Những giá trị tuyệt vời ít người biết về cờ vây
Tôn Tử, nhà quân sự Trung Hoa vào thế kỷ 5 trước Công Nguyên, từng nói rằng: “Đừng tấn công kẻ địch mà hãy tấn công vào kế hoạch của chúng; quân như nước chảy: không chảy lên đỉnh núi cao mà chảy thấm xuống chỗ trũng”. Và cờ vây - môn chơi ra đời từ 4.000 năm trước tại Trung Hoa - cũng đưa ra triết lý tương tự. Sau này, vào năm 1945, Tổng thống Truman của Mỹ đã rất ngạc nhiên trước những thành công về quân sự của Mao Trạch Đông khi chiến thắng quân của Nhật và Tưởng Giới Thạch. Ông đã cho người tìm hiểu và biết được rằng, ngoài áp dụng các chiến thuật của phương Tây như Hannibal, Machiavelli, Clausewitz, Foch… thì Mao đã lấy ý tưởng nhiều nhất từ cờ vây.
Cờ vây |
Ít ai biết rằng, sau khi nghiên cứu liên hệ giữa cờ vây với Binh pháp Tôn Tử, với chiến thuật của Mao Trạch Đông và cả của người Nhật, các chuyên gia quân sự Mỹ bắt đầu… chơi cờ vây trong những căn phòng được CIA bảo vệ.
Đó là những gì mà Jean-Christian Fauvet và Marc Smia tìm hiểu khi viết nên cuốn sách Le Manager – Joueur de Go (bản tiếng Việt: “Nhà quản lý - Kỳ thủ cờ vây” do Phạm Việt Khôi dịch). Và theo như các tác giả cuốn sách này, khi phương Tây thấy cần thúc đẩy mối quan hệ với châu Á, họ bắt đầu giải mã môn cờ vây.
Nếu văn hóa phương Tây chú trọng sự phân tích, họ suy nghĩ dựa trên 3 nguyên tắc: đồng nhất, không mâu thuẫn, triệt tam (mọi mệnh đề đều đúng, hoặc sai) thì thế giới trong mắt của người phương Đông là uyển chuyển, vì vậy họ đề cao 3 nguyên tắc: thay đổi thường xuyên, tương phản và bao quát.
Tính uyển chuyển trong nghệ thuật quản lý của phương Đông được người phương Tây phân tích và học hỏi như thế nào qua các nước cờ vây sẽ được Jean-Christian Fauvet và Marc Smia phân tích trong 19 chương sách với nội dung đầy hấp dẫn như: Bàn cờ vây là “sân chơi” của nhà quản lý; Áp dụng “chiến thuật bám biên”; Hãy xây dựng tổ chức của bạn như một quần đảo, chứ không phải một hòn đảo; Biết từ bỏ cái đã mất và giữ thế chủ động; Xem nghịch cảnh như một ván cờ chấp cần phải vượt qua; Ngắm mục tiêu rộng và… vây chặt; Biết từ bỏ cái đã mất và giữ thế chủ động.
Còn theo TS David Nguyễn Quang Vũ, cờ vây còn có nhiều lợi ích tuyệt vời khác. Tại một số bệnh viện ở phương Tây, cờ vây được sử dụng để chữa bệnh mất trí nhớ (Alzheimer). Tại Việt Nam, kỳ thủ cờ vây Đoàn Vũ Chung đã dạy cờ vây cho trẻ bệnh tự kỷ và có những kết quả rất khả quan.
Cũng theo TS David Nguyễn Quang Vũ người chơi cờ vây sẽ thấm từng ngày, từng tháng, từng năm, giai đoạn bắt đầu chơi cờ vây tuyệt vời nhất là từ 3-7 tuổi.
Nghe đến đây, hẳn nhiên nhiều người chưa bao giờ chơi cờ vây sẽ có thêm động lực để bắt đầu tìm hiểu bộ môn rất thú vị này. Và biết đâu đến một ngày bạn sẽ trở thành kỳ thủ, hoặc những binh pháp trong cờ vây sẽ giúp người chơi đạt được những mục đích trong cuộc sống, trở thành một nhà quản lí tài ba thì sao.
T. Thanh