Nhiều ngân hàng sẽ đối mặt với khó khăn lớn trong quý II/2020
Trung tâm Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo phân tích đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới các nhóm ngành. Theo đó, 10 ngành được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực gồm ngân hàng, dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không. Chỉ có 4 ngành được đánh giá tích cực là dược phẩm, công nghệ thông tin, điện và nước.
Nhiều ngân hàng sẽ đối mặt với khó khăn lớn trong quý II/2020 |
Như vậy, ngân hàng nằm trong top 10 ngành chịu ảnh hưởng của tiêu cực dịch bệnh. Điều này cũng dễ hiểu bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp không thể đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, số doanh nghiệp phá sản không ngừng tăng. Rủi ro của doanh nghiệp đã kéo theo rủi ro cho các ngân hàng do doanh nghiệp không trả được nợ khiến nợ xấu của các ngân hàng gia tăng.
Theo báo cáo sơ bộ của các ngân hàng tại buổi họp mới đây với Ngân hàng Nhà nước, số khách hàng doanh nghiệp, cá nhân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 khá lớn. Ngân hàng ít cũng có tới vài trăm khách hàng đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ngân hàng nhiều thì số khách hàng có thể lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn. Ước tính tổng dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng từ nghìn tỷ đồng đến hàng chục nghìn tỷ đồng, tùy quy mô của ngân hàng.
Tuy nhiên, đánh giá chung về những tác động của dịch bệnh lên hoạt động ngân hàng, SSI cho rằng, do tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp kể từ tuần thứ hai của tháng 3 nên ước tính tác động của dịch bệnh đối với kết quả kinh doanh của hầu hết các ngân hàng trong quý đầu năm là không lớn. Ngoại trừ một số ngân hàng lựa chọn chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai.
Mới đây, hàng loạt ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2020. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này sụt giảm 11,14% so với cùng kỳ, chỉ đạt 5.222 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ quá hạn tính đến 31/3/2020 tại Vietcombank đã vượt 11.250 tỷ đồng, tăng 2.886 tỷ đồng, tương đương với 34,5% so với cuối năm 2019.
Trong bảng cơ cấu nợ, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) có tốc độ tăng mạnh nhất 2.498 tỷ đồng, lên gần 5.059 tỷ đồng, tức gần 97,6%. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm nhẹ từ gần 4.530 tỷ đồng xuống còn hơn 4.450 tỷ đồng.
Vietcombank cũng đã mạnh tay tăng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đến gần 40% so với thời điểm ngày 31/12/2019, từ hơn 10.416 tỷ đồng lên 14.548 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lợi nhuận trước thuế quý I sụt giảm 7% so với cùng kỳ, đạt 988 tỷ đồng, rời mốc lợi nhuận nghìn tỷ. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận Sacombank trong quý này còn lại 785 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý I của Sacombank giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ, xuống 417 tỷ đồng. Nợ xấu tính đến 31/3/2020 ở mức 6.045 tỷ đồng, tăng hơn 313 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cũng tăng từ 1,94% lên 1,97%.
Trong bảng phân tích chất lượng nợ cho vay, nợ nhóm 2 của Sacombank tăng gần gấp đôi so với đầu năm, từ mức 826 lên 1.501 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng như VPBank, VIB, TPBank… vẫn tăng trưởng tốt. Tăng trưởng lợi nhuận quý I/2020 của VPBank đạt 2 con số nhờ tín dụng tăng tới 6%. Tương tự, lợi nhuận của TPBank, VIB sẽ đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 17-30% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù bức tranh ngân hàng trong quý I/2020 vẫn còn nhiều gam màu sáng nhưng các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, trong quý II/2020, thu nhập lãi, thu nhập từ phí và thu hồi nợ xấu của các ngân hàng sẽ giảm xuống bởi lúc đấy ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh mới được nhìn thấy rõ.
M.T