Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Người Việt… lùn

07:00 | 12/09/2014

Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù được đánh giá chiều cao đã cải thiện so với cách đây… 35 năm, nhưng so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chiều cao của thanh niên Việt Nam vẫn thấp hơn 10-13cm, tức chỉ đạt 153cm đối với nữ và 163,7cm đối với nam. Đây quả thực là vấn đề đáng lo ngại, bởi trong bối cảnh đất nước phát triển sẽ cần nguồn nhân lực có chất lượng không chỉ về tay nghề mà còn về cả chiều cao tầm vóc.

Năng lượng Mới số 355

Chưa “chuẩn”!

Nếu theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2010 của Viện Dinh dưỡng thì chiều cao của người Việt đã tăng lên 1,4-4cm, tùy theo từng lứa tuổi và giới tính so với 35 năm trước đây. Đó là tín hiệu vui nhưng chưa thể “sánh vai” với 5 châu, đặc biệt là những nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Do những quốc gia này đã cải thiện đáng kể tầm vóc của họ, nhất là Nhật Bản, từ một quốc gia vẫn được mệnh danh là “Nhật lùn” ở những năm 50 của thế kỷ trước, giờ họ đã “bứt phá” nâng chiều cao trung bình của người dân lên 10cm trong 40 năm, đạt mức trung bình 172cm đối với nam và 157 đối với nữ.

Người Việt… lùn

Nhiều trẻ em ở các huyện nghèo thiếu sữa để uống

Theo phân tích của Bộ Y tế, nhóm tuổi có thể dễ thấy thấp hơn “chuẩn” của WHO chính là 6-12 tháng tuổi và 6-11 tuổi. Và nguyên nhân của việc chiều cao chưa được cải thiện này là do khẩu phần ăn của trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi mới chỉ đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng, 49% nhu cầu canxi, 35% nhu cầu về vitamin A có giá trị sinh học cao, i-ốt. PGS.TS Lê Thị Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng nhận định: “Với chế độ ăn thiếu số lượng, kém chất lượng như vậy đã dẫn tới 29% trẻ thiếu máu, 51% thiếu kẽm, 14% thiếu vitamin A và có tới 26% trẻ suy dinh dưỡng thấp còi như năm 2013. Cùng với đó, thiếu khu vực vui chơi trong nhà trường, nhiễm giun đường ruột đã ảnh hưởng tới chiều cao, cân nặng và khả năng học tập của trẻ”.

Chi tiết hơn thì TS Lê Danh Tuyên, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã phân tích, từ năm 1985 đến nay, mức năng lượng khẩu phần ăn của người Việt không thay đổi đáng kể nhưng cơ cấu sinh năng lượng lại thay đổi. Cách đây 10 năm, protein chỉ chiếm 11% năng lượng thì nay đã tăng lên mức hơn 15%. Đặc biệt, lượng lipit đã tăng lên gấp đôi, khi trung bình một người mỗi năm ăn khoảng 30,2kg thịt. Điều này cho thấy, người Việt ăn ngày càng nhiều chất đạm, hơn hẳn Hàn Quốc chỉ ăn khoảng 26,6kg thịt. Trong khi đó, rau xanh, hoa quả mỗi người chỉ ăn 160g, chỉ bằng 50% so với khuyến cáo của ngành y tế. Mà không phải khi trưởng thành mà từ khi lọt lòng, nhiều trẻ em Việt Nam đã được nuôi dưỡng theo “công thức” mất cân bằng ấy. Trong khi các nhà khoa học đã tính 5 năm đầu đời là khoảng thời gian nuôi dưỡng nền tảng, quyết định hình thể và thể chất trong tương lai của các em.

PGS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đồng quan điểm: “Hiện nay, khẩu phần ăn của trẻ em Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng về năng lượng, mặc dù các em được nhồi nhét ăn rất nhiều. Tính ra, chế độ ăn uống của các em mới chỉ đạt 30-50% so với nhu cầu thực hằng ngày. Vì vậy đây chính là nguyên nhân khiến cho người Việt không khỏe, đồng thời làm cho tốc độ phát triển về chiều cao chậm hơn so với các quốc gia láng giềng khác. Chẳng hạn, như Thái Lan hay Trung Quốc, cứ 10 năm, chiều cao trung bình của người dân tăng 2cm mà nước ta chỉ khoảng 1cm”.

Lứa tuổi vàng

Vậy phải làm thế nào để chiều cao của người Việt đuổi kịp chiều cao trên thế giới?

Tại “Lễ Khởi động chương trình Chung tay vì tầm vóc người Việt” diễn ra tối 4-9 tại Hà Nội, điều này đã thực sự trở thành vấn đề được quan tâm khi đặt thành mục tiêu chiến lược trong Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt giai đoạn 2011-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28-4-2011 với nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, trong đó một trong những giải pháp được đánh giá quan trọng nhất đồng thời là tiền đề để cải thiện đáng kể tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi là chương trình “Sữa học đường”. Bởi qua nhiều kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… sau 5-7 năm thực hiện chương trình, chiều cao của thanh niên Thái Lan tăng 7cm, Trung Quốc tăng 2cm.

Ngay tại Việt Nam, cũng đã có kết quả về chương trình này khi một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng thực hiện tại Nghĩa Đàn, Nghệ An ở 3.600 trẻ mầm non và tiểu học, cứ uống 180ml sữa tươi sạch 5 ngày/tuần (1 hộp/ngày) và liên tục trong 9 tháng thì tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm 3%, suy dinh dưỡng thấp còi giảm khoảng 1,5%, tình trạng thiếu vi chất giảm rõ rệt. Trên cơ sở đó cùng với căn cứ khoa học: Sự phát triển về trí tuệ và khả năng học tập của một con người được hình thành, phát triển hơn 50% ở những năm đầu đời, khoảng 30% tiếp theo được phát triển cho đến khi trẻ 8  tuổi, sau đó trí tuệ con người sẽ tiếp tục phát triển trong quá trình học tập và làm việc trong những năm kế tiếp; về thể lực khoảng 54% chiều cao tối đa của trẻ đã đạt được khi tròn 3 tuổi, 32% chiều cao tối đa vào tuổi 12 và 14% còn lại vào tuổi 18 thì lứa tuổi được coi là “vàng” để thực hiện chương trình sữa học đường và chăm sóc nhằm tăng chiều cao là 0-12 tuổi.

Thực ra ở lứa tuổi ấy, đối với trẻ thành thị được chăm sóc tốt hơn với lượng sữa cung cấp đầy đủ hơn. Bởi theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, trong tổng số 12 triệu trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, có khoảng 600 nghìn em ở các huyện nghèo thiếu và không được uống sữa. Vì vậy, cần 400 triệu lít sữa cho trẻ em cả nước, trong đó 21 triệu lít sữa sẽ dành cho trẻ em nghèo. Tuy nhiên 21 triệu lít sữa này phải được hỗ trợ từ các ban, ngành, doanh nghiệp, nếu không sẽ là thiệt thòi đối với các em ở nông thôn, vùng sâu xa. Và để khởi động cho  cho chương trình đầy ý nghĩa này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trao cho đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo tại Lễ “Khởi động chương trình Chung tay vì tầm vóc Việt” 1 triệu ly sữa tươi sạch nhằm chuyển tới trẻ em ở vùng biển đảo, các huyện nghèo…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng phân tích: “Tất nhiên chiều cao, cân nặng của trẻ không chỉ phụ thuộc vào sữa mà còn là dinh dưỡng của bà mẹ khi mang thai, chế độ dinh dưỡng của trẻ… Nhưng chương trình “Sữa học đường” là chương trình tích cực có khả thi nhất”.

Còn GS.TS Dương Nghiệp Chí, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục Thể thao, đồng thời là tác giả của “Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030” nhận định: Không những để chiều cao mà cả về thể lực, sức bền bỉ của người Việt phát triển hơn nữa, nhất thiết phải kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học với thể dục thể thao, như người Nhật đã từng thực hiện để cải thiện chiều cao, sức khỏe của mình. Ông ví von đây là “hai bánh xe” để nâng cao hình thể và thể trạng của người Việt.

Đúng như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tại buổi lễ: “Chiều cao, sức vóc không nhất thiết tỷ lệ thuận với sự thành đạt, cống hiến của một con người cũng như thế lực, tầm vóc của một dân tộc. Nhưng với mỗi người có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, có chế độ rèn luyện khoa học, được sống trong môi trường lành mạnh, trong sạch thì chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn về thể lực, trí lực, tinh thần, có điều kiện thành công hơn trong lập thân, lập nghiệp, phụng sự quê hương đất nước… Bởi vậy: Hãy chung tay để con cháu chúng ta lớn khôn”. Và sự chung tay thiết thực đầu tiên là hãy hỗ trợ cho trẻ em nghèo được uống sữa.

Theo đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc con người Việt Nam:

Đối với nam 18 tuổi: Năm 2020 chiều cao trung bình 167cm; năm 2030 chiều cao trung bình 168,5cm.

Đối với nữ 18 tuổi: Năm 2020 chiều cao trung bình 156cm; năm 2030 chiều cao trung bình 157,5cm.

Thể lực:

- Đối với nam: 18 tuổi, chạy tùy sức 5 phút phải đạt quãng đường trung bình 1.050m vào năm 2020 và 1.150m vào năm 2030; Lực bóp tay thuận đạt trung bình 45kg năm 2020 và 48kg năm 2030.

- Đối với nữ: 18 tuổi: chạy tùy sức 5 phút phải đạt quãng đường 850m vào năm 2020 và 1.000m vào năm 2030; Lực bóp tay thuận đạt trung bình 30kg năm 2020 và 34kg năm 2030.

Nguyễn Bách