Những ánh mắt buồn nơi vùng cao xứ Nghệ
Khi ông bà thay bố mẹ…
Bà con Khơ mú ở bản Na Bè (Xá Lượng, Tương Dương, Nghệ An) thường tỏ ra ái ngại mỗi khi nhắc đến hoàn cảnh của vợ chồng bà Ven Thị Thu (sinh năm 1968) khi phải cưu mang đứa cháu ngoại từ lúc 8 tháng tuổi, nay đã hơn 3 tuổi. Chúng tôi đến thăm ông bà lúc xế chiều, dù đã mùa hè nhưng bé Moong Văn Vũ (cháu bà Thu) vẫn mặc chiếc áo ấm. Bà Thu giải thích: “Cháu bảo thấy lạnh, ở nơi tận cùng khe suối này thời tiết nhiều khi thất thường”.
Bà Thu kể, gia đình có 3 người con, mẹ bé Vũ là chị cả, từng vào miền Nam kiếm sống, yêu một người ở xa và đưa về ra mắt gia đình hơn 4 năm trước. Nhưng rồi, chắc thấy gia cảnh quá nghèo, người bạn trai ấy đã “quất ngựa truy phong”, bỏ lại người yêu cùng một mầm sống đang hình thành. Sinh con được 8 tháng, con gái bà Thu nhận lời làm vợ một người đàn ông ở huyện Kỳ Sơn, bỏ lại đứa con còn đang tập ăn cho bố mẹ mình.
Bà Lương Thị Lan bên cháu nội La Văn Cường |
Vợ chồng bà Thu không thể quên những lúc bé Vũ khát sữa và nhớ mẹ, khóc suốt đêm. Bà phải bế cháu đi khắp bản xin bú nhờ các chị đang nuôi con nhỏ. Rồi những lúc bé sốt cao, khó thở, phải vượt hơn 20km đường rừng đến bệnh viện cấp cứu. Hằng ngày bà Thu và chồng vẫn phải thay nhau lên rừng, xuống suối tìm cái ăn cho cháu nhỏ. Ông Moong Văn Thương (ông ngoại bé Vũ) chia sẻ: “Nuôi cháu bé vô cùng vất vả, có lúc tưởng chừng như không đủ sức. Đã có mấy người đến xin cháu về nuôi nhưng tôi không đồng ý, vì nghĩ đến việc nó đã bị bỏ rơi, giờ ông bà đem cho người khác, không đành lòng”. Nhìn cảnh Vũ quấn quýt bên bà ngoại, chúng tôi cảm nhận được tình yêu thương của bà Thu dành cho đứa cháu bé bỏng và nỗi thiệt thòi của đứa trẻ khi thiếu vắng hơi ấm người mẹ...
La Văn Cường giúp bà việc nhà |
Chúng tôi vào xã Lượng Minh, ghé bản Minh Phương thăm bà Lương Thị Lan - một trong những người nắm giữ “kỷ lục” về số lượng các con trai, gái, dâu, rể phải thụ án hoặc bị chết vì liên quan đến ma túy. Các con vào tù hoặc chết vì HIV/AIDS để lại những đứa cháu còn thơ dại, bà Lan phải ra sức cưu mang. Hơn 10 đứa cháu đã được bàn tay bà nuôi nấng, giờ đã khôn lớn và đi làm ăn, học nghề ở xa, giờ chỉ còn đứa cháu nhỏ La Quốc Cường (sinh năm 2006) ở cùng bà. Cường có số phận rất éo le, mới 10 ngày tuổi mẹ đã bỏ đi biệt tích. Bà Lan thay mẹ chăm bẵm Cường từ những ngày còn đỏ hỏn. “Có những lúc nó khóc ngặt nghẽo suốt đêm, khắp người nóng ran, không chịu uống sữa, tưởng chừng khó qua khỏi. Tôi bế trên tay và thức trắng đêm, cầu trời cho nó được sống...” - bà Lan chia sẻ. Khi Cường tròn 6 tháng, bố bị bắt vì tàng trữ ma túy, rồi nghe đâu bị chết vì bệnh xã hội...
Qua bao nỗi nhọc nhằn, nay La Quốc Cường đã bắt đầu khôn lớn. Cậu bé khá hiền lành và chăm ngoan, nghe lời bà dạy bảo. Cường đang học lớp 6, học bán trú nhưng hằng ngày em vẫn đạp xe đi về với bà. Cường tâm sự: “Ở nhà một mình chắc chắn bà buồn lắm, nên em đi về làm bạn với bà”…
Những thân phận buồn ở Xốp Mạt
Tiếp tục hành trình sang bản Xốp Mạt, nơi một thời được gọi là “bản không chồng” vì phần nhiều đàn ông bị chết hoặc bắt giam do liên quan đến ma túy, chúng tôi lại gặp những ánh mắt buồn của trẻ thơ. Cô bé Lương Thị Phương Thảo năm nay tròn 10 tuổi, cái tuổi lẽ ra phải rất vô tư, hồn nhiên, nhưng ánh mắt như chứa đựng cả một nỗi buồn thăm thẳm và đôi môi không mấy khi nở nụ cười. Thảo chỉ được ở bên bố mẹ trong quãng thời gian ngắn ngủi, thậm chí đến giờ em không thể hình dung được khuôn mặt của các bậc sinh thành. Cả bố và mẹ đều đã mất vì HIV/AIDS lúc em còn rất nhỏ, chưa cảm nhận được nỗi mất mát và chưa ý thức được thân phận một đứa trẻ mồ côi.
Rất may, cô bé được bác gái là cán bộ y tế xã đưa về nhà chăm sóc, nuôi nấng và cho đi học. Hiện Thảo đang học lớp 4, được cô giáo đánh giá chăm chỉ, ngoan hiền. Bà Lương Thị Hồng (người đang nuôi bé Thảo) cho biết: “Cuộc sống chưa thể nói đủ đầy, nhưng vì tình thương và trách nhiệm, tôi phải cưu mang cháu Thảo. Được cái, cháu rất ngoan và biết vâng lời, làm việc nhà thuần thục và chăm chỉ học hành”.
Cậu bé Moong Văn Vũ và bà ngoại (Ven Thị Thu) |
Hoàn cảnh cô bé Lương Thị May Nguyệt (sinh năm 2006) có điểm tương đồng với bé Thảo. Bố mẹ của Nguyệt cũng mất vì HIV/AIDS từ lúc em còn nhỏ. Căn bệnh quái ác lần lượt cướp mất bố rồi đến mẹ, Nguyệt được ông bà ngoại đưa về cưu mang. Ở vùng đất chỉ có núi dốc và khe suối này, việc mưu sinh hết sức khó khăn, vất vả, ông bà ngoại đã già yếu nên em phải chịu cảnh bữa đói, bữa no. Sau mỗi buổi học, Nguyệt thường xuống suối xúc cá, hái rau rừng về cải thiện bữa ăn. Ngày mùa, Nguyệt theo người lớn lên rẫy, đôi chân bé nhỏ và đen đúa của em đã khi khắp các con suối, cánh rừng trên địa bàn. Khi được hỏi về niềm mong ước trong tương lai, Nguyệt nói: “Em mong ông bà luôn mạnh khỏe để em có được chỗ dựa. Em sẽ cố gắng học để sau này làm cô giáo, có tiền nuôi ông bà khi già yếu”.
Bản Xốp Mạt một thời được gọi là “bản không chồng” vì phần nhiều đàn ông bị chết hoặc bắt giam do liên quan đến ma túy. Nơi đây có nhiều trẻ em mồ côi hoặc phải sớm xa rời vòng tay yêu thương của cha mẹ… |
Cùng cảnh mồ côi, Vi Văn Tuyến (sinh năm 2009) cũng chất chứa bao nỗi buồn trong ánh mắt. Bố của Tuyến là Vi Văn Hải đã mất vì bệnh hiểm nghèo, mẹ là Lô Thị Bán đang thụ án tù vì vận chuyển trái phép chất ma túy. Hiện tại, Tuyến ở cùng gia đình bác gái Lô Thị Thoan, hằng ngày được cắp sách đến lớp. Sau buổi học, Tuyến thường giúp bác bằng cách lên rừng lấy củi hoặc bẫy chim về làm thức ăn, có khi xuống suối chài cá, bắt tép. Niềm mong ước lớn nhất của cậu bé 9 tuổi này là người mẹ trở về, để được ôm ấp, chở che và bớt đi nỗi buồn tủi…
Trên khắp các bản làng miền Tây Nghệ An còn không ít những em nhỏ mồ côi hoặc phải sớm rời xa vòng tay yêu thương của bố mẹ, gánh chịu bao nỗi tủi phận, thiệt thòi. Mong rằng, ánh mắt buồn của những đứa trẻ là lời cảnh tỉnh về trách nhiệm đối với các bậc làm cha, làm mẹ.
Trần Công Kiên