Những cái chết bị quên lãng trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines
Ferdinand Jhon Santos khi còn trẻ. Ảnh: Washington Post. |
Giữa tháng một ở Tondo, khu ổ chuột nghèo và đông đúc nhất ở thủ đô Manila, Philippines, một xác chết nổi lên bên dưới cây cầu bắc qua sông Pasig. Chân và tay người đàn ông thiệt mạng bị trói chặt bằng dây thừng, đầu dán băng dính, thân thể bị quấn trong dây xích gắn vào một chiếc thùng đổ đầy bê tông. Đây không phải điều quá lạ lùng ở những góc khuất của thủ đô Philippines.
Kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền cách đây hơn hai năm, số người chết trong cuộc chiến chống ma túy do ông phát động không ngừng gia tăng. Nhà chức trách cho biết hơn 5.000 "đối tượng liên quan tới ma túy" đã bị tiêu diệt trong các chiến dịch của cảnh sát trên cả nước. Những nhóm đấu tranh vì nhân quyền tin rằng số người chết có thể còn cao hơn 4 lần do nhiều trường hợp không được báo cáo hoặc được thực hiện trong bí mật bởi những băng nhóm sát thủ do chính quyền thuê.
Câu hỏi liệu những cái chết có liên quan trực tiếp tới cuộc chiến chống ma túy của Duterte vẫn chưa rõ.
Tên của những người thiệt mạng vì liên quan đến ma túy tại Manila hay bất kỳ nơi nào khác ở Philippines hiếm khi được tiết lộ ra bên ngoài gia đình và bạn bè, đồng thời câu chuyện của họ cũng hiếm khi được kể.
Người đàn ông chết dưới sông Pasig ở Tondo ngày 14/1 có thể bị giết vì nhiều lý do. Washington Post đã tìm ra tên của nạn nhân: Ferdinand Jhon Santos, biệt danh Dingdong, 44 tuổi. Cuộc đời Santos khởi đầu bằng hoài bão và ước mơ đặt chân vào tầng lớp trung lưu Manila. Nhưng ma túy, một cuộc hôn nhân tan vỡ và những đồng tiền kiếm về quá nhanh từ các hoạt động mờ ám đã đẩy ông vào góc tối.
Một số người dân nói họ biết tin Santos bị ném xuống sông từ sáng sớm ngày Chủ nhật, khoảng 36 tiếng trước khi thi thể được phát hiện. Thậm chí có người còn khẳng định họ chứng kiến những giây phút cuối của Santos. Nhưng không ai báo cảnh sát.
Chính quyền Duterte tuyên bố họ điều tra mọi cái chết. Tuy nhiên, hàng nghìn trường hợp vẫn chưa rõ ràng, được cảnh sát quốc gia liệt vào mục "đang điều tra" và không bao giờ trình lên công tố viên.
Các nhóm đấu tranh cho rằng nhiều vụ giết người do nhà chức trách ra lệnh hoặc ngấm ngầm thực hiện như một biện pháp truy quét ma túy. Tuy nhiên, chính quyền Philippines phủ nhận.
Khi được hỏi về vụ của Santos, cảnh sát Manila nói họ không thể mở một cuộc điều tra toàn diện nếu không có nhân chứng ra mặt. Hàng nghìn vụ khác cũng gặp tình trạng tương tự: Không có nhân chứng, hoặc nếu có, họ đều quá sợ hãi nên không muốn xuất hiện.
Tuy nhiên, qua những câu chuyện nói với nhau, các gia đình cáo buộc cảnh sát địa phương đứng sau không ít vụ giết người. Đáp lại, cảnh sát thách thức họ cung cấp bằng chứng.
"Cuộc chiến chống ma túy cùng thực tế là rất nhiều vụ giết người không được điều tra khiến việc xóa bỏ ai đó giờ đây trở nên thật dễ dàng", Carlos Conde, nhà nghiên cứu tại tổ chức Giám sát Nhân quyền Philippines, nhận xét. "Môi trường bạo lực tạo điều kiện cho những vụ giết người ngoại tụng, dù chúng có liên quan tới ma túy hay không".
Người dân khu ổ chuột Tondo tập trung tại cây cầu nơi phát hiện thi thể Santos để xem vớt xác. Ảnh: Washington Post. |
Một ngày trước khi thi thể Santos nổi lên, gia đình, vì không thể liên lạc với ông, đã lái xe tới nơi Santos làm việc ở phía nam thành phố để báo rằng ông có thể đã bị bắt cóc.
Ngày hôm sau, 14/1, họ đọc được tin người dân tìm thấy một xác chết dưới cầu ở Tondo.
"Chúng tôi nhận ra đầu gối của chú ấy trên bản tin, bạn biết đấy, đôi chân gầy gò", một người cháu họ của Santos nói.
Tại một nhà xác ở Manila, vợ Santos, người ông gặp lần gần nhất từ tháng 10 năm ngoái, nhận ra chồng mình nhờ một nốt ruồi trên mặt.
"Tôi không bao giờ nghĩ điều này sẽ xảy ra với nó", chị gái Santos nói trong nước mắt. "Nó lúc nào cũng hỏi tôi 'Ai trong chúng ta sẽ ra đi trước? Nếu em chết trước, hãy chôn em tại khu mộ của gia đình ở San Juan. Nếu chị chết trước, đừng lo, em sẽ thu xếp chu đáo'".
Santos lớn lên dưới mái nhà của bà nội. Gia đình ông thuộc tầng lớp trung lưu. Ông học để trở thành thủy thủ nhưng chưa bao giờ hoàn thành đủ giấy tờ để nộp đơn xin việc. Ngoài 20 tuổi, ông gia nhập một dàn hợp xướng được tới Mỹ biểu diễn song visa của Santos bị từ chối.
Ông nhận làm tài xế cho nhiều công ty khác nhau và gặp vợ tương lai vào năm 2003 ở Bulacan. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân giữa hai người không diễn ra suôn sẻ. Tính tình Santos ngày càng thất thường. Thói quen sử dụng ma túy đá đã hủy hoại ông.
Năm 2010, cuộc đời Santos bắt đầu lao dốc. Ông rời khỏi nhà và liên tục nhảy việc. Một đồng nghiệp cáo buộc Santos ăn cắp hàng từ xe vận tải và tham ô. Thói quen sử dụng ma túy đá của Santos ngày càng nặng. Ông không còn đến thăm các con nữa.
"Ông ấy rất ít khi nhắn tin hay xuất hiện", vợ Santos cho hay.
Santos từng tự đăng ký tham gia một khóa cai nghiện kéo dài 7 tháng hồi năm 2015.
Trong số đồ đạc Santos mang theo có một cuốn sổ ghi các khoản nợ, trong đó có khoản 840 USD và 2.100 USD, dường như nằm ngoài khả năng chi trả.
Vợ Santos nói bà không biết ông gặp vấn đề về tài chính. "Đôi khi, ông ấy kể với tôi một chuyện nhưng lại kể với chị gái câu chuyện khác. Chúng tôi không biết đâu là thật", bà chia sẻ.
Đêm Santos mất tích, ông gọi cho chị gái vào khoảng 20h10. "Em yêu chị. Chúc ngủ ngon", Santos nhắn nhủ với chị. Vào 23h30, từ điện thoại của Santos, chị ông nhận được một cuộc gọi nhỡ.
8h sáng ngày 13/1, một người cháu của Santos nhận được điện thoại. "Có chuyện xảy ra với chúng tôi tối qua", đồng nghiệp của Santos nói với người cháu.
Theo lời người đồng nghiệp, từ khoảng 23h30 đến nửa đêm 12/1, những người đàn ông đeo mặt nạ xông vào khu nhà để xe của công ty Santos đang làm việc, nơi các tài xế ngủ. Họ tự nhận là đặc vụ từ Cục Điều tra Quốc gia, đang tìm một người tên John, nhưng không ai trả lời.
Santos là người đầu tiên cất tiếng và trình thẻ căn cước. "Không có ai tên John ở đây, chỉ có Ferdinand Jhon", Santos nói.
"Vậy ông là kẻ đó!", một trong các đặc vụ đáp lại.
Theo lời kể của người đồng nghiệp, một người đàn ông tự nhận là nhân viên chính phủ đã cảnh báo: "Đừng chống lại chúng tôi. Ông ta là người duy nhất chúng tôi cần" và chỉ vào Santos.
Những người từ chính phủ nhốt 12 tài xế trong một chiếc xe container. Không ai báo cảnh sát. Người đồng nghiệp gọi cho cháu của Santos đã rời công ty. Những tài xế còn lại cũng tìm việc ở nơi khác.
Cháu của Santos vẫn giữ một đoạn tin nhắn được lưu truyền trong các tài xế công ty vận tải nơi ông làm việc. Tin nhắn được cho là từ chủ công ty song họ không có bằng chứng về điều này.
"Tôi biết ai sử dụng ma túy đá. Các người không biết tôi có khả năng làm gì đâu. Đây là cảnh báo cuối cùng của tôi. Nếu tôi nhìn thấy hay nhân viên của tôi hoặc camera của tôi nhìn thấy thì xin lỗi, đã đến ngưỡng chịu đựng của tôi. Tôi căm thù ma túy! Và con nghiện! Cứ thử đùa với tôi xem tôi có thể làm gì! Tôi sẽ hủy hoại cả gia đình các người! Hãy lan tin đi".
Cảnh sát Manila cho biết họ không điều tra công ty vận tải. Một lần nữa, không có nhân chứng nào ra mặt. Công ty cũng không nộp đơn báo người mất tích. Đồng nghiệp của Santos khẳng định camera an ninh đã bị tháo bỏ.
Ngày 22/1, đám tang của Santos diễn ra đơn giản tại nghĩa trang San Jose del Monte. Không bạn bè hay đồng nghiệp nào của Santos có mặt. Không ai rơi nước mắt.
Gia đình ông không định theo đuổi một cuộc điều tra. "Nó có thể gây nguy hiểm cho chúng tôi", một người trong gia đình chia sẻ.
Kết quả khám nghiệm pháp y chưa được công bố cho gia đình. Trong khi những trường hợp giống như của Santos chưa được giải đáp, các nhóm vận động nhân quyền và gia đình các nạn nhân vẫn tin các vụ sát hại này được thực hiện nhân danh cảnh sát và cuộc chiến chống ma túy.
Hai thi thể khác cũng được lôi lên từ con sông dưới cùng cây cầu nơi Santos chết vào ngày 14/1.
"Đây là Manila", một cư dân địa phương, trông không có vẻ bất ngờ, nói.
Santos (áo xanh, giữa) trong lễ rửa tội cho con gái. Ảnh: Washington Post. |
Theo Vnexpress.net
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo