Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu rau quả sang EU
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Petrotimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
PV: Thưa ông, vì sao EU cấm nhập một số sản phẩm rau quả của Việt Nam?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: Hiện nay, cả phía EU và Đại sứ quán Việt Nam tại EU còn kiến nghị nên tạm dừng xuất khẩu rau quả vào thị trường này một thời gian để chấn chỉnh việc kiểm tra chất lượng. Do phát hiện nhiều lô hàng rau quả Việt Nam vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật nên DC SANCO của EC đã thông báo, kể từ ngày 15/1/2012, nếu các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đưa rau quả có nhiễm 4 loại dịch hại bị cấm bao gồm: bọ trĩ, bọ phấn, ruồi đục lá đục quả và vi khuẩn xanthomonas campestris gây bệnh sẹo cam quýt, bưởi thì chỉ cần 5 lượt lô hàng vi phạm, DC SANCO sẽ xem xét, có thể không cho hàng rau quả Việt Nam xuất sang EU nữa.
Hiện nay, đã có 3 thông báo về 3 lô hàng từ Việt Nam tiếp tục vi phạm, tức là chỉ còn 2 lô hàng không tuân thủ nữa thì hàng rau quả từ Việt Nam có thể sẽ bị cấm nhập vào EU.
PV: Vậy Cục Bảo vệ thực vật đã có những biện pháp gì để khắc phục và cứu vãn tình thế này?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: Với điều kiện mà EU đưa ra nghiêm ngặt như trên, khả năng bị cấm xuất khẩu của rau quả Việt Nam là rất cao. Để tránh nguy cơ xấu xảy ra, Cục BVTV đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp siết chặt hàng rào kỹ thuật. Khi phát hiện rau quả nhiễm các dịch hại hay vi khuẩn, Cục BVTV sẽ không cấp chứng thư xuất khẩu cho doanh nghiệp. Tất cả các lô hàng rau quả sau khi kiểm tra xong, trước khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho xuất sang EU, đều phải xin ý kiến của lãnh đạo Cục BVTV.
Hiện nay Cục đã thành lập ngay một đoàn thanh tra để xác định ngay nguyên nhân ở khâu nào.
PV: Được biết, Cục đã công bố ngừng xuất 15 mặt hàng rau quả sang EU, liệu chúng ta có thể sẽ mất thị trường?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: Chúng tôi xin nói rõ, Cục không công bố 15 mặt hàng rau quả ngừng kiểm dịch xuất khẩu sang EU. Mà 15 mặt hàng rau quả đó do EU đưa ra, thông báo cho ta là những mặt hàng này có nguy cơ nhiễm các dịch hại hay vi khuẩn rất cao, cần đặc biệt quan tâm.
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo không cần thiết phải ngừng, mà phải dùng hàng rào kỹ thuật, để soi kỹ hơn trước khi xuất khẩu. Đồng thời, chúng tôi cũng đang dự thảo nhanh một thông tư về các điều kiện, xuất khẩu rau quả sang EU.
PV: Như vậy, hàng đảm bảo tiêu chuẩn kiểm dịch vẫn được xuất đi?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: Đúng thế. Còn nếu nhiễm, sẽ không cấp vì xuất sang bên EU cũng bị trả về, vừa tốn kém cho doanh ngiệp, vừa mất uy tín của Việt Nam. Tuy nhiên, với những yêu cầu của EU như hiện nay, sẽ rất khó khăn cho nước ta xuất khẩu sang thị trường này.
PV: Vụ việc này, theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần rút ra những bài học gì?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: Hiện trong số 63 doanh nghiệp xuất khẩu rau quả sang Hà Lan đã có 50 doanh nghiệp không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật… Cho nên từ nay chúng ta phải có vùng sản xuất an toàn dịch bệnh và theo quy trình GAP để hàng hóa nông sản không bị nhiễm các dịch bệnh, đồng thời bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mà các nước yêu cầu. Mỗi nước đều có những hàng rào kỹ thuật riêng. Việc EU đặt ra tiêu chuẩn đối với rau quả nhập khẩu không có gì lạ. Nước ta cũng yêu cầu kiểm tra chất lượng hàng hóa của các nước khi xuất sang Việt Nam.
Năm 2011, Việt Nam đã tái xuất 40.000 tấn hàng hóa của Ấn Độ cũng vì bị nhiễm dịch hại. Các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn toàn tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng cách cung cấp thông tin hướng dẫn quy định của các nước, thế nhưng các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý thực hiện quy định đó. Nếu không chính doanh nghiệp sẽ bị tổn thất nặng khi bị phát hiện các đối tượng dịch hại, không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng hóa sẽ bị trả lại, làm mất uy tín của hàng hóa nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Một điều nữa mà chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp phải luôn phải lưu tâm là với điều kiện mà EU đưa ra nghiêm ngặt như trên, cho nên chúng ta phải làm lô nào chắc lô đó để đảm đảm bảo uy tín cũng như “giữ chân” thị trường khó tính nhưng rất tiềm năng này.
Các mặt hàng có nguy cơ cao phía EU cảnh báo: Cần tây, ngò gai, cà tím, cà pháo, rau răm, khổ qua (mướp đắng), mận (roi), ổi, cam, chanh, xoài, mãng cầu; các loại rau như lá lốt, lá mơ, ngò, kinh giới, húng lìu, gấc, chè tươi, ngải cứu, lá lốt, xương sông, quả họ mận và dâu tây. |
Linh Nguyễn (Thực hiện)