Những mùa muối ... "đắng"
Muối chất hàng đống đợi người đến thu mua |
Đội chiếc nón lá đã sờn quai không đủ để bớt đi cái nắng trưa hè bỏng rát, ông Tánh (57 tuổi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) vỗ bồm bộp bàn tay gầy guộc đen nhẻm vào lưng. Chứng đau lưng nhiều năm ảnh hưởng không nhỏ tới việc cào muối. Ông than thở: “Cái nghề cái nghiệp làm muối tổ tông truyền lại nhiều đời rồi. Giờ tui làm, sợ không truyền được cho đời sau nữa vì giá muối thấp quá. Bán một ký muối không mua nổi gói mỳ tôm. Còn ai ráng được nữa!”.
Từ 3 giờ sáng, diêm dân nơi đây đã phải thức dậy chuẩn bị đi làm. Buổi trưa là thời gian nghỉ ngơi, là những bữa ăn vội vã. Người xách gô cơm, người mang chiếc bánh, vài ba quả chuối... ăn nhanh giữa đồng muối nắng cháy. Diêm dân làm việc trên đồng muối đến khi mặt trời khuất bóng. Vất vả là thế, nhưng diêm dân ở Phù Cát suốt bao nhiêu năm nay vẫn phải bám ruộng muối để mưu sinh.
Dù vất vả nhưng diêm dân vẫn bám trụ lấy nghề muối |
Ông Thỏa, người có gần 40 năm lăn lộn với nghề muối, nói trong nắng gió: “Khổ trăm bề nhưng thu nhập không đáng bao nhiêu, nghề này chỉ cày cuốc vào những ngày nắng, đến ngày mưa phải làm thuê làm mướn việc khác để sống. Nhọc nhằn là thế nhưng vẫn có người bám trụ với nghề muối mấy chục năm nay. Nhưng chừ muối bán không được, giá thấp chưa tới 800 đồng một ký mà cũng ít người tới mua, nên người làm muối nhọc càng thêm nhọc!”.
Hiện đang trong mùa nắng nóng, rất thuận lợi cho việc sản xuất muối, sản lượng muối đạt khá cao. Thế nhưng, diêm dân ở xã Cát Khánh vẫn khốn đốn bởi giá muối liên tục giảm mạnh. Sản lượng muối thu hoạch tăng cao, nhưng sức mua lại giảm sút, muối được chất đống như núi trên các cánh đồng mà không thấy bất kỳ một thương lái nào đến hỏi.
Đưa tay lau vội giọt mồ hôi hòa với vị mặn của muối trên gương mặt, chị Nguyễn Thị Lan buồn rầu: “Hiện giá muối chỉ dao động 600-800 đồng/kg, diêm dân không đủ chi phí trả tiền thuê nhân công cào muối. Diêm dân khổ lắm!”.
Tại tỉnh Bình Định hiện tại có 2 huyện Phù Mỹ, Phù Cát sản xuất muối với tổng diện tích hơn 132 ha, trong đó hơn 70 ha sản xuất muối truyền thống, 51 ha sản xuất muối trải bạt và 11 ha sản xuất muối công nghiệp. So với năm ngoái, diện tích sản xuất muối tại tỉnh Bình Định đã giảm hơn 20 ha. Trong đó, huyện Phù Mỹ giảm 19,58 ha và huyện Phù Cát giảm 2,2 ha. Giá muối bán ra thị trường thấp, chi phí đầu tư cao, sản xuất muối không hiệu quả nên một số ruộng muối đang bỏ hoang.
Đang vào chính vụ muối nhưng người làm muối truyền thống ở Bình Định rất buồn khi giá muối xuống thấp. Hiện giá muối sản xuất truyền thống chỉ khoảng 800 đồng/kg, giá muối trải bạt 1.000 đồng/kg. Một số nơi ở huyện Phù Cát, giá muối truyền thống giảm còn 500-600 đồng/kg.
Nghề muối rất cơ cực. Để đưa ruộng muối vào sản xuất, diêm dân phải chuẩn bị hết sức công phu, cải tạo nền đất, nạo vét, phơi bùn, nện chắc nền ruộng. Một vụ muối phải mất 1-2 tháng để chuẩn bị. Theo nhiều diêm dân, để sản xuất muối trắng, người dân phải đầu tư khoảng 60 triệu đồng/1.000m2 để lót bạt, chưa kể chi phí xăng dầu bơm nước mặn vào ruộng muối, thuê mướn công nhân làm bờ bao, san bằng mặt ruộng, đến khi thu hoạch phải thuê công nhân cào, vác muối lên tu với giá 5.000 đồng/gánh 30kg.
Thời điểm này thời tiết khá đẹp, diêm dân có thể làm muối tốt hơn |
Có một thực tế đáng suy nghĩ, với phương thức sản xuất truyền thống, hạt muối làm ra chất lượng kém, lẫn nhiều tạp chất nên giá bán thấp, khó tiêu thụ. Hiện nay, muối trắng bán cho thương lái chỉ còn 600-800 đồng/kg (giảm 900 đồng/kg); muối đen (muối tạp) từ 300-400 đồng/kg (giảm 400 đồng/kg), hầu hết người làm muối đều lỗ nặng, nhiều người phải ôm nợ do vay mượn của người thân, vay ngân hàng để đầu tư sản xuất.
Những mùa muối ... "đắng" |
Không chỉ với những người làm muối, cả những người làm công cũng đầy âu lo. Do giá muối xuống dốc, muối bị tồn đọng, không bán được, chủ ruộng muối sẽ không có tiền thuê nhân công, hoặc tiền thuê cũng bị giảm nhiều. Anh Thuận (32 tuổi, ở thôn Ngãi An, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), người làm thuê trên ruộng muối lo lắng: “Cả ngày rang mình trên đồng muối trắng nóng như thiêu đốt vậy mà công xá không được bao nhiêu. Trước muối được giá, mỗi tháng tiền công của tôi cũng được 6-7 triệu đồng, nhưng gần đây chỉ được hơn 3 triệu đồng. Chủ thuê cũng khốn khó, mình không thể đòi hỏi nhiều hơn. 3 triệu đồng để nuôi gia đình có 2 con nhỏ quả là khó khăn. Chỉ mong giá muối tăng lên một chút, người làm muối bớt đi nỗi lo!”.
Những người dân nơi đây vẫn luôn gồng mình mưu sinh bằng nghề muối |
Trên mênh mông đồng muối trắng vẫn thấp thoáng bóng những người đội nắng cào muối. Dường như muối ở đây mặn mòi vị biển và vị mặn của mồ hôi, nước mắt con người, có cả vị “đắng” khốn khó, thua thiệt. Nhìn những hạt muối trắng tinh khiết, ít ai biết rằng, để có được những hạt muối đó, diêm dân phải trải qua bao nỗi nhọc nhằn. Dù lắm gian truân nhưng nghề muối đã nuôi sống biết bao con người ở mảnh đất miền Trung đầy nắng gió này từ bao đời nay.
Minh Ngọc