Những góc nhìn về thị trường điện cạnh tranh (Bài 1)
Năng lượng Mới số 314
Bài 1: Nhận diện một “sân chơi” công bằng cho ngành điện
Năng lượng và vấn đề an ninh năng lượng luôn được nhìn nhận là một trong những yếu tố tiền đề, là nền tảng cho sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế. Thực tế những năm gần đây, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Chính phủ đề ra là ngành năng lượng, trong đó có điện phải “đi trước một bước”. Với riêng ngành điện - một trong những ngành có tính chất đặc thù cao, là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, cũng như tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, vấn đề này càng trở nên cấp bách. Để cụ thể hóa mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt lộ trình cũng như các cấp độ phát triển thị trường điện lực Việt Nam. Căn cứ theo quyết định trên, ngày 1/7/2012, thị trường phát điện cạnh tranh chính thực vận hành theo Thông tư 03/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Mặc dù việc triển khai, thực hiện thị trường điện cạnh tranh đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, Bộ Công Thương ban hành thông tư hướng dẫn nhưng vẫn có không ít ý kiến hoài nghi về tính khả thi, hiệu quả của những quyết định. Đặc biệt, có nhiều ý kiến cho rằng, lộ trình hình thành và phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ khó đạt được sự công bằng, minh bạch, chống độc quyền, ép giá... trong ngành điện bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trên thị trường điện, nhiều khâu vẫn do EVN nắm quyền chi phối... Và như vậy, vấn đề thu hút vốn đầu tư, tăng tính cạnh tranh trong lĩnh vực điện... sẽ tiếp tục bị hạn chế.
Nhà máy điện Nhơn Trạch 2
Ngoài ra, cũng có không ít ý kiến cho rằng, lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện của nước ta có phần “ưu ái” cho EVN bởi thời gian thực hiện kéo dài và rằng nhờ thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh nên năm 2013, EVN mới có lãi.
Xung quanh vấn đề này, ông Đinh Thế Phúc - Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định, quá trình hình thành và phát triển thị trường điện tại Việt Nam là xu thế cải cách chung của ngành điện tại các quốc gia trên thế giới.
Ông Phúc phân tích: Giống như Việt Nam, trước đây ngành điện của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều được tổ chức theo mô hình độc quyền tích hợp dọc, tức là một tập đoàn, công ty thuộc sở hữu Nhà nước sẽ nắm giữ toàn bộ các khâu phát điện - truyền tải điện - phân phối, bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng. Theo quan điểm tại thời kỳ đó thì mô hình này sẽ tận dụng được ưu thế về mặt quy hoạch phát triển, quản lý vận hành ngành điện một các tập trung. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, các thành tựu vượt bậc của hệ thống cơ sở hạ tầng ngành điện (công nghệ phát điện, công nghệ điều khiển - đo đếm từ xa), quan điểm về mô hình tổ chức ngành điện cũng dần dần có sự thay đổi. Một số khâu trong ngành điện như phát điện, bán buôn điện, bán lẻ điện hoàn toàn có thể áp dụng các cơ chế thị trường cạnh tranh để nâng cao hiệu quả, còn các khâu truyền tải điện, phân phối điện thì nên giữ theo mô hình độc quyền tự nhiên để khai thác tối ưu mạng luới truyền tải/phân phối điện, tránh phải đầu tư trùng lặp gây lãng phí.
Nói như vậy để thấy rằng, việc triển khai, thực hiện thị trường điện cạnh tranh là xu hướng phát triển tất yếu của bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào trên thế giới nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do tính chất đặc thù riêng nên dù Đảng, Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp, chính sách thu hút đầu tư vào phát triển hệ thống lưới điện nhưng kết quả thu được rất khiêm tốn. Hầu hết các dự án phát triển nguồn điện trọng điểm theo các Quy hoạch điện đều do EVN, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện, trong đó EVN vẫn là đơn vị nòng cốt, chủ đạo.
Có ý kiến lại cho rằng, chính sách thu hút đầu tư vào ngành điện sở dĩ không hiệu quả là do EVN độc quyền trong khâu thu mua điện nhưng sự thật không phải như vậy. Theo lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì các nhà máy điện khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh sẽ được chào bán toàn bộ sản lượng điện năng khả phát của mình lên thị trường. Giá chào của các nhà máy điện được xác định trên cơ sở chi phí biến đổi của từng nhà máy (gồm chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành bảo dưỡng biến đổi, chi phí khởi động…). Ðơn vị mua buôn điện duy nhất (hiện là Công ty Mua bán điện thuộc EVN) sẽ mua toàn bộ điện năng đuợc chào bán trên thị trường và bán lại cho các tổng công ty điện lực để cung cấp cho khách hàng sử dụng điện. Việc huy động các nhà máy điện sẽ căn cứ theo giá chào, sản lượng chào bán và nhu cầu phụ tải hệ thống điện từng giờ giao dịch và được thực hiện tập trung bởi đơn vị vận hành hệ thống điện - thị trường điện (hiện là Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện Quốc gia thuộc EVN). Giá điện năng thị trường cũng phụ thuộc vào mức độ cân bằng cung - cầu của thị trường trong từng giờ giao dịch. Mức giá điện năng thị trường là đồng nhất trên toàn quốc và được áp dụng để thanh toán cho tất cả các nhà máy điện được huy động, căn cứ theo mức sản lượng đo đếm thực tế của nhà máy.
Như vậy, giá điện do các nhà máy điện sản xuất ra bán cho EVN là giá được chào trên thị trường, và theo dạng thuận mua - vừa bán dựa trên những tính toán chi phí sản xuất. Và đây chính là cơ sở để các nhà máy điện tự chủ trong việc lên các phương án sản xuất, tiết giảm chi phí để tăng lợi nhuận. Về phía EVN, ông Dương Quang Thành - Phó tổng giám đốc Tập đoàn cũng khẳng định, từ khi thị trường phát điện cạnh tranh, EVN đã thực hiện nghiêm túc các quy định của thị trường phát điện cạnh tranh đã được Chính phủ, Bộ Công Thương đưa ra.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phúc cho rằng, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ góp phần nâng cao tính chủ động của các nhà máy điện trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; tạo cạnh tranh giữa các nhà máy điện để thúc đẩy việc tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất; khuyến khích nâng cao công suất sẵn sàng trong giờ cao điểm và trong mùa khô. Việc đưa thị truờng phát điện cạnh tranh vào vận hành từ năm 2012 là phù hợp với chiến lược phát triển ngành điện đã đuợc Ðảng, Nhà nước và Chính phủ đề ra.
Vậy nên nếu có nhà máy điện nào đó kêu lỗ, kêu khó khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh thì cũng là do họ chưa tìm ra được chiến lược đúng đắn, cũng như có các biện pháp sản xuất - kinh doanh hiệu quả để tìm kiếm lợi nhuận.
PGS.TS Nguyễn Minh Duệ - Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, sự hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh là cần thiết... Phát triển thị trường điện cạnh tranh là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường, mang lại lợi ích chung cho người cung cấp và người tiêu thụ điện. |
(Xem tiếp kỳ sau)
Thanh Ngọc
-
Sức mạnh đoàn kết biến điều không thể thành có thể
-
Kỳ tích mới từ "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão"
-
Cảm xúc đặc biệt khi hoàn thành dự án đặc biệt
-
Đường dây 500kV mạch 3: Thành công từ sức mạnh của cả hệ thống chính trị
-
Đường dây 500kV mạch 3: Khi 'Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt'
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn và đường dây đấu nối, vượt tiến độ 4 ngày
-
Hoàn thành nâng công suất Trạm biến áp 500kV Sông Mây
-
Bài 1: Để Quy hoạch phát triển điện lực được thực thi
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025