Người tiêu dùng được hưởng lợi từ thị trường điện
Phòng điều khiển trung tâm nhà máy thuỷ điện Sê San 3. |
Thị trường điện là cơ hội cho các đơn vị "chuyên nghiệp hóa" | |
Những góc nhìn về thị trường điện cạnh tranh (Bài 2) | |
Những góc nhìn về thị trường điện cạnh tranh (Bài 1) |
Trong cơ cấu ngành năng lượng ở Việt Nam, điện vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu, là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực hoạt động trong nền kinh tế. Chính vì vậy, suốt những năm qua, câu chuyện giá điện luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Giá điện của Việt Nam cao hay thấp? Làm gì để giảm giá điện? Giá điện tăng hay giảm sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế... luôn là những câu hỏi tạo ra nhiều tranh luận trong nền kinh tế.
Xung quanh vấn đề này, tại Hội nghị tổng kết 3 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh do Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đã khẳng định việc điều chỉnh giá điện luôn được Bộ Công Thương xem xét kỹ lưỡng trên nguyên tắc cơ chế thị trường và đánh giá các tác động của việc tăng giá điện tới chi tiêu của các hộ sinh hoạt cho tiền điện, tới chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, tới tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số CPI…
Đưa dẫn chứng cụ thể, ông Tuấn cho hay, trong lần điều chỉnh giá điện tăng 7,5% kể từ ngày 16/3/2015, việc tính toán và kiểm tra tăng giá điện được Bộ Công Thương trước tiên căn cứ vào báo cáo kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bao gồm chi phí trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ, phụ trợ và quản lý ngành đã được tổ công tác kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương làm tổ trưởng có sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cũng kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện các năm 2014 và 2015 của EVN.
Trong lần điều chỉnh tăng giá điện, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước trong Tổ Công tác điều hành kinh tế vĩ mô xem xét tổng thể ảnh hưởng của việc tăng giá điện đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sau đó báo cáo lên Chính phủ, Thường trực Chính phủ để thống nhất xem xét và cho phép điều chỉnh giá điện.
Trả lời câu hỏi giá mua điện bình quân từ các đơn vị phát điện trực tiếp tham gia thị trường điện trong 3 năm qua là 1.087,3 đ/kWh nhưng giá bán điện bình quân trong lần tăng giá điện gần nhất lại ở mức 1.622,05 đ/kWh, ông Tuấn thông tin: Tính đến thời điểm hiện tại mới có 59/109 nhà máy điện trực tiếp chào giá tham gia thị trường điện, chiếm 41,63% công suất của cả hệ thống điện. Vì vậy, con số 1.087,3 đ/kWh chỉ là giá mua điện bình quân từ 59 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện trong 3 năm qua. Chưa có giá mua điện bình quân của 50 nhà máy điện còn lại trong hệ thống điện bao gồm cả các nhà máy BOT, các nhà máy điện chạy dầu có giá thành sản xuất điện cao. Con số trên cũng chưa bao gồm chi phí khác từ các khâu: phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành. Do đó để so sánh hai con số bình quân giá mua 1.087,3 đ/kWh và giá bán 1.622,05 đ/kWh là chưa chính xác.
Nói như vậy để thấy rằng, trong thị trường điện, giá điện chào bán của các đơn vị phát điện tham gia thị trường này sẽ thấp hơn giá chào bán của các đơn vị không tham gia thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc, người tiêu dùng được hưởng lợi từ thị trường điện cạnh tranh do giá mua vào thấp thì giá điện bán ra cũng sẽ thấp.
Cũng theo ông Tuấn thì trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị phát điện để đưa các nhà máy điện tham gia thị trường điện theo đúng quy định. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ xem xét những khó khăn, vướng mắc của những nhà máy điện khi tham gia thị trường để kịp thời tháo gỡ.
Ngoài ra, Cục Điều tiết điện lực sẽ phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Công ty Mua bán điện để tiếp tục có những buổi họp, trao đổi, thảo luận với các đơn vị phát điện để giúp họ chuẩn bị cơ sở hạ tầng, điều kiện kỹ thuật khi tham gia thị trường điện.
Thanh Ngọc
Năng lượng Mới
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
Giá điện có thể được điều chỉnh tăng gần 10%
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Luật Điện lực (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi năng lượng bền vững
-
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải giải tỏa công suất NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV