Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nhạc sĩ Dương Thụ: Đang có một khoảng trống văn hóa đương đại

19:00 | 13/11/2012

1,176 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đến với âm nhạc muộn, nhưng dường như những gì nhạc sĩ Dương Thụ có được ngày hôm nay đã chạm đến trái tim của nhiều người. Một đêm nhạc đầu tiên cho riêng mình ở tuổi 70, nhạc sĩ Dương Thụ nói, ông muốn có một không gian của âm nhạc đương đại, nơi những nghệ sĩ tìm thấy đời sống của chính mình. Ông đã trò chuyện với Báo Năng lượng Mới về những trăn trở của mình.

Tôi không quảng cáo thương hiệu

PV: Rất nhiều người cho rằng, tuổi 70 nhạc sĩ mới làm liveshow, đó là điều đáng tiếc. Nhưng qua những chia sẻ của nhạc sĩ, tôi lại nghĩ rằng, không phải tự nhiên mà nhạc sĩ làm chương trình này. Phải chăng nhạc sĩ đang muốn làm một điều gì khác lớn hơn?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Gần 50 tuổi, người nghe mới biết đến, 70 tuổi mới làm liveshow cho riêng mình, với tôi được thế cũng may mắn lắm rồi. Trước khi cô Lệ Quyên (một diva thời đó) hát bài “Ru em bằng tiếng sóng” (1987) tôi không thể hình dung ra việc mình sẽ có người nghe như ngày hôm nay. Khi tôi viết nhạc cũng giống như viết nhật ký cá nhân, tự nhiên chứ không bị thôi thúc bởi việc muốn có người nghe, muốn có tên tuổi trong làng nhạc, tuyệt đối không. Giờ cũng thế, chỉ có khác là khi họ biết tôi có một kho bài không dùng, một số ca sĩ, bắt đầu từ Lệ Quyên đã xin được hát. Chuyện này không dính gì đến lúc viết cả. Tôi bằng lòng, ca sĩ hát và họ làm đúng theo luật tác quyền là trả tiền tác giả đàng hoàng.

Liveshow này được làm không có mục đích “quảng bá thương hiệu”, vì việc ấy thuộc những người kinh doanh nhạc của tôi.

Nhạc sĩ Dương Thụ

PV: Âm nhạc thời nào thì có công chúng thời đó mà thật buồn vì đến giờ, những tác phẩm nhạc xưa vẫn chiếm số đông trên nhiều sân khấu ca nhạc. Vậy theo ông, phải làm gì để cải thiện được tình hình này?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Chúng ta sẽ có một khoảng trống về văn hóa đương đại nếu nó không được nhìn nhận, nếu người ta chỉ quay về những giá trị cũ.

Chỉ riêng trong lĩnh vực nhạc nhẹ, người mà tôi gọi là trẻ nay đều đã bước qua tuổi 40. Họ đã hoạt động âm nhạc từ khi còn ở độ tuổi mà anh Nguyễn Huy Thiệp gọi là “Tuổi 20 yêu dấu”. Họ đã là một thế hệ âm nhạc mới, có dấu ấn đàng hoàng. 20 năm là khoảng thời gian khá dài, đủ để hình thành sự nghiệp cho mỗi cá nhân và thành tựu cho cả một thế hệ. Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn, Võ Thiện Thanh, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Lưu Hà An, Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Duy Hùng v.v... lần lượt tiếp nối nhau. Và thế hệ này cũng tiếp nối những người đi trước: Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Thanh Tùng, Bảo Chấn... Nhưng với cách thức quảng bá trong đời sống âm nhạc hiện nay do sự chi phối của thương mại nó đã bị lu mờ trước làn sóng âm nhạc thị trường, nhạc xưa do các ông bầu kinh doanh khởi xướng. Làm gì để cải thiện tình hình này là một câu hỏi rất lớn, tôi không phải là người có thể trả lời.

PV: Đêm nhạc sắp tới của nhạc sĩ sẽ truyền tải điều gì, thông điệp gì mà ông muốn gửi gắm cho người trong giới nói riêng và công chúng nói chung?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Bạn đừng hỏi to tát như thế làm tôi rất khó trả lời. Tôi chẳng có thông điệp gì ghê gớm đâu, chỉ là muốn mời mọi người đến để chia sẻ cùng tôi cái những cảm xúc của một người sống tuy hơi khô khan, không được lãng mạn như nhiều nhạc sĩ khác nhưng bù lại có một tấm lòng chân thật, luôn tin vào con người và rất yêu cái thế giới quanh mình: đồ vật, cây cỏ, chim muông, trời xanh, biển rộng...

Tôi đang chứng kiến thời kỳ văn hóa xuống dốc không phanh

PV: Thực tế cho thấy, nhạc sĩ có con mắt xanh trong việc phát hiện cũng như vun đắp những tài năng âm nhạc. Nhờ đâu mà ông làm được điều này?

“Ưu điểm lớn nhất của Dương Thụ, theo tôi, là anh có cái nhìn trẻ thơ trong sự vật. Anh mở mắt to tròn nhìn chim họa mi trong khi kẻ khác ở thế hệ anh giương mắt nhìn đại bàng hay nhìn quạ”.

Lê Hoàng

Nhạc sĩ Dương Thụ: Tôi cũng không biết nữa. Tôi thường thiên vị với những người có tài và nhạy cảm với những gì mà họ thể hiện khi tiếp xúc.  Chúng ta phải yêu quý họ thật lòng và tận tụy với họ nếu họ cần đến mình. Với họ tôi nghĩ không chỉ có âm nhạc, mà cần phải có văn hóa nền thật tốt và nhân cách của một người làm nghệ thuật.

PVVới ca sĩ trẻ, ông thường dạy họ điều gì?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Tôi không dám dạy bất cứ một ai, nhưng có thể chia sẻ với họ những quan niệm về làm nghệ thuật, về lẽ sống và thái độ sống cùng sự nghiêm túc trong nghề nghiệp. Thông qua việc dàn dựng tác phẩm, họ và tôi tìm được sự đồng cảm.

PV: Có vẻ như ông rất hiểu lớp trẻ và đồng hành với họ qua khá nhiều chặng đường. Ông nhìn nhận thế nào về thế hệ ca sĩ trẻ bây giờ?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Thế hệ gọi là trẻ trước kia như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh đã không còn trẻ nữa. Một số đã qua tuổi 40. Còn 8X thì khá đông nhưng ít tên tuổi vượt lên. Trong số này có thể kể đến Tùng Dương, Nguyên Thảo. Số còn lại thì phải có thêm thời gian. Nhưng nói chung họ đã tạo ra được thời đại riêng của mình, với một thứ âm nhạc khác, một sự cảm thụ khác. Chúng ta không thể so sánh các thệ với nhau, mỗi thế hệ có tác phẩm và tác giả của mình. Thế hệ trẻ hiện nay đang lưu giữ trong giọng hát của mình cái thời đại mình đang sống, những vui buồn và cả những điều mà chúng ta chưa hài lòng.

PV: Có vẻ như ông là người kỹ tính, khắt khe trong công việc nhưng lại là người khá ưu ái lớp trẻ và luôn tạo điều kiện cho họ?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Làm nghệ thuật nghiêm túc thì ai cũng như thế thôi. Lớp trẻ nhiều người hay lắm, nhưng hơi nhanh quá, đôi khi khiến chúng ta thất vọng. Nếu thật sự yêu họ, phải kiên nhẫn và có con mắt xanh và phải cố gắng để hiểu họ, vì họ sinh ra trong một thời đại khác. Giới trẻ là tương lai của âm nhạc Việt Nam. Nếu không ưu ái và tạo điều kiện cho họ thì còn cho ai nữa.

PV: Không nhiều trong số các tác phẩm của ông được số đông công chúng yêu thích? Ông có thấy mình đang thiếu điều gì trong các tác phẩm ấy?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Tôi không thể làm những gì tôi không có. Tôi sống và viết một cách tự nhiên, viết là để đi tìm người tri kỷ thôi. Ít mà hiểu nhau thì có ích hơn. Nước ta có hàng triệu người yêu nhạc và họ có những sở thích khác nhau. Để cho có công chúng đông đảo thì phải tài năng lắm. Nhiều nhạc sĩ đàn anh, những người cùng thế hệ và một số nhạc sĩ trẻ đã làm được điều này. Tôi biết. Tôi không thuộc trong số họ, nhưng làm sao được bây giờ.

PV: Trong những năm gần đây, khi nhạc thị trường lũng đoạn, công chúng vẫn thấy nhạc sĩ Dương Thụ cặm cụi thực hiện những chương trình âm nhạc tử tế. Chẳng hạn series chương trình “Điều còn mãi”, tham gia tìm kiếm những tài năng âm nhạc trong các cuộc thi. Được biết, ông còn đang ấp ủ nhiều dự định cho công chúng yêu nhạc trong tương lai. Ông làm tất cả những điều đó với mong muốn và tâm thế nào?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Tôi đang chứng kiến một thời kỳ văn hóa xuống dốc không phanh và đã lao đến chân dốc, không còn chỗ để mà xuống nữa. Không còn chỗ để mà xuống thì phải leo lên, bởi chẳng lẽ cứ ở mãi dưới đó (ta muốn đi mà, chứ ta đâu muốn dừng). Tôi nằm trong đám người leo lên. Mà leo dốc thì vất vả lắm. Vất vả nhưng mà đi tiếp được nên có niềm vui của một người vượt khó. Tôi nhớ năm 1994, khi ra Hà Nội, ngồi trà lá thuốc lào ở đầu cầu Long Biên bên phía Gia Lâm, thấy một bác xe thồ, thồ hàng rất nặng, đang gồng mình đẩy xe ngược dốc mà miệng vẫn hát “hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi”. Tôi không nhìn thấy ở đấy sự nhọc nhằn, tôi chỉ nhìn thấy ở đấy sức mạnh, cái sức mạnh không dễ gì có được trong lúc bình thường.

Với tôi, cuộc sống là một phép cộng

PV: Nhiều người trong giới thường nói, nhạc sĩ Dương Thụ ngoài gia tài là những ca khúc được bạn đọc yêu mến, còn có một “gia tài” vô giá nữa là những người bạn, học trò... trong giới âm nhạc mà bất cứ ai cũng thèm muốn.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Bạn lại nói quá rồi. Không phải là bất cứ ai đâu. Dĩ nhiên tôi rất hạnh phúc với “gia đình âm nhạc” của mình, với bạn bè, với những ai hiểu và thích nghe nhạc Dương Thụ. Với họ tôi còn có nhiều điều đáng trách, nhưng họ thấy tôi già rồi nên cũng tha thứ. Sống phải biết chịu ơn, biết tạ lỗi. Chúng ta chẳng thể sống mà không cần ai vì xét cho cùng mình đâu có phải là người hoàn hảo.

PV: 50 tuổi mới được khán giả biết đến những ca khúc đầu tiên. Thế nhưng con đường âm nhạc của ông từ đó không còn thêm gập ghềnh nào khác. 20 năm “lộ diện” trước công chúng, ông thấy mình được nhiều hơn hay mất nhiều hơn thời ở “trong bóng tối” trước đây?

Nhạc sĩ Dương Thụ:  Đối với tôi, cuộc sống là một phép cộng. Mất cũng là được. Dù ở trong bóng tối hay được nhiều người biết đến, cơ bản tôi vẫn thế. Tất nhiên cũng có những sự khác biệt nhưng chỉ là chuyện “nén” và “bung” của một chiếc lò so. “Nén” hay “bung” thì vẫn chỉ là chiếc lò so ấy. Mấy chục năm nay vẫn là “dân trà lá thuốc lào”, tuy đôi lúc được người ta mời ở khách sạn năm sao, ăn ở những nhà hàng sang trọng. Vẫn còn giữ thói quen của người nghèo, vẫn còn “quê một cục” dù đời sống đã khá rồi, nhà cửa, xe cộ đàng hoàng, ăn mặc đã tươm tất. Tôi vẫn chưa quen việc sinh hoạt trong giới những người nổi tiếng, thường “lủi” mỗi khi có cơ hội. Quả thực đời sống dân dã, bạn bè tri kỷ vẫn thích hợp hơn.

PV: Ông từng là thầy giáo rồi làm nhạc sĩ. Mỗi chặng đường sống ấy đã mang đến cho ông những trải nghiệm gì? Ông thấy mình được là mình nhất ở cương vị nào?

“Nhạc của tôi có chút gần với cổ điển, một chút gần với dân gian và một chút gần với nhạc nhẹ. Vì thế, giới trẻ có thể thích, nông dân cũng nghe và những người có học vẫn thưởng thức. Tôi có một chút trong 3 thứ đó nhưng không phải là cả 3. Tôi gọi nó là kiềng 3 chân để tạo nên một Dương Thụ”.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Tôi vào Trường đại học Sư phạm vì lúc ấy tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi rất say mê âm nhạc nhưng không đánh giá đúng được khả năng của mình. Học piano với chị Thái Thị Sâm (chị dâu họ tôi) ở trường âm nhạc dân lập của cụ Lưu Quang Duyệt cũng chỉ để thỏa mãn sự say mê đó thôi. Năm 19664, gặp được anh Nguyễn Xinh (cố Viện trưởng Viện Âm nhạc) lúc ấy là giảng viên âm nhạc, anh ấy giúp tôi hiểu ra điều mình không dám nghĩ đến: Con đường đúng nhất của tôi là sáng tác âm nhạc và tôi phải vào trường nhạc. Vừa học năm cuối Đại học Sư phạm, vừa học thầy Nguyễn Xinh để chuẩn bị thi và tôi đã đỗ đầu khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam, đồng thời đỗ tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Sư phạm. Vì lý do tổ chức, tôi không được phép chuyển sang học nhạc mà vẫn phải đi dạy để trả nợ công đào tạo của Nhà nước (tổ chức nói thời hạn ít nhất là 5 năm). 7 năm sau (1972) tôi mới quay trở lại, thi vào khoa sáng tác đại học và vẫn đỗ đầu.

Mặc dù làm thầy giáo không phải là một sự lựa chọn tự nguyện, nhưng khi đã bước vào con đường này, tôi vẫn rất tận tâm.

Vừa dạy học, vừa tự học thêm âm nhạc, vừa sáng tác. Tôi nghĩ rằng mình vẫn đang đi trên con đường mà anh Nguyễn Xinh đã chỉ ra. Những năm tháng đi dạy học ở Tuyên Quang thật trong sáng. Nghề dạy học giúp tôi hiểu con người hơn và giữ cho mình sự nghiêm túc trong cách sống và công việc. Tuyên Quang, nơi tôi dạy học thật tuyệt vời. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đó cũng thật tuyệt vời. Tôi yêu họ và nghĩ rằng mình có cái gì đó rất giống họ. Còn với âm nhạc và chỉ có âm nhạc, tôi mới được sống hết với nội tâm của mình, mới là chính mình.

PVĐược biết ông rất thích làm vườn và ông có trang trại riêng để thỏa mãn sở thích ấy ngoài âm nhạc. Thời của thế hệ những người như ông chưa từng sống nhanh để cần chậm lại. Nhưng ông tìm thấy gì trong những phút thư thái ấy và với ông, điều quan trọng nhất của cuộc sống là gì?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Sống chậm không có nghĩa là sống chậm chạp. Sống chậm là một triết lý, nếu hiểu nó thì tuyệt vời đấy. Tôi vẫn bị nhanh quá, nên có nhiều cái trong nhận thức và hành động còn chưa thật chắc chắn và thực tình cũng chưa được thư thái đâu. Câu chào trong trong điện thoại di động của tôi vẫn là “một ngày thong thả” mà.

Chúng ta “đầu tắt mặt tối” mà hiệu quả trong cuộc sống chẳng có là bao. Làm cái gì cũng vội vã, không đến nơi đến chốn mà vẫn nghĩ rằng, “mình đi tắt đón đầu”, đó thật sự là một bi kịch. Chắc tôi cũng không nằm ngoài bi kịch đó.

Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là phải biết mình là ai. Biết mình là ai sẽ có lựa chọn đúng, mới có thể hoàn thiện mình được. Sự hoàn thiện của mỗi cá nhân sẽ mang lại những giá trị không chỉ cho bản thân mình mà còn cả cho xã hội và cộng đồng mình sống.

Tôi muốn được sống tử tế và làm nốt những gì mình có thể về âm nhạc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

Dương Thụ (sinh ngày 10/2/1943) là một nhạc sĩ nhạc nhẹ và nhạc trữ tình đã đi vào đời sống âm nhạc đương đại với những tình khúc êm ái, nhẹ nhàng, tình tứ. Những sáng tác của Dương Thụ khúc chiết, trữ tình, có phong cách riêng độc đáo nhưng vẫn mang hơi thở của âm nhạc hiện đại, phảng phất âm hưởng dân tộc và trở nên quen thuộc với khán giả Việt Nam trong những năm 90 của thế kỷ trước trở lại đây. Ông còn có các bút danh Trần Xuân Nam, Vân Đình, Ái Nhạc. Những sáng tác tiêu biểu như: “Mặt trời êm dịu”, “Bài hát ru cho anh”, “Tiếng sóng”, “Tháng tư về”, “Vẫn hát lời tình yêu”, “Cho em một ngày”, “Hơi thở mùa xuân”, “Họa mi hót trong mưa”, “Nghe mưa”, “Gọi anh”...

Hàng loạt ca khúc của ông được phát trên sóng phát thanh truyền hình, xuất hiện trong nhiều chương trình, băng đĩa, được rất nhiều ca sĩ thể hiện như Lệ Quyên, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Bằng Kiều… Theo ông chia sẻ: Hồng Nhung là ca sĩ thể hiện thành công nhất các sáng tác của mình (album “Bài hát ru cho anh”, “Khu vườn yên tĩnh”), sau đó là Mỹ Linh. Nhiều ca sĩ trẻ được ông kỳ vọng như Khánh Linh, Nguyên Thảo... Chương trình Con đường âm nhạc số 2 mang tên “Im lặng” đã được tổ chức để vinh danh ông. Ông còn ưa thích đề tài cà phê - bóng đá với nhiều nhận định tinh tế về môn thể thao vua này.


Thái Linh (thực hiện)