Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nguy hiểm bệnh giun lươn

08:50 | 01/10/2018

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một bệnh nhân 50 tuổi ở Hà Nội vừa được các bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương xác định bị bệnh giun lươn với các triệu chứng mờ mắt, có nhiều nốt sần ngoằn ngoèo dưới da và bị ngứa.
nguy hiem benh giun luonNhiễm ký sinh trùng do ăn ốc sên sống
nguy hiem benh giun luonNgười… rắn

Khai thác tiền sử bệnh, bệnh nhân cho biết sang Lào ở với con một thời gian và thường ra vườn trồng cây, chăm hoa... Với kinh nghiệm đã điều trị cho nhiều bệnh nhân nên các bác sĩ ở đây chẩn đoán bệnh nhân mắc giun. Để điều trị, các bác sĩ đã kê đơn thuốc diệt giun với liệu trình 2 tuần.

Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, may là bệnh nhân được phát hiện và điều trị kịp thời, nếu không có thể bị siêu nhiễm, nhiễm trùng máu nặng và sẽ tái đi tái lại.

nguy hiem benh giun luon
Giun lươn bò dưới da

BS. Nguyễn Trung Cấp cho biết thêm: Giun lươn lưu hành khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 35 triệu ca mắc.

Tại châu Á, giun lươn có khắp các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Malaysia… Riêng ở Việt Nam, tỷ lệ người có từng nhiễm giun lươn lên đến 29,1%. Trong đó, Tây Nguyên có tỷ lệ cao nhất lên tới 42,4%.

Giun lươn nguy hiểm hơn tất cả loại giun sán khác như giun đũa, giun móc, sán chó… “Khi những bệnh nhân bị giun lươn vì lý do gì đó bị suy giảm miễn dịch, thì sẽ khởi phát siêu nhiễm, dẫn đến tình trạng rất nặng với các biểu hiện viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu do các vi khuẩn đường ruột, nhiễm ấu trùng giun lươn lan tỏa ở nhiều vị trí như màng não, màng tim, mắt… và tỷ lệ tử vong ở nhóm này có thể lên tới 40%”, BS Nguyễn Trung Cấp lưu ý.

Thế nhưng việc phát hiện để điều trị bệnh giun lươn lại không dễ dàng, vì hầu hết các ca nhiễm mạn thường không có triệu chứng, hoặc đôi khi chỉ bị mẩn ngứa, hay có các nốt giun di chuyển ngoằn ngoèo dưới da; hoặc ậm ạch khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ. Hơn nữa, hiếm khi tìm được giun trưởng thành và trứng giun trong phân, mà chẩn đoán phải dựa trên nhận dạng ấu trùng trong các mẫu bệnh phẩm bằng kính hiển vi.

Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giun lươn chỉ xác định bệnh nhân từng nhiễm giun lươn. Do người bị nhiễm sẽ mang giun lươn trong nhiều năm, nên nếu họ chưa dùng thuốc diệt giun thì huyết thanh (+) xác định họ đang mang giun lươn. Tuy nhiên vẫn có tỷ lệ dương tính giả vì xét nghiệm này dương tính chéo với filariasis và một số ký sinh trùng khác.

Theo các chuyên gia, đa số dấu hiệu của bệnh nhân nhiễm giun lươn đều hướng đến bệnh khác, khiến các thầy thuốc dễ nhầm lẫn, dẫn đến chẩn đoán và điều trị không đúng. Có tới 80% bệnh nhân nhiễm giun lươn tử vong chủ yếu là do chữa nhầm đã được ghi nhận trong y văn thế giới.

Giải thích thêm về căn bệnh này, BS. Nguyễn Trung Cấp cho biết, giun lươn nhiễm vào người chủ yếu qua da chân. Khi nhiễm rồi thì bị tự nhiễm, nên giun sẽ tồn tại nhiều thế hệ trong người nhiều năm. Nếu đi chân trần vào vùng đất có giun lươn, sẽ dễ bị nhiễm qua da, tạo các nốt di bệnh ngoằn ngoèo, vào máu đi lên phổi, xuyên qua phế nang theo đờm lên họng, bị nuốt xuống ruột phát triển thành giun trưởng thành ký sinh trong ruột.

Tại ruột chúng đẻ trứng nở thành ấu trùng rhabditiform thải theo phân gây ô nhiễm đất. Một số ấu trùng lại tái xâm nhập qua da gần hậu môn vào máu, tiếp tục tạo ra lứa giun mới. Vì thế người bị nhiễm giun lươn thường mạn tính vài chục năm.

Theo Viện sốt rét và Ký sinh trùng TP.HCM, bệnh giun lươn nguy hiểm và nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời giun lươn sẽ di chuyển đến các cơ quan, phủ tạng gây bệnh. Giun lươn phát triển trong lòng ruột sau đó xuyên qua thành ruột, theo máu đi thẳng lên hệ thống thần kinh trung ương gây viêm não, màng não, áp-xe não và xuất huyết não… Đây là một trong những tổn thương nặng nề, nguy hiểm và có thể gây tử vong;

Để tránh những biến chứng nguy hiểm và phòng chống bệnh do giun lươn gây ra, Bộ Y tế khuyến người những thường hay tiếp xúc với đất nên mang găng tay, đi giày dép, đi ủng... Nên chủ động khám, xét nghiệm định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần.

Nguyễn Anh