Nhiều hồ lớn đang cạn kiệt
Hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc (Bà Dương) chỉ còn 25% kích thước thông thường do hạn hán, người dân phải đào rãnh để giữ nước chảy tưới cho cây trồng |
Theo nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế công bố trên Tạp chí Science, khoảng 1/4 dân số thế giới sống trong lưu vực của các hồ nước khô cạn. Nguyên nhân của việc các hồ nước ngày càng thu hẹp chủ yếu do biến đổi khí hậu và con người sử dụng nước thiếu tính bền vững, những thay đổi về lượng mưa, dòng chảy, bồi lắng và nhiệt độ tăng cao khiến mực nước tích trữ của khoảng 53% hồ nước trên toàn cầu suy giảm, tốc độ mất nước lên tới 24 tỉ tấn/năm trong giai đoạn 1992-2020.
Mặc dù các hồ nước chỉ chiếm khoảng 3% diện tích hành tinh, nhưng lại chứa tới 90% nước ngọt, là nguồn cung cấp nước uống, phục vụ thủy lợi, đồng thời là môi trường sống quan trọng cho một số loài động vật và thực vật.
Trên khắp thế giới, các hồ nước lớn đang ngày càng bị thu hẹp. Mực nước của hồ Mead, bang Colorado (Mỹ) ngày càng thấp do một trận siêu hạn hán và hàng thập niên bị sử dụng quá mức.
Biển Caspi là hồ nước lớn nhất thế giới. Sở dĩ Caspi mang tên “biển” vì quá lớn (diện tích tới 371.000km², chiều rộng 435km, độ sâu trung bình 187m) và có độ mặn của muối dù hồ không hề thông với biển. Biển Caspi có nhiều nguồn cung cấp nước, trong đó có dòng chảy dài nhất thế giới là sông Volga. Biển Caspia nằm giữa châu Á và châu Âu bị thu hẹp do biến đổi khí hậu và sử dụng nước quá mức.
Nhà khoa học Fangfang Yao tại Đại học Virginia (Mỹ) - người dẫn đầu nhóm nghiên cứu - cho biết, sự thu hẹp của các hồ nước đã được ghi nhận rõ ràng. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các phép đo vệ tinh của gần 2.000 hồ và hồ chứa lớn nhất thế giới, chiếm 95% tổng lượng nước hồ trên trái đất. Họ phát hiện 53% hồ và hồ chứa đã bị mất một lượng nước đáng kể, mức giảm ròng khoảng 22 tỉ tấn nước mỗi năm.
Giới khoa học từ lâu đã cảnh báo cần ngăn tình trạng ấm lên toàn cầu vượt ngưỡng 1,5 độ C để tránh những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu. Thế giới hiện ấm lên ở mức khoảng 1,1 độ C.
Trữ lượng nước hồ ở nhiều nơi trên thế giới giảm, kể cả vùng nhiệt đới ẩm và Bắc Cực. Việc tiêu thụ nước không bền vững chính là lý do khiến Biển Aral ở Uzbekistan và Biển Salton ở California (Mỹ) bị thu hẹp. Trong khi đó, những thay đổi về dòng chảy đã dẫn đến sự sụt giảm mực nước của hồ Great Salt.
Diện tích các hồ nước lớn này co lại góp phần làm khô cằn lưu vực sông xung quanh, làm tăng sự bốc hơi.
“Khi nhiều nơi trên thế giới trở nên nóng hơn và khô hơn, các hồ phải được quản lý đúng cách. Nếu không, biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người có thể dẫn đến khô hạn sớm hơn chúng ta nghĩ”, Fangfang Yao nói.
Hoàng Long
-
Bão Trami giật cấp 14, di chuyển nhanh về vùng biển Trung Trung Bộ
-
Quảng Ngãi: Tạm dừng tàu thuyền hoạt động từ 26/10 để phòng tránh bão số 6
-
Bão Trami có thể gây mưa đến 700mm, cảnh báo ngập lụt diện rộng
-
Thủ tướng chỉ đạo 11 tỉnh, thành phố và 8 Bộ chủ động ứng phó bão Trami
-
Quảng Nam: Cấm tàu thuyền ra biển hoạt động từ trưa 25/10