về kinh phí các chương trình đều phải tạm ngưng. Công chúng hầu như không được thưởng thức một đêm nhạc có đầy đủ sự góp mặt của các anh tài mà thay vào đó chỉ là các show ca nhạc mang nặng mùi tiền hay chỉ là dịp quảng bá, PR cho một ca sĩ nào đó vừa vào nghề.

Những ngôi sao ca nhạc... mất hút!

Hương Tràm - Quán quân “Giọng hát Việt” mùa đầu tiên đang “nổi” với scandal hở, lộ hơn là tài năng

Không ít ca sĩ trẻ dường như không còn có gương soi chiếu nên ngày càng xuống dốc. Họ chỉ cần công chúng biết tên, điểm mặt bằng bất cứ mọi giá chứ không cần âm nhạc. Kết quả là các thần tượng ca nhạc ăn khách hiện nay nhờ những yếu tố “ngoài âm nhạc” nhiều hơn là tài năng thực của họ. Có thể điểm danh không ít các ca sĩ mà scandal còn lấn át cả sản phẩm âm nhạc. Nhưng điều đáng buồn là họ lại dùng scandal đó để nuôi sống chính mình. Và chính họ mới là người được trả cát-sê cao, có cuộc sống sung túc.

Thực tế đó đang diễn ra hằng ngày khiến không ít ca sĩ trẻ mới bước chân vào nghề đã nhắm mắt đưa chân đi theo một lối mòn “bỏ ít công sức, dùng thân thể để nhanh chóng nổi tiếng”. Thế nhưng thực tế đã chứng minh những con người đó chỉ đi được quãng đường dài nhất là hai năm, sau đó thì lui về phòng trà, về các quán cà phê bình dân. Con đường đến đỉnh cao âm nhạc cũng coi như chấm dứt.

Truyền hình cần kinh doanh nên chỉ cần lo tài trợ còn chương trình thế nào thì “khoán trắng” cho nhà sản xuất. Báo chí cũng cổ vũ bằng cách thường xuyên PR, quáng bá cho các “sao giải trí”, các thể loại nhạc kể cả thứ nhạc nhạc rác, nhạc thảm họa… Nhạc trẻ Việt thì đang chững lại và rơi vào vòng luẩn quẩn cũ - mới. Những giọng ca đã định hình vẫn chưa có cách nào để tiến thêm bước nữa, những tài năng mới thì không tìm được đường đi. Tất cả các yếu tố đó đều khiến nhạc Việt rơi vào trạng thái “chết”. Giờ đây, muốn tìm ra lối thoát không có cách nào ngoài nỗ lực của những người trong cuộc.

Rõ ràng trong bất cứ xã hội nào cũng tồn tại nhạc giải trí và nhạc tinh hoa, mỗi loại nhạc sẽ có những khán giả khác nhau. Tuy nhiên, để nền âm nhạc Việt Nam tiến xa hơn nữa, để công chúng có thể nghe nhạc một cách có chọn lọc thì việc giáo dục gu thẩm mỹ luôn là điều cần thiết. Bởi những kiến thức căn bản về âm nhạc đã không được chú ý trong suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường khiến cho giới trẻ luôn tồn  tại một lỗ hổng về âm nhạc. Theo như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhận xét: “Giáo dục âm nhạc sẽ giúp cho xã hội có một góc nhìn thẩm mỹ tốt, sẽ biết phân loại nhạc để nghe, có chọn lọc trong âm nhạc cũng từ đó sẽ giúp cho nền âm nhạc Việt Nam phát triển với âm nhạc thế giới, để làm được những điều này phải chăng chúng ta cần phải giáo dục ngay từ khi trẻ còn học lớp 1. Bên cạnh đó cần có sự quan tâm về pháp lý cũng như những chính sách riêng để âm nhạc Việt ngày càng phát triển hơn”.

Thanh Huyền