Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Người Nậm Cắn!

07:00 | 23/01/2014

Theo dõi PetroTimes trên
|
Về với Nậm Cắn gần những ngày Xuân dân tộc, có đến từng gia đình làng bản mới biết được lòng dân Nậm Cắn một lòng tin yêu Đảng - Bác Hồ biết nhường nào.

Năng lượng Mới số 287

Thế là suốt cả một ngày đường tôi mới đến được Cơ quan Huyện ủy Kỳ Sơn. Từ phía sau đã có người nắm vai hỏi:

- Này, cán bộ có nhớ mình nữa không vớ?

- Lầu Bá Chày còn ai nữa (tôi mừng quá nhận ra người Nậm Cắn).

Lầu Bá Chày ôm chặt tôi vào tấm ngực của mình sung sướng:

- Ồ! Cán bộ còn nhớ mình là được rồi. Đêm nay về với Nậm Cắn, về với dân bản của mình được không?

Đã về chiều, trời se lạnh. Con ngựa của Lầu Bá Chày buộc dưới gốc cây, hai chân sau cứ gõ xuống mặt sân như có ý giục chủ mời về Nậm Cắn. Ông Vi Văn Thành, Bí thư Huyện ủy quàng tay lên vai hai chúng tôi thân tình:

- Lầu Bá Chày là Bí thư xã Nậm Cắn đấy! Đồng chí về Nậm Cắn tiện thể nắm tình hình cơ sở luôn. Sau về làm việc với huyện cũng chưa muộn.

May mắn quá, tôi đành tạm biệt anh Thành, đi với Lầu Bá Chày về với Nậm Cắn. Bám lấy thắt lưng của Lầu Bá Chày, con ngựa vượt qua mấy con suối, mấy ngọn núi. Dù xuống dốc hay lên đèo, chúng tôi như đi trong khoảng không với những đám mây trắng đục quần tụ đeo đuổi dưới chân. Có đến hơn 20 năm tôi mới có dịp về lại với Nậm Cắn, nơi chót vót của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Với tôi, Nậm Cắn là cả một vùng cao đầy ắp kỷ niệm vui buồn, ấm lạnh.

Mảnh đất mà bà con các dân tộc Thái, Khơ mú, Mông đã một lòng tin Đảng, gắn bó với bộ đội biên phòng lùng sục truy quét phỉ, bắt biệt kích nơi cửa ngõ phía tây này. Vó ngựa đã bắt đầu gõ lóc cóc trên con lộ 7. Những vệt nhà loang loáng hai bên đường.

Bỏ cây thuốc phiện, đất rừng đã khoác lên mình áo mới

- Đến Nậm Cắn rồi cán bộ ơi! Lầu Bá Chày kìm cương cho ngựa chậm lại, thấy tôi còn ngờ ngợ, anh cho biết: “Thực hiện công cuộc đổi mới, nghe theo lời Đảng, Bác Hồ, bà con đã về định cư dọc con lộ 7 cả”. Anh chỉ vào những nếp nhà mái ngói còn tươi giới thiệu: “Trường học đấy, trạm xá đấy! Còn khu nhà trên đồi là trụ sở Đảng ủy - UBND Nậm Cắn đấy!”.

Làng bản đã bắt đầu đỏ lửa, đỏ đèn. Có nhiều gia đình, người già con trẻ đang túm tụm trước màn hình tivi, thật ấm cúng. Nậm Cắn đổi mới đến ngỡ ngàng. Mới ngày nào trên mảnh đất gần 9.000ha này, bà con các dân tộc Khơ Mú, Thái, Mông… sống du canh, du cư. Từ bản này sang bản khác cũng phải lội qua mấy con suối. Vượt qua mấy ngọn núi, có khi còn phải đi suốt cả một ngày đuờng. Ngày ấy các tổ chức xã hội trong xã chưa được kiện toàn đầy đủ, vững chắc. Đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm, trình độ dân trí thấp kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Bọn phản động lợi dụng ráo riết tuyên truyền kích động xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước gây hoang mang trong bà con các dân tộc. Chúng lôi kéo xúi giục những phần tử xấu xưng vua, nổi phỉ gây bạo loạn, móc nối xây dựng cơ sở ngầm hai bên biên giới để chống phá cách mạng hai nước Việt Nam - Lào.

Đêm, tôi ở lại nhà Cụ Hồ Chông Giờ, gia đình đã từng nuôi dưỡng chăm sóc nhiều cán bộ quân đội trong những năm đánh Mỹ ác liệt. Thấy tôi, cụ đứng dậy với tấm thân gầy guộc, đen bóng, duy đôi mắt vẫn còn rất sáng. Cụ cất tẩu thuốc trên miệng cười khà khà:

- Mày về, tao ưng cái bụng lắm!

Còn Lầu Bá Chày chẳng nói chẳng rằng, quay ngược mất hút trong đêm, một lúc sau kéo đến hai người nữa. Toàn người thân cả, chúng tôi ôm nhau sung sướng đến ứa nước mắt. Lầu Sống Giờ nói trong hơi thở: “Dân bản cứ tưởng cán bộ về dưới xuôi, nhà cao cửa rộng còn nhớ chi Nậm Cắn”. Lầu Bá Chày định giới thiệu với tôi. Tôi nói ngay:

- Mình biết rồi. Toàn cán bộ xã cựu trào cả. Lầu Sống Giờ nguyên là Chủ tịch HĐND Nậm Cắn. Hồ Xây Cổ nguyên là Chủ tịch UBND Nậm Cắn này.

Ngày trước, mỗi lần có khách là trưởng bản đánh chiêng, tụ tập dân bản đến suốt đêm. Còn đêm nay thì không, Cụ Hồ Chông Giờ đã đốt một đống lửa, giết gà cùng một ché rượu cần để đãi khách. Có lẽ cụ dành tình cảm đặc biệt đêm nay cho chúng tôi. Cụ vít cần rượu mời tôi, tay kia đã có một sừng trâu đầy nước.

- Mày về đây là con của tao, con của dân bản chứ không phải đầy tớ của dân đâu nhớ!

Thế là cha con chúng tôi vây lấy ché rượu cần, đánh chén đến kỳ say. Đêm đã về khuya, đống lửa nổ lách tách cháy rực. Rượu trong ché vơi dần nghe roóc roóc. Trên đầu, vòm trời sao như sà thấp xuống. Mấy  ngọn núi cao như gập mình xuống vui cùng chúng tôi. Tôi đắm mình trong niềm hạnh phúc hiếm hoi mà mấy chục năm rồi, bây giờ mới có được một tình yêu thương thật mộc mạc, thuần hậu chân chất, ấm áp vô cùng của Nậm Cắn, của một vùng cao thương nhớ lắm.

- Mày có nhớ chiến dịch diệt phỉ Châu Phà nữa không? - Cụ Hồ Xây Cổ đột nhiên hỏi tôi.

Tôi ôm chặt Lầu Bá Chày  và Lầu Chui Xo khoe với các lão làng.

- Con nhớ lắm! Những ngày đó nhờ có đồng bào, nhờ có bố, nhờ có lực lượng dân quân tự vệ, có cả hai tay liên lạc cừ khôi này nữa.

- Mày nhớ chưa biết hết cái bụng của tao, của dân bản Nậm Cắn. Diệt phỉ được là nhờ bộ đội biên phòng, bộ đội huyện, dân quân tự vệ của bản, còn dân bản đóng góp ít thôi.

Thế là bao nhiêu kỷ niệm diệt phỉ, truy quét biệt kích dội về trong tâm trí chúng tôi thật sống động. Những năm gian khó ấy, bằng sự phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương, Đồn biên phòng 539 đã tuyên truyền vận động nhân dân, phát động đấu tranh truy quét, đập tan các cụm phỉ cùng hệ thống đồn bốt xung quanh khu vực Noọng Hét (Lào), dọc tuyến đường 7, tấn công tiêu diệt sào huyệt phỉ ở Suối Khắc; vừa ngăn chặn được phỉ vào nội biên, vừa tạo thế chiến lược cho cách mạng Lào. Đến những năm dành giật với địch chống cưỡng ép đồng bào theo phỉ; Đảng bộ, chính quyền xã Nậm Cắn đã vận động, cảm hóa được hàng trăm người dân nhẹ dạ theo phỉ trở về  đoàn tụ với gia đình, với làng bản. Chiến dịch tiêu diệt phỉ Châu Phà, Đảng bộ và nhân dân Nậm Cắn đã cùng với cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng, bộ đội huyện thu được 118 khẩu súng các loại và các đồ dùng quân sự khác. Âm mưu nội phỉ, xưng vua, kích động gây bạo loạn của chúng bị đập tan. Tình hình an ninh biên giới được ổn định, chính quyền được giữ vững.

Lãnh đạo xã phối hợp với đoàn công tác dân vận Quân khu 4

Nhớ lắm những năm 60 đến 70 của thế kỷ trước, Nậm Cắn là tâm điểm cho bè lũ phản động trong phái hữu Lào tăng cường tung các toán gián điệp, biệt kích xâm nhập. Nhưng đất rừng mình không để chúng yên, mỗi dân bản đều là tai mắt của bộ đội biên phòng. Dân bản đã phát hiện kịp thời, mật báo với đồn biên phòng triển khai truy bắt gọn tốp gián điệp do tên Khao Na chỉ huy vừa xâm nhập địa bàn với đầy đủ tang vật. Lầu Chui Xo nắm chặt tay tôi: “Ngày ấy, trung đội dân quân xã do mình chỉ huy cũng đã kết hợp với đồn biên phòng, phát hiện và bắt gọn một tốp biệt kích xâm nhập hòng tiêu diệt cơ quan đầu não huyện Kỳ Sơn. Tiêu diệt 7 tên, bắt sống 10 tên, thu nhiều súng lắm”.

Đất nước thống nhất, thế mà Nậm Cắn đêm nào cũng thức bám đường biên, cột mốc thường xuyên tuần tra, kiểm soát, giữ vững chủ quyền biên giới. Bộ đội biên phòng cùng với các đội xây dựng cơ sở thực hiện “3 bám, 4 cùng với dân” (bám địa bàn, bám dân, bám đối tượng và cùng ăn, cùng ở, cùng bàn, cùng làm với dân) xây dựng cơ sở, xây dựng địa bàn và nắm bắt tình hình dọc vùng biên. Cũng bằng tai mắt của dân bản đã mật báo với bộ đội những tổ chức hoạt động ngầm của bọn tình báo gián điệp cài cắm cơ sở trong bản. Quân dân Nậm Cắn đã tấn công phá án thành công, bắt giữ và xử lý hàng trăm vụ vi phạm quy chế biên giới. Vụ Vừ Chông Hồ, hắn vượt biên mang tài liệu truyền đạo vào vùng đồng bào dân tộc Mông ở bản Huổi Pốc, đã bị quân và dân Nậm Cắn mình bắt quả tang, thu toàn bộ tài liệu truyền đạo trái phép, ổn định địa bàn.

Các già làng trưởng bản giống như những kho tư liệu sống của Nậm Cắn vậy. Mọi người ngồi sít bên nhau, cứ rủ rỉ bao chiến công của của bản, của làng. Từ những năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Nậm Cắn như một lá chắn chống chọi với nạn gian thương vận chuyển ma túy qua biên giới vào nước ta ngày càng nhiều. Những năm tháng này không kém phần gian khó so với những năm tháng đánh giặc, đòi hỏi quân và dân Nậm Cắn cần phải tỉnh táo cảnh giác hơn. Trên cơ sở tìm hiểu nắm bắt quy luật đi lại, hình thức vận chuyển và ý thức phát giác của dân bản; lực lượng dân quân, công an phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển buôn bán trái phép ma túy qua biên giới, thu hàng trăm kilôgam thuốc phiện. Điển hình ngày 25/8/1995, hai chiến sĩ bộ đội biên phòng phối hợp cùng ba chiến sĩ dân quân phát hiện bắt ba người Lào là: Già Y Chia, Yàng Y Bi, Và Bá Của mang gần 10kg thuốc phiện vượt biên từ Lào sang đã bị bắt quả tang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ… Lầu Sống Dở ôm lấy bờ vai tôi xúc động: “Cán bộ có còn nhớ mẹ Xay Xua nữa không?”. Tôi trả lời: “Làm sao mình quên được người mẹ Anh hùng của đất rừng Nậm Cắn”.

Gương mặt phúc hậu ấm áp của mẹ Xay Xua bỗng hiện về trong trí nhớ của chúng tôi. Cũng cữ này vào mùa xuân hơn mười năm trước, cán bộ, chiến sĩ các đồn bám địa bàn cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng đón tết với dân. Phó chỉ huy Chính trị Tiểu khu 50, Thượng tá Lê Hồng Sơn mời tôi xuống dự lễ khánh thành ngôi nhà tình nghĩa của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh xây cho mẹ Xay Xua ở bản Tiền Tiêu (trị giá hai mươi mốt triệu đồng từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ  biên phòng tỉnh). Trong những năm đánh Mỹ, mẹ Xay Xua đã giúp bộ đội biên phòng chủ động đánh và tóm gọn bọn gián điệp, biệt kích xâm nhập vào địa bàn huyện Kỳ Sơn.

Từ ngày có chủ trương của Đảng, Nhà nước phải xóa bỏ cây thuốc phiện, biết bà con, dân bản chưa yên lòng, mẹ đi khuyên bảo mọi người: “Xã ta, huyện ta theo Đảng đánh Mỹ, diệt phỉ giỏi, được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bây giờ phá bỏ cây thuốc phiện mà ngại là không được rồi. Đảng đề ra việc chi cũng đúng với cái bụng của dân bản cả thôi”. Mẹ tự tay phá bỏ ba vườn thuốc phiện của nhà mình. Rứa là không ai bảo ai, làng trên bản dưới trong xã, rồi trong huyện đều đồng khởi phá bỏ cây thuốc phiện nhà mình. Đêm hôm đó ở nhà mẹ Xay Xua thật ấm cúng, không chỉ các ông trên tỉnh, trên huyện về cắt băng khành thành mà bà con dân bản 10 xã trong huyện cũng cử đại biểu mang những ché rượu ngon về với mẹ. Càng về khuya càng vui, càng đậm đà, ché rượu cần đã kéo níu bà con dân tộc xích lại gần nhau, một lòng tin Đảng, Bác Hồ.

***

Về với Nậm Cắn gần những ngày Xuân dân tộc, có đến từng gia đình làng bản mới biết được lòng dân Nậm Cắn một lòng tin yêu Đảng - Bác Hồ biết nhường nào. Và cũng hiếm có xã vùng biên nào làm được nhiều việc như Nậm Cắn. Lầu Bá Chày, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn vẫn tác phong hồn hậu, cởi mở như ngày nào cho tôi biết: “Mặc dù là một trong những xã kinh tế khó khăn nhất huyện, nhất tỉnh; mấy chục năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức quần chúng đã mở các đợt tuyên truyền, vận động kêu gọi, tổ chức cho các làng bản ở vùng sâu, vùng xa về định cư ở hai bên Quốc lộ 7, xóa bỏ được tình trạng du canh, du cư.

Bà con dân tộc Mông đã xuống núi ở trong những ngôi nhà mới do Đoàn 4 kinh tế xây dựng

Hiện nay bà con các dân tộc đã quần tụ sống bên nhau thật êm ấm. Nậm Cắn đã phối hợp với đồn biên phòng vận động dân bản xóa bỏ diện tích trồng cây thuốc phiện. Số dân bản nghiện hút đã lần lượt tự giác đến trung tâm cai nghiện ở Tiểu khu 50 và Đồn biên phòng 539 để cai nghiện. Bây giờ tình trạng nghiện hút thuốc phiện trong dân bản đã giảm hẳn. Nậm Cắn là xã vùng biên phát triển nhanh về văn hóa xã hội, cơ sở hạ tầng ngày càng được củng cố. Xã có một trường tiểu học, ở các bản đều có các lớp dành cho các cháu từ mẫu giáo đến lớp 3, có trạm y tế nằm ở trung tâm xã, mỗi bản đều có y tá… Đội ngũ giáo viên, y tế hoạt động nhiệt tình, có trách nhiệm cao; tình trạng mù chữ, thất học đã giảm hẳn, đời sống nhân dân ngày một được cải thiện.

Từ một nền kinh tế tự cung tự cấp, dân bản phải chịu cảnh thiếu thốn, đói nghèo nhiều năm, nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, có sự giúp đỡ tận tình của bộ đội Đoàn 4 - Kỹ thuật Quốc phòng, Bộ đội biên phòng; sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ và bà con các dân tộc, Nậm Cắn đã thực hiện thắng lợi các dự án, chương trình phát triển kinh tế vùng cao: định canh, định cư; giao đất, giao rừng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển cơ cấu cây trồng vườn đồi, vườn rừng, kinh tế VACR… Lầu Bá Chày khoát tay hướng giữa bao la đất rừng: “Cán bộ thấy đấy! Những vườn cây thuốc phiện nay đã được khoác lên một màu xanh của chè san tuyết, mận Tam hoa, đào, nho…

Đến nay, đời sống của bà con dân bản được cải thiện. Hầu hết các hộ đều làm được nhà mái ngói hoặc fibrô xi măng. Các gia đình đều có máy thu thanh, tivi và xe máy… Nhờ vậy cơ sở chính trị, quốc phòng - an ninh xã chúng tôi ngày càng được củng cố vững chắc. Đảng bộ Nậm Cắn trong nhiều năm qua đều được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, các tổ chức quần chúng, dân quân tự vệ được củng cố và đi vào hoạt động nền nếp chất lượng, đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới.

Lòng người Nậm Cắn là vậy. Họ nói ít làm nhiều, cái tay làm thay cái miệng, quyết làm sao cho quê hương đổi mới để tỏ niềm tin của lòng mình với Đảng, Bác Hồ kính yêu. Lầu Bá Chày hóm hỉnh nắm chặt tay tôi nhắc lại câu hát xưa: “Cái dốc dựng đứng, cái hạt ngô gieo trong hốc đá, cái đời trâu ngựa không phải là phận người Mông, bộ đội Cụ Hồ về cởi trói cho ta”.

Tạm biệt vùng biên ải thương nhớ, tôi làm sao quên được tấm lòng người Nậm Cắn; làm sao quên được một vùng biên ải giàu truyền thống cách mạng, vững lòng tin đi lên trong sự nghiệp đổi  mới.

Ký của Thuận Thắng