Người em nuôi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Kỷ niệm trong cụ cứ tràn về, từ lúc cụ vẫn còn là một thiếu phụ, địu con dẫn đường cho quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi khảo sát, xây dựng Sở Chỉ huy Chiến dịch; hay những ngày ở bên người Tổng chỉ huy bộ đội về giải phóng bản làng.
Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên được gặp cụ Đôi, đó là sáng 5/10/2013. Hôm ấy, nhóm phóng viên chúng tôi nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần (ngày 4/10/2013), cần ghi lại những hình ảnh về tình cảm của bà con ở Mường Phăng, nơi được coi là quê hương thứ hai của Đại tướng. Lên Mường Phăng từ sáng sớm, lúc này chưa ai biết hung tin về Đại tướng. Chúng tôi đề nghị ông Lò Văn Biên, Bí thư Đảng ủy xã cho gặp mặt bà con để thông báo tin dữ. Tại nhà Trưởng bản Phăng 3 Lò Văn Ương, chúng tôi rất ấn tượng với một cụ bà rất khó đoán tuổi, đang ngồi trầm ngâm ở giữa nhà.
Bức ảnh kỷ vật của cụ ngày Đại tướng mời 2 chị em đến chụp ảnh chung
Ông Biên cho biết: Đây là cụ Lù Thị Đôi, ngày xưa được làm việc với cụ Giáp, nghe có thông tin về Đại tướng, cụ đang đi thăm cháu ở bản dưới, cứ nằng nặc đòi con cháu chở bằng xe máy lên hỏi thăm. Khi Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Biên nghẹn ngào báo tin: “Vị thần hộ mệnh” của bản làng đã ra đi mãi mãi, mọi người có mặt đều nức nở, riêng cụ Đôi thì bảo con cháu mang đến cho cụ bức ảnh chụp chung với Đại tướng vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2004). Đưa đôi tay già nua, vuốt vuốt bức ảnh, cụ cứ nghẹn ngào mãi không thôi. Nghe ông Biên dịch lại, cụ bảo sao không để cụ chết thay, để “anh trai” mình còn lên thăm bà con một lần cuối.
Nhớ lại những kỷ niệm của một thời oanh liệt ấy, cụ Đôi kể lại với chúng tôi qua lời phiên dịch của con cháu: Ngày ấy, cụ đã 40 tuổi, vừa mới sinh người con thứ ba hơn 1 tháng. Nghe tin Bộ đội Việt Minh về giải phóng Mường Then (Mường Thanh - Mường Trời - lòng chảo Điện Biên Phủ), cụ mừng lắm vì chồng cụ là Lù Văn Lở (cụ Đôi họ Lò, sau đó lấy theo họ chồng) cũng là Bộ đội Việt Minh, đang đánh giặc ở Yên Bái. Cụ chỉ mong làm được việc gì đó để giặc Pháp nhanh thua, để chồng cụ nhanh được về thăm vợ, thăm con. Khi “anh trai” Võ Nguyên Giáp dẫn quân lên Mường Phăng để xây dựng Sở Chỉ huy chiến dịch, cụ xung phong theo giúp bộ đội. Được “anh trai” giao nhiệm vụ dẫn đơn vị công binh đi khảo sát địa hình, xây dựng căn cứ, cụ địu đứa con còn đỏ hỏn, dẫn bộ đội băng rừng, lội suối đi tìm địa điểm để đào hầm chỉ huy.
Cụ Lù Thị Đôi và cháu dâu Lò Thị Thủy
Cụ còn nhớ lại Đại tướng dặn đi dặn lại: “Sở Chỉ huy chiến dịch ở bên này, dân bản ở phía bên kia, cô phải giữ bí mật, không để cho ai biết thì bộ đội ta mới đánh thắng giặc được”. Những ngày sau đó, được sự phân công của Đại tướng, cụ Đôi làm Trưởng ban Vận động, địu con đi lại như con thoi tới các bản làng để vận động bà con đóng góp lương thực phục vụ chiến dịch. Thời gian đã qua lâu quá rồi, cụ chỉ nhớ là vận động được 3 con trâu, mấy chục con lợn, gà và khoảng 9 tấn thóc để đóng góp nuôi quân. Cụ vẫn nhớ lời Đại tướng dặn: Cứ vận động nhân dân đóng góp lương thực nuôi quân, còn 1 tháng nữa Bộ đội Việt Minh sẽ đánh xuống Mường Then để giải phóng các bản làng Điện Biên Phủ.
Nghe tin Bộ đội Việt Minh đã đánh thắng giặc ở Điện Biên Phủ, giải phóng đất Mường Then, cụ Đôi lặn lội xuống Điện Biên tìm gặp “anh trai”. Do không quen đường, chiến trường Điện Biên lại tan hoang sau các trận đánh, lần mò mãi, 2 ngày sau cụ Đôi mới gặp được Đại tướng. Cụ còn nhớ Đại tướng căn dặn: “Chiến tranh kết thúc rồi, bắt đầu xây dựng cuộc sống tự do độc lập, cô về địa phương cố gắng tham gia công tác xây dựng bản mường…”.
Trở về địa phương, cụ Đôi tham gia làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Phăng, do không biết chữ, không biết tiếng phổ thông nên cụ chỉ công tác ở địa phương cho đến năm 1979 thì nghỉ. Ngày kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Mường Phăng thăm bà con, thăm lại căn cứ chỉ huy cũ. Nhớ đến người phụ nữ Thái địu con đi hoạt động cách mạng, Đại tướng cho mời cụ Đôi và em gái là cụ Lù Thị Ún đến chụp ảnh chung. Đại tướng bảo: “Tôi và các cô đều đã già cả rồi, chụp với nhau tấm ảnh để làm kỷ niệm, chẳng biết sau này tôi có còn lên được, có còn được gặp nhau nữa không”.
Bí thư Đảng ủy xã thông báo tin dữ về Đại tướng
Tấm ảnh mà cụ cứ ôm khư khư bên mình có từ ngày ấy. Đại tướng còn dặn cụ nhớ viết thư cho ông, nhưng cụ không biết chữ, nên chẳng biết viết như thế nào, chỉ biết mỗi lần nhớ “anh trai”, lại mang tấm ảnh kỷ niệm ra ngắm.
Từ lúc Bí thư xã thông báo hung tin Đại tướng mất, cụ Đôi không ngừng nức nở, rồi lại vuốt ve tấm ảnh kỷ vật. Nhìn tấm ảnh đã cũ nát và ngả màu dù đã được ép plastic, chúng tôi thật sự cảm động, nên đề nghị cụ cho chụp lại, sửa sang, phóng lại rồi sau này sẽ mang tặng cụ. Giữ đúng lời hứa, mấy ngày hôm sau, chúng tôi lên thăm lại Mường Phăng, đưa lại cho gia đình cụ Đôi và Đảng ủy, Chính quyền xã mấy bức ảnh đã chỉnh sửa lại đẹp hơn, cụ mừng lắm.
Cụ bảo: Từ ngày giải phóng đến giờ, cuộc sống của bà con đã thay đổi nhiều lắm rồi, bản làng đã có đường ôtô đến nơi, con cháu được đi học. Mừng nhất là Khu Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch mà cụ dẫn quân đi xây dựng ngày xưa, giờ đã được xây dựng khang trang để đón khách lên tham quan. Con cháu cụ kể lại, ở hội trường Trung tâm quản lý Di tích lịch sử Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng có đặt bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà cụ lại ở ngay trước cổng di tích. Vậy là ngày nào, cụ cũng bảo con cháu dẫn lên thắp hương tưởng nhớ đến “anh trai”, đến “vị thần hộ mệnh” của bản làng, dẫn quân lên đánh đuổi quân giặc, giải phóng cho đồng bào Điện Biên.
Quốc Chu
-
Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời
-
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chương trình nghệ thuật đặc biệt "Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử"
-
[PetroTimesTV] Tọa đàm "Tiếp lửa truyền thống - Cống hiến tương lai"
-
Phát hành bộ tem đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ