Người thầy vĩ đại - Tiểu thuyết đặc biệt về chủ đề đặc biệt
Tiểu thuyết “Người thầy vĩ đại”. |
Không gian của các nhân vật trong tiểu thuyết này không chỉ là nơi “đèn sách", mà còn là một phần của cuộc sống đặc thù, nơi học trò trở thành động lực giúp thầy phát triển. Thông qua cuốn sách, tác giả muốn nhấn mạnh sự dị biệt không phải là rào cản mà lại trở thành sức mạnh, giúp cộng đồng phát triển và sáng ngời.
Cuốn tiểu thuyết cũng phản ánh sâu sắc về giáo dục, sự chấp nhận và tình yêu thương, mang ý nghĩa sâu sắc và đầy cảm hứng. Nó không chỉ là một tác phẩm văn học, mà còn là một hành trình đầy cảm xúc, khám phá về sức mạnh của giáo dục và sự đa dạng.
Những đứa trẻ tự kỷ, thường bị xã hội hiểu lầm và xa lánh, ở đây lại được vinh danh như những người "thầy" chân chính, thể hiện rằng mỗi cá nhân, dù khác biệt đến mức nào, đều có giá trị và khả năng đóng góp cho xã hội.
Tác phẩm chắc chắn sẽ là một nguồn cảm hứng cho nhiều độc giả, đặc biệt là những ai quan tâm đến giáo dục, sự chấp nhận, và nâng cao nhận thức về tự kỷ. Nó không chỉ mở ra một góc nhìn mới mẻ và tích cực về những khác biệt cá nhân, mà còn khích lệ mọi người nhìn nhận và đánh giá cao những đóng góp độc đáo mà mỗi cá nhân mang lại.
Chị Thu Hằng (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) nhận xét: “Đọc tiểu thuyết này giúp ta thấu hiểu sâu sắc hơn về thế giới của những người tự kỷ, qua đó rút ra những bài học tâm đắc cho bất cứ ai. Trong số những bài học đó phải kể đến “Hãy tự trao cho mình một niềm tin tuyệt đối”; Hãy nghĩ vượt ra khỏi giới hạn thông thường; “Có tật ắt có tài”; “Không tiến thì biến”; “Sức mạnh của tình thương”...
Người thầy độc đáo với những tâm ngôn để đời “Con người cũng là một loại động vật. Mà đã là động vật thì phải vận động thật lực mới phát triển lành mạnh được. Trong xã hội chúng ta đang sống, cuộc sống hiện đại, tiện nghi vật chất mang lại nhiều thuận lợi cho con người, nhưng đồng thời cũng có mặt trái, đó là khiến chúng ta lười vận động, phụ thuộc nhiều vào các thiết bị điện tử, dẫn đến sự trì trệ của một số bộ phận chức năng trong cơ thể người, lâu dần dẫn đến rối loạn. Những hoạt động thể chất được tính toán kỹ lưỡng sẽ giúp con người cân bằng lại những rối loạn đó”.
“Ngày ngày được chơi đùa với lũ trẻ hồn nhiên nhất, đêm đêm nghe các bậc thầy trên thế giới chia sẻ kiến thức quý. Sáng sớm chém gió với giảng viên… Cậu xem còn gì sung sướng hơn? Tớ là con nhà nông dân, tớ cần dạy cho tất cả những đứa ở tầng dưới xã hội, không thể bỏ mặc chúng nó”.
“Ở đây chúng tôi đều tự làm với sự sáng tạo và công sức mình đầu tư, chưa có sự hỗ trợ nào từ nhà nước hay bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Tự thân vận động, tự lực tự cường làm nên thành quả. Đó chính là thông điệp mà chúng tôi muốn truyền thông”.
Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu. |
Theo tác giả cuốn sách, người tự kỷ cũng là một góc của cõi nhân sinh cần được quan tâm. Đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Hơn nữa, những trẻ tự kỷ ở trường Hoa Xuyến Chi này, không những chưa hề được xã hội quan tâm giúp đỡ xứng đáng, mà chúng lại cùng nhau tạo nên những điều kỳ diệu. Sống trong một cộng đồng, huấn luyện đồng đẳng, chúng đã trở thành những “ngôi sao” khi còn thơ bé. Người bình thường có mấy ai tạo nên kỳ tích sớm như vậy? Đây là một động lực chân chính, thúc đẩy mọi người và chính người thầy vươn lên bền vững.
Phải chăng, huấn luyện trẻ tự kỷ thành kỳ tài chỉ bằng những quả bóng cũ bỏ đi, việc này mới chỉ có người Việt Nam làm được, sứ mệnh cao cả đặt lên vai người thầy dị biệt ấy ra sao? Trong thế giới đầy khủng hoảng như hiện nay, bệnh tự kỷ ngày càng lan rộng, thế giới đang bó tay. Phải chăng, đây chính là minh chứng, tình thương là sức mạnh mềm đưa Việt Nam tiến lên bền vững? Câu trả lời sẽ dần được hé mở trong các phần của cuốn tiểu thuyết đặc biệt này.
BTV Fine Art Stone nhận xét: “Một cuốn tiểu thuyết độc và lạ. Những đứa trẻ tự kỷ trong thế giới riêng mà một người thầy siêu hạng tạo ra cho chúng, lại trở thành THẦY với đầy đủ ý nghĩa. Một thế giới khi bục giảng là cuộc sống đặc thù, khi trò lại là động lực phát triển thầy và hạnh phúc là chân lý tìm ra khi tất cả cộng đồng sống chết vì nhau. Sự dị biệt đã dịch chuyển thành sức mạnh tỏa sáng trong cộng đồng. Một cuốn sách giúp tất cả chúng ta dịch chuyển, giúp trí tuệ sáng ngời qua từng trang, từng trang… Cuốn sách chính là NGƯỜI THẦY!”.
Tác giả Kiều Bích Hậu: Sinh năm 1972 tại Hưng Yên, Việt Nam. Phụ trách website Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, Hội nhà văn Việt Nam. Giám đốc truyền thông công ty dược SaVipharm, Tiến sĩ danh dự - Học Viện Prodigy Life (Mỹ) về văn chương và nghiên cứu văn hóa. Là nhà văn, nhà thơ, dịch giả, đại diện văn học. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Là Biên tập viên tạp chí Neuma (Romania), tạp chí Humanity (Nga), Đại diện tại Việt Nam của Tạp chí Prodigy (Mỹ), Đại sứ NXB Ukiyoto Canada tại Việt Nam. Đã xuất bản 25 đầu sách riêng tại Việt Nam, Ý, Hungary, Mỹ, Romania và Canada. In chung 5 đầu sách tại: Đức, Canada, Nga, Hy Lạp, Romania. Thơ và truyện ngắn được dịch 17 ngôn ngữ trên thế giới: English, Italian, Korean, Russian, Marathi, Hindi, Romanian, Hungarian, Spanish, Portuguese, Nepali, Uzbek, French, German, Turkish, Chinese, Montenegrin…Giành 9 giải thưởng văn học trong nước và quốc tế. Là đại biểu tham dự nhiều sự kiện văn học quốc tế, trong đó có: Diễn đàn các nhà văn Asean và Trung Quốc 2019 tại Trung Quốc; Diễn đàn các nhà văn châu Á lần thứ Nhất (2019 tại Kazakhstan); Liên hoan thơ châu Âu 2020 trực tuyến lần 10 và trực tiếp 2021 lần 11 tại Como (Italia); Liên hoan mùa xuân thơ ca Romania 2023; Liên hoan thơ châu Âu 2023 lần 13 tại Como (Italia); Liên hoan thơ Mỹ lần 10 tại New York (Mỹ) 2023; Liên hoan thơ văn Raipo Malaysia 2023 tại Kuala Lumpur… |
Khánh Phương