Người nhập cư tại Mỹ "hóa đá" vì nCoV
Covid-19 không nằm trong chương trình tuyên truyền khi một nhóm hỗ trợ pháp lý hai tháng trước tổ chức buổi cung cấp thông tin về vấn đề nhập cư cho những nông dân làm việc tại các trang trại ở thung lũng Coachella, California.
Nhưng khi Luz Gallegos và các đồng nghiệp xuất hiện tại Coachella vào cuối tuần trước, họ bị hỏi dồn dập về nCoV. Hôm 16/3, giới chức y tế thông báo về hai ca tử vong đầu tiên do virus ở Nam California, cả hai đều là người từ thung lũng Coachella.
Trung tâm Dịch vụ Công dân và Nhập cư ở Tukwila, Washington. Ảnh: AFP. |
"Có một nỗi sợ hãi mới đang xuất hiện trong cộng đồng người nhập cư vì Covid-19", Gallegos, giám đốc Trung tâm Pháp lý TODEC, cho hay. "Chúng tôi tin rằng nhiều người nhập cư sẽ ngần ngại tìm kiếm chăm sóc y tế mà họ cần".
Những câu hỏi mà các nông dân đặt ra gồm: Nếu tới bệnh viện, cơ hội trở thành thường trú nhân hợp pháp của tôi có bị ảnh hưởng không? Nếu không có giấy tờ, tôi có được điều trị không hay sẽ bị trục xuất? Nếu tôi không thể đi làm vì lệnh phong tỏa, tôi sẽ nuôi sống gia đình và trả tiền thuê nhà như thế nào?
Trong bối cảnh nCoV đã lan đến toàn bộ 50 bang của Mỹ, người nhập cư có lẽ là những người có ít khả năng tự cách ly và tìm kiếm chăm sóc y tế nhất, giới chuyên gia đánh giá.
Chính quyền Trump ngày 18/3 đóng cửa biên giới với Canada và đang cân nhắc đóng cửa biên giới phía nam với những người không có giấy tờ hợp pháp trong nỗ lực ngăn virus lây lan. Nhưng đã có rất nhiều người nhập cư không giấy tờ đang hiện diện ở Mỹ và họ cũng phải đối diện với những rủi ro từ nCoV như bao người khác. Tuy nhiên, họ lại có ít công cụ để tự bảo vệ mình hơn cả.
Những người không có bảo hiểm y tế sợ rằng việc đến bệnh viện công hay phòng khám sẽ hủy hoại cơ hội lấy thẻ xanh của họ bởi những quy định hỗ trợ công cộng mới do chính quyền Trump đặt ra ngày càng khắt khe với người nhập cư.
Một số người nhập cư khác sợ sẽ bị đưa vào tầm ngắm của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) nếu họ ra mặt tìm kiếm sự giúp đỡ.
Các đặc vụ ICE tuần qua tiếp tục thực hiện các vụ bắt người nhập cư tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nCoV, như Califoria hay New York.
"Lo ngại của các cộng đồng nhập cư đối với chính quyền đang gây khó khăn cho nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng", Tanya Broder, luật sư chuyên về chăm sóc y tế cho người nhập cư tại Trung tâm Luật Nhập cư Quốc gia, nhận xét.
Người nhập cư thường sống chung với nhau, đặc biệt là tại các thành phố nơi giá thuê nhà cao, khiến họ dễ bị lây chéo bệnh. Tại Đông Los Angeles, người nhập cư Latin thường sống cả gia đình lớn trong một ngôi nhà. Tại thung lũng San Gabriel, phía đông Los Angeles, hàng nghìn lao động người châu Á sống chung trong những tòa nhà căn hộ chật chội gọi là "nhà trọ nội trú".
Công việc họ làm thường không được nhận lương nếu nghỉ ốm, vì thế việc tự cách ly đối với các lao động nhập cư là điều quá xa xỉ.
"Thật không may, người nhập cư đang phải đối mặt lựa chọn khó khăn giữa cuộc khủng hoàng này: Nhiễm bệnh hay trở thành người vô gia cư", Louise McCarthy, chủ tịch Hiệp hội Phòng khám Cộng đồng Los Angeles, nói. "Một lao động thu nhập thấp không thể nghỉ dù chỉ một ngày, mất một ngày lương có thể đồng nghĩa mất luôn ngôi nhà bạn đang ở".
Trong số những người nhập cư tại Mỹ, 24% hợp pháp và 45% không có giấy tờ hay bảo hiểm y tế, theo báo cáo từ Quỹ Gia đình Kaiser.
Ở hầu hết các bang, những phòng khám cộng đồng phục vụ mọi bệnh nhân cần chăm sóc y tế, bất kể tình trạng và khả năng chi trả của họ. Và ở một số bang như California, Massachusetts, New York hay Illinois, trẻ em không có giấy tờ cũng được trả chi phí chăm sóc y tế.
Nhân viên y tế chuẩn bị đưa bệnh nhân ra khỏi viện dưỡng lão Life Care ở Kirkland, một ổ dịch Covid-19 ở bang Washington, ngày 6/3. Ảnh: Reuters. |
Nhưng vì cái gọi là "quy định gánh nặng xã hội" của chính quyền Trump, "ngay cả khi dịch vụ y tế luôn có sẵn, người nhập cư vẫn e ngại tìm đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà họ cần".
Phòng khám Cộng đồng Nhân dân ở Austin, Texas, cho biết kể từ thời điểm dịch bùng phát, nhiều bệnh nhân không giấy tờ không chịu tới khám bệnh vì sợ bị ICE bắt và sợ bị trở thành "gánh nặng xã hội".
"Chúng tôi ở đây để phục vụ mọi bệnh nhân, bất kể giấy tờ của họ có vấn đề gì. Tôi hy vọng bệnh nhân tiếp tục tìm đến chúng tôi", Regina Rogoff, giám đốc điều hành phòng khám, nói.
Trong hơn 25 năm qua, Maria và Francisco Garcia là những lao động nhập cư không giấy tờ, chuyên hái và đóng gói súp lơ, tiêu, chà là ở thung lũng Coachella.
Họ gần đây mới đủ điều kiện nộp đơn xin thẻ xanh khi con gái họ, sinh ra trên đất Mỹ, vừa bước sang tuổi 21. Nhưng vì các ca nhiễm nCoV tại nơi họ sống đang tăng lên nhanh chóng, cặp đôi giờ đây luôn sống trong lo âu. Họ sợ nếu nhiễm virus, họ sẽ đánh mất cơ hội trở thành cư dân hợp pháp.
"Mẹ tôi hoang mang vì tình hình Covid-19. Bà luôn nghĩ rằng nếu tới bệnh viện, bà sẽ trở thành gánh nặng xã hội", Mariana, con gái Maria và Francisco, cho hay. Đồng lương của cha mẹ cô chỉ đủ sống qua ngày, vì thế họ cũng lo nếu bị ốm sẽ không thể trả tiền thuê nhà 500 USD mỗi tháng.
"Chúng tôi như bị hóa đá", Sandy Cobarrubias, 46 tuổi, một lao động nhập cư không có giấy tờ khác, chia sẻ. Dù sau khi biết rằng tìm kiếm hỗ trợ y tế trị nCoV không gây ảnh hưởng tới cơ hội nhận thẻ xanh, bà vẫn không cảm thấy yên tâm.
"Tổng thống hôm nay bảo một đằng nhưng ngay mai lại làm một kiểu", bà nói.
Theo VNE
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng