Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/11/2022
Romania có một số lượng kỷ lục khí đốt tự nhiên. Ảnh: Romaniajournal |
EU vẫn đang cân nhắc nhiều phương án kiềm chế giá năng lượng
Hội nghị các Bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) diễn ra ngày 7/11 vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về một giải pháp kiềm chế giá năng lượng gia tăng nào. Đơn cử như việc áp đặt mức hỗ trợ chính phủ cho người dân trong bối cảnh giá năng lượng leo thang cũng còn nhiều điều phải bàn.
Các Bộ trưởng tài chính eurozone cho rằng, các biện pháp hỗ trợ của các chính phủ nên có mục tiêu cụ thể và chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, theo giới chức khu vực, trên thực tế các biện pháp này đang được mở rộng. Ngoài biện pháp hỗ trợ của chính phủ, một số quốc gia như Bỉ, Italy, Ba Lan và Hy Lạp mong muốn áp giá trần khí đốt trên toàn châu Âu. Tuy nhiên, họ đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và Hà Lan.
Hiện các nước thành viên EU vẫn đang cân nhắc nhiều phương án, trong đó có phương án chính phủ cung cấp một lượng năng lượng cố định cho người tiêu dùng, với mức trợ cấp giá và mức tiêu thụ vượt quá định lượng này sẽ phải thanh toán theo giá thị trường cao hơn.
Đức kêu gọi thế giới kiên trì theo đuổi mục tiêu năng lượng tái tạo
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 7/11 đã kêu gọi các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, không từ bỏ những mục tiêu về năng lượng tái tạo, bất chấp tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Thủ tướng Scholz cho biết kinh tế Đức đã gặp nhiều khó khăn khi Nga hạn chế nguồn cung năng lượng và giá khí đốt tăng cao. Hiện Đức đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế khi đối mặt với nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa đông. Giới chức nước này đã quyết định tái khởi động các nhà máy điện than “trong một thời gian ngắn”.
Theo Thủ tướng Scholz, ngoài việc giảm sử dụng than đá, Đức đang đầu tư hàng tỉ USD vào cơ sở hạ tầng để nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ các nhà cung cấp mới, trong đó có Mỹ và Qatar. Berlin cũng tăng cường đầu tư các chương trình môi trường quốc tế, nâng tổng số tiền đầu tư lên 6 tỉ euro.
Romania lưu trữ lượng khí đốt tự nhiên kỷ lục
Trang tin EURACTIV.ro (Romania) ngày 8/11 dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Virgil Popescu cho biết nước này có hơn 3 tỉ m3 khí đốt tự nhiên, một số lượng kỷ lục. Dung lượng lưu trữ của Romania hiện ở mức 97,75%, Bộ trưởng Popescu xác nhận.
Lượng khí đốt được lưu trữ tính đến ngày 7/11 của Romania là 3.000,7 triệu m3, nhiều hơn 700 triệu so với cùng thời điểm vào năm 2021. Romania đã đạt được yêu cầu do Ủy ban châu Âu đưa ra là phải lấp đầy ít nhất 80% kho lưu trữ vào giữa tháng 9.
Không giống như các quốc gia khác trong khu vực, Romania ít phụ thuộc vào khí đốt của Nga hơn. Nước này tự sản xuất khoảng 90% lượng khí đốt cần thiết thông qua công ty năng lượng nhà nước Romgaz, tập đoàn dầu khí OMV Petrom và Black Sea Oil&Gas (BSOG).
Anh sẵn sàng cho việc công bố thỏa thuận lớn về khí đốt với Mỹ
Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã sẵn sàng cho việc công bố thỏa thuận lớn về khí đốt với Mỹ sau Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27).
Đầu tuần này, Mỹ đã nhất trí cung cấp 15 tỉ m3 LNG cho Liên minh châu Âu, góp phần hỗ trợ khu vực này khi dừng nhất khẩu năng lượng của Nga. Công ty điện và khí đốt quốc gia Anh trước đó cho biết khả năng đảm bảo nguồn cung của nước này sẽ phụ thuộc vào việc giá khí đốt đủ cao để hấp dẫn các công ty xuất khẩu của châu Âu và LNG từ các nước như Qatar và Mỹ.
Phát biểu tại COP27 vào ngày 7/11, ông Sunak nói xung đột sẽ đẩy nhanh các nỗ lực của thế giới trong việc dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trước đó, Sky News đưa tin các quan chức chính phủ Anh đang đàm phán với các nhà cung cấp LNG lớn của Mỹ về thỏa thuận nhằm tăng cường nhập khẩu năng lượng.
Israel phát hiện mỏ khí đốt có trữ lượng 13 tỉ m3 ở phía Đông Địa Trung Hải
Hãng dầu khí Energean PLC của Israel ngày 7/11 cho biết đã phát hiện một mỏ khí đốt với trữ lượng khoảng 13 tỉ m3 ở vùng biển phía Đông Địa Trung Hải.
Theo Energean PLC, kết quả thăm dò giếng Zeus-1 đã xác nhận "khu vực Olympus" nằm giữa mỏ khí đốt Karish và mỏ Tanin có trữ lượng khí đốt lớn và có thể khai thác thương mại. Ngoài ra, cuộc thăm dò này cũng xác nhận mỏ Athena có khoảng 3,75 tỉ m3 khí đốt.
Hiện các doanh nghiệp năng lượng của Israel đang lên kế hoạch đánh giá tổng trữ lượng khí đốt trong khu vực Olympus, bao gồm cả mỏ Zeus và mỏ Athena, ngay từ đầu năm 2023.
Pháp sẽ đầu tư 1 tỉ euro hỗ trợ chuyển đổi năng lượng dài hạn tại Nam châu Phi
Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 7/11 nhấn mạnh châu Âu và Pháp cam kết sẽ tuân thủ mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030; đồng thời kêu gọi các quốc gia tiếp tục tuân thủ cam kết theo Thỏa thuận Paris năm 2015 và tại Hội nghị COP26.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra một số “đề xuất công bằng khí hậu” để giúp các nước châu Phi và các nước có mức thu nhập trung bình huy động được các nguồn vốn quốc tế cho các dự án khí hậu gồm: thay đổi các quy tắc quốc tế về chuyển đổi nguồn vốn đa phương; hình thành các dự án chính trị và tài chính chung để phát triển các khu vực dự trữ sinh quyển.
Đáng chú ý, Pháp cho biết sẽ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo và dừng sử dụng than đá. Cụ thể, Pháp sẽ đầu tư 1 tỉ euro trong khuôn khổ chương trình đối tác chuyển đổi năng lượng dài hạn tại khu vực Nam châu Phi. Đây là dự án do Đức đề xuất với quy mô tài chính lên đến 8,5 tỉ euro.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/11/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/11/2022 |
T.H (t/h)
-
[PetroTimesTV] Điểm sự kiện Năng lượng - Dầu khí nổi bật tuần qua, từ ngày 3 - 20/10/2024
-
Đường ống Matterhorn Express tác động gì đến lưu vực Permian và thị trường năng lượng?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 29/7 - 3/8
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 2/8: Thị trường không bị ảnh hưởng bởi tình hình Trung Đông
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VII)