Nhịp đập năng lượng ngày 22/12/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn |
Nigeria tung các ưu đãi sốc hút giới đầu tư dầu khí
Theo thông tin do Bloomberg công bố ngày 20/12, Nigeria sẽ ban hành các ưu đãi mới cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt tự nhiên nhằm thúc đẩy sản lượng hydrocarbon trong nước.
Ông Gbenga Komolafe, Tổng Giám đốc Ủy ban điều tiết dầu mỏ thượng nguồn Nigeria (NUPRC), tiết lộ: “Những ưu đãi mới sẽ bao gồm việc thay thế các khoản tiền ký quỹ bằng khoản tiền trả một lần cho sản xuất”. Chính phủ Nigeria cũng lên kế hoạch rút ngắn những quy trình cấp giấy phép cho các công ty dầu khí thông qua các thủ tục hành chính.
Ông Komolafe nhấn mạnh: “Việc giảm chi phí cho các doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề làm trì hoãn các thỏa thuận sản xuất cho thấy mô hình có thay đổi”, đồng thời chỉ ra rằng các nhà đầu tư tiềm năng “sẽ thấy Nigeria sẵn sàng triển khai những hoạt động kinh doanh hoàn toàn khác trong đợt mời thầu sắp tới”.
Xuất khẩu dầu của Nga tăng 7% so với năm 2021
Trong cuộc họp của Hội đồng Phát triển Chiến lược và các Dự án Quốc gia trong năm nay, Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Andrei Belousov cho biết xuất khẩu dầu thô của Nga trong năm nay sẽ cao hơn 7% so với năm 2021 - ngay trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Xuất khẩu dầu thô của Nga ước tính khoảng 250 triệu tấn.
"Những vấn đề cấp bách nhất năm ngoái nhìn chung đã được giải quyết. Điều này trước hết liên quan đến các khoản thanh toán và bảo hiểm hàng hóa. Thứ hai là liên quan đến việc bảo đảm vận chuyển hydrocarbon bằng đường biển bằng đội tàu chở dầu", ông Belousov nói.
Trong năm qua, Nga đã xây dựng "hạm đội tàu chở dầu bóng đêm", giúp nước này vận chuyển dầu tới các thị trường quốc tế, chủ yếu là đến châu Á.
Angola tuyên bố rời khỏi OPEC
Angola sẽ rời Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Thông báo được đưa ra vào ngày 21/12, bởi Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ, sau nhiều bất đồng giữa các đại biểu OPEC và phái đoàn Angola liên quan đến hạn ngạch khai thác dầu của OPEC được thông qua trong những tháng gần đây.
Trong cuộc họp vào tháng 6 vừa qua của OPEC, Angola đã được giao những mục tiêu ít tham vọng hơn sau nhiều năm không đạt được các mục tiêu trước đó. Việc rút khỏi OPEC sẽ mang lại sự tự do cho Angola, nhà sản xuất lớn thứ hai châu Phi, để đạt được tiềm năng khai thác tối đa.
Thông tin trên báo chí Angola cho thấy chính quyền Angola rất vui mừng khi có thể tiếp tục sản xuất dầu mà không bị ràng buộc bởi hạn ngạch của OPEC. Hãng tin Angop của Angola dẫn lời Bộ trưởng Bộ Năng lượng Angola nói: "Chúng tôi không muốn trở thành thành viên của một tổ chức mong đợi chúng tôi im lặng và không tham gia tích cực".
Slovakia được miễn trừ thêm 1 năm để xuất khẩu sản phẩm dầu có nguồn gốc từ Nga
Vào ngày 5/12, Cộng hòa Séc đã hết quyền miễn trừ nhập khẩu sản phẩm dầu thô có nguồn gốc từ Nga từ Slovakia. Liên minh châu Âu (EU) đã cấp quyền cho Slovakia 1 năm, để xuất khẩu nhiên liệu được chế biến từ dầu thô của Nga tại nhà máy lọc dầu Slovnaft của nước này sang Cộng hòa Séc, Reuters đưa tin ngày 20/12.
Tại Bulgaria, dầu của Nga được xử lý tại nhà máy lọc dầu Burgas, thuộc sở hữu của công ty năng lượng lớn Lukoil của Nga. Đầu tuần này, Quốc hội Bulgaria đã thông qua giai đoạn đầu tiên của dự luật cấm xuất khẩu các sản phẩm dầu thô có nguồn gốc từ Nga, bất chấp sự miễn trừ của EU. Lệnh cấm vận này dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu tháng tới. Sofia cũng đã cấm nhập khẩu dầu thô của Nga để lọc dầu, bắt đầu từ ngày 1/3.
Đầu năm nay, Bulgaria đã áp dụng thuế đối với việc vận chuyển khí đốt của Nga. Động thái này đã khiến Hungary phẫn nộ, vì họ coi đây là mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của mình. Vào tháng 12, Budapest đe dọa phủ quyết việc Bulgaria gia nhập khu vực Schengen, và gây áp lực buộc Sofia phải hủy bỏ khoản thuế này.
Châu Âu quyết tâm đẩy mạnh năng lượng gió
Liên minh châu Âu (EU) đã có một bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy năng lượng gió. Gần đây, tại Hội đồng Năng lượng ở Brussels, đa số các nước thành viên, cũng như các đại diện nổi bật của ngành điện gió, đã ký kết Hiến chương gió châu Âu.
Đây là một nội dung nằm trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động vì Năng lượng gió châu Âu, tập trung vào việc điều chỉnh và thúc đốc thực hiện các hành động do Ủy ban châu Âu và các bên ký kết đưa ra nhằm cải thiện và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp điện gió châu Âu.
Có 21 nước thành viên EU đã hưởng ứng lời kêu gọi tham gia Kế hoạch Hành động vì Năng lượng gió châu Âu, bằng cách cam kết triển khai đủ năng lượng gió với công suất cụ thể trong giai đoạn năm 2024-2026. Nhìn chung, những cam kết này thể hiện mong muốn của các quốc gia thành viên trong việc đẩy nhanh và tăng cường triển khai năng lượng gió, cả trong đất liền lẫn ngoài khơi.
Năng lượng tái tạo chiếm hơn 50% cơ cấu nguồn điện của Trung Quốc
Theo số liệu của Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, công suất năng lượng tái tạo lần đầu tiên đã vượt nhiệt điện, chiếm hơn một nửa công suất phát điện lắp đặt của nước này.
Công suất phát điện lắp đặt từ các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện và năng lượng sinh khối, kể từ đầu năm 2023 đến nay đạt tổng cộng 1,45 tỷ kW. Trong khi đó, tổng công suất phát điện lắp đặt ở Trung Quốc trong giai đoạn trên đạt khoảng 2,9 tỷ kW, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong lúc Trung Quốc nỗ lực phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời, công suất phát điện từ hai nguồn này vượt 1 tỷ kW, vẫn chiếm phần lớn công suất phát điện lắp đặt mới. Theo Cục Năng lượng Quốc gia, năng lượng tái tạo đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu điện tại Trung Quốc, trong đó năng lượng gió và mặt trời chiếm trên 15% tổng mức tiêu thụ.
Nhịp đập năng lượng ngày 20/12/2023 |
Nhịp đập năng lượng ngày 21/12/2023 |
H.T (t/h)