Nhịp đập năng lượng ngày 25/12/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn |
Các cổ đông nước ngoài tạm dừng tham gia dự án LNG 2 ở Bắc Cực của Nga
Ngày 25/12, nhật báo Kommersant đưa tin, các cổ đông nước ngoài đã tạm dừng tham gia vào dự án LNG 2 ở Bắc Cực do lệnh trừng phạt, từ bỏ trách nhiệm tài chính và trách nhiệm đối với các hợp đồng bao tiêu với nhà máy LNG mới của Nga.
Dự án này được coi là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực của Nga, nhằm tăng thị phần LNG toàn cầu lên 20% vào năm 2030 từ mức 8%. Tuy nhiên dự án đã gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và việc thiếu các tàu vận chuyển khí đốt.
Các công ty dầu mỏ nhà nước của Trung Quốc CNOOC Ltd và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), mỗi công ty có 10% cổ phần trong dự án này. Dự án được kiểm soát bởi Novatek - nhà sản xuất LNG lớn nhất của Nga, và sở hữu 60% cổ phần.
Kommersant, trích dẫn các nguồn tin giấu tên trong Chính phủ Nga, cho biết cả hai công ty Trung Quốc, cùng với TotalEnergies của Pháp và một tập đoàn gồm Mitsui and Co và JOGMEC của Nhật Bản - mỗi công ty cũng có 10% cổ phần - đã tuyên bố trường hợp bất khả kháng đối với việc tham gia dự án.
Nga “bội thu” từ nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu dầu sang châu Á
“Khối lượng xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc và Ấn Độ ghi nhận mức tăng kỷ lục trong năm nay. Tính đến hết tháng 11, các công ty dầu mỏ Nga đã cung cấp 70 triệu tấn dầu cho Ấn Độ và khoảng 100 triệu tấn dầu cho Trung Quốc” - Nikolay Tokarev - Giám đốc điều hành của công ty vận tải dầu mỏ thuộc tập đoàn Nga Transneft, nói với đài Rossiya24 hôm 24/12.
Theo ông Tokarev, bên cạnh khách hàng tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, các thị trường mới cho xuất khẩu dầu mỏ của Nga cũng đã xuất hiện, bao gồm Ai Cập, Maroc, Myanmar và Pakistan.
Bloomberg nhận định, châu Âu đã thất bại trong việc hạn chế nguồn thu từ ngành năng lượng của Moscow. Bloomberg cho biết, nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Moscow gần như tăng gấp đôi từ tháng 4 đến tháng 10 năm nay. Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu của Bộ tài chính Nga, doanh thu ròng từ dầu mỏ của Nga trong tháng 10 là 11,3 tỷ USD, chiếm 31% tổng doanh thu ngân sách ròng của nước này.
Saudi Arabia và Nhật Bản hợp tác bảo đảm nguồn cung năng lượng toàn cầu
Tại Đối thoại năng lượng giữa hai nước lần thứ 2, được tổ chức tại thủ đô Riyadh ngày 24/12, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ken Saito đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu và bảo đảm nguồn cung năng lượng thế giới, bằng cách thúc đẩy đối thoại giữa các nhà sản xuất dầu và người tiêu dùng.
Hai Bộ trưởng tái khẳng định rằng Saudi Arabia là nhà cung cấp dầu lớn nhất và là đối tác đáng tin cậy của Nhật Bản. Hai nước nhất trí mở rộng hơn nữa các mối quan hệ song phương, thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và hợp tác theo sáng kiến Ngọn hải đăng.
Cả hai bên cũng chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc thực hiện các con đường khác nhau phù hợp với hoàn cảnh quốc gia, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0, đồng thời giải quyết vấn đề an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế.
Moldova và Ukraine tham gia dự án hành lang khí đốt VGC
Moldova và Ukraine sẽ tham gia dự án Hành lang khí đốt dọc (VGC) vào tháng 1/2024 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Hy Lạp đến các cơ sở lưu trữ của Ukraine.
Theo đó, hai nhà vận hành hệ thống truyền dẫn khí đốt của Moldova và Ukraine là Vestmoldtransgaz và GTSOU sẽ trở thành thành viên chính thức của VGC vào giữa tháng 1/2024. Trước đó, dự án này đã có sự tham gia của các công ty gồm Transgaz (Romania), DESFA (Hy Lạp), FGSZ (Hungary), ICGB AD và Bulgartransgaz (đều của Bulgaria).
Bộ trưởng Năng lượng Moldova Victor Parlicov cho biết từ tháng 12/2022, Chisinau đã nhận được lượng khí đốt chủ yếu qua hành lang này. Tuy nhiên cho đến nay, hành lang này mới chỉ chính thức kéo đến biên giới giữa Romania với Moldova và Ukraine. VGC được các nhà khai thác mạng lưới khí đốt ở Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Hungary và Áo công bố lần đầu tiên vào năm 2016.
Indonesia kêu gọi giảm phụ thuộc LNG nhập khẩu
Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia Arifin Tasrif đã kêu gọi tăng cường sử dụng khí đốt trong nước đồng thời cắt giảm nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG) vốn đang là gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Phát biểu tại hội thảo quốc gia “Triển vọng kinh tế Indonesia năm 2024”, ông Arifin lưu ý: “Nhập khẩu LPG của Indonesia đã vượt 5,5 triệu tấn mỗi năm và con số này đang tiếp tục gia tăng, trong khi sản lượng khí đốt của chúng ta dư thừa và đang xuất khẩu sang các thị trường khác”.
Bộ trưởng Arifin cho hay Indonesia là một trong những nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và sản lượng dự kiến sẽ đạt được tốc độ mới nhờ việc phát hiện các trữ lượng mới gần đây. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần xây dựng hạ tầng khí đốt nhằm tạo thuận lợi cho việc phân phối LPG đến các hộ gia đình, nhà hàng và khách sạn, từ đó giảm sự phụ thuộc vào LPG nhập khẩu”.
Nhịp đập năng lượng ngày 23/12/2023 |
Nhịp đập năng lượng ngày 24/12/2023 |
H.T (t/h)
-
Thiếu hụt khung pháp lý - Rào cản giảm tốc hình thành thị trường carbon
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 21/10 - 26/10
-
Giá dầu hôm nay (26/10): Dầu thô tiếp đà tăng
-
Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý
-
Giá dầu hôm nay (25/10): Dầu thô tăng trong phiên