Người đàn bà biết bay (Kỳ I)
Kỳ I: Cô bé "Rạch giời rơi xuống"
Lịch sử hàng không thế giới sẽ phải mãi mãi ghi tên chị - Bởi chị đã thực hiện chuyến bay có một không hai trong lịch sử đối với loại máy bay trực thăng cỡ nhỏ. Và trên chặng đường dài dằng dặc ấy, chị đã phải quá cảnh qua 22 quốc gia, hạ cánh 40 lần, cất cánh 42 lần và trải qua bao nhiêu hiểm nguy, bất trắc...
Bà Anoa Dussol Perran |
Nhưng cuộc đời chị về sau này, không dừng ở kỳ tích đó... Chị là Anoa Dussol Perran, hiện đang là Giám đốc Công ty Du lịch An Hoa.
***
Tháng 6-1993, trong một lần sang lấy tài liệu ở Cục Hàng không dân dụng Việt Nam để viết về công tác bảo vệ cho những chuyến bay, tôi được nghe lõm bõm câu chuyện về việc có một phụ nữ là Việt kiều tên là Anoa lái máy bay trực thăng từ Pháp tới Việt Nam và xin mở công ty dịch vụ bay, hay nói nôm na là “Taxi bay”. Vì câu chuyện chả đến đầu đến đũa, cho nên tôi cũng không quan tâm... Mãi đến gần đây, tôi mới được biết người phụ nữ ấy hiện đang là Giám đốc Công ty Du lịch An Hoa, có khu biệt thự tuyệt đẹp ở Long Hải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thế là tôi tìm đến chị.
Bà Anoa Dussol Perran |
Đó là một phụ nữ “mình mai vóc hạc”, rất nhanh nhẹn, xởi lởi và tinh tế trong giao tiếp. Chị giới thiệu cho tôi đức lang quân của chị, ông Ricacdo Perran, đó là một người thuần Pháp và khi gặp, chúng tôi nhận ra nhau ngay bởi trước kia ông từng là Tổng giám đốc Sofitel Metropol, khách sạn 5 sao đầu tiên của Hà Nội.
Số là hồi năm 1992 - 1993, tôi có anh bạn người Pháp làm tư vấn cho tập đoàn công nghiệp lớn nhất nước Pháp là Alcatel-Asthom. Tập đoàn này cùng với Siemen của Đức, ABB của Thụy Điển tham gia đấu thầu thiết bị cho đường dây 500kV đang xây dựng. Các chuyên gia của 3 tập đoàn này đều chọn Metropol làm nơi ở và giao dịch, cho nên hầu như chả mấy ngày tôi không có mặt tại đó, thậm chí còn ở đây, có khi vài ba ngày... Vì thế cũng đã có nhiều lần được gặp ông.
Nói chuyện với nhau vài câu, rồi ông Ricacdo để tôi và chị Anoa làm việc, còn ông vào bếp chuẩn bị bữa trưa.
- Cho đến bây giờ, ký ức tuổi thơ của tôi về quê hương hầu như không có gì, bởi lẽ tôi theo cha sang Pháp từ năm lên 6 tuổi - Chị Anoa bắt đầu kể về cuộc đời mình bằng giọng bùi ngùi.
Chị nói tiếng Việt khá nhanh, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải chen tiếng Pháp.
Chị sinh năm 1957, trong một gia đình có mẹ người Việt Nam và mang cái tên đậm đặc chất nông thôn Nam Bộ - Nguyễn Thị Bông, còn cha cũng là người Việt, nhưng lại có tên Pháp - Alexandre Albert Dussol. Sở dĩ có tên như vậy là vì ông được một người Pháp nhận làm con nuôi từ nhỏ, cho nên người cha nuôi đã đặt tên Tây cho.
Năm 1963, thấy chính quyền Ngô Đình Diệm có thái độ chẳng tử tế gì với những người Pháp còn ở lại Việt Nam, gia đình ông Dussol quyết định sang Pháp định cư. Ngày 6-5-1963, cả gia đình sang Pháp và trong hộ chiếu có ghi rõ “San de retour” - Không trở lại!
Hai ông bà cũng thuộc dòng “mắn” con, cho nên chỉ trong vòng chưa đến 20 năm, đã sinh hạ được... 10 người. Anoa là thứ 4 trong nhà. Có một điều lạ là tất cả anh chị em đều hiền lành, ngoan ngoãn, lễ phép, thì Anoa ngay từ bé đã thuộc loại “rạch giời rơi xuống”. Nghịch ngợm như con trai đã đành, nhưng Anoa cũng sẵn sàng xông vào đánh nhau với lũ bạn trai nếu như chúng trêu chọc quá đáng hoặc bắt nạt bạn mình. Từ khi chưa đến trường học, Anoa đã bộc lộ tính cách cứng rắn và muốn gì là làm bằng được.
Một trong những trò chơi mà cô bé Anoa ưa thích là gấp những chiếc máy bay bằng giấy và ném lên trời. Nếu thấy chiếc nào liệng được xa là nhảy lên, vỗ tay... Cho đến giờ, chị vẫn nhớ một lần là khi lên 9 tuổi và đang học tiểu học ở Paris, chị đi chơi, quên không về ăn cơm, thế là bị cha nọc ra đánh. Lần đầu tiên bị cha cho ăn đòn, Anoa ức lắm và phản ứng bằng cách bỏ nhà ra đi... Lúc đầu, tưởng con lại bỏ đi chơi, gia đình cũng chỉ nghĩ là “nó đi chơi chán sẽ về”. Nhưng ông Dussol thì đứng ngồi không yên vì ông biết tính con...
Chờ đến tối, không thấy Anoa về, cả nhà hốt hoảng bổ đi tìm và phải nhờ đến cả gendarmerie (cảnh binh), cuối cùng mới tìm thấy cô bé đang ngồi run cầm cập dưới chân một chiếc cầu dưới trời mưa tầm tã. Khi ôm con vào lòng, ông Dussol nước mắt chảy ròng ròng và lúc ấy, Anoa mới òa khóc tức tưởi.
Năm 14 tuổi, Anoa tự vạch cho mình một “kế hoạch xây dựng cuộc đời” như sau: 18 tuổi phải biết lái ôtô. 21 tuổi có nhà riêng. 25 tuổi có công ty riêng. Nhưng trong “bản kế hoạch” này không có nói đến năm nào sẽ... lấy chồng. Và cả gia đình được một trận cười khi thấy Anoa trịnh trọng dán “bản kế hoạch” lên trước bàn học. Và Anoa đã thực hiện khi mới 16 tuổi là đi mua một căn nhà cũ, sửa chữa rồi đem bán. Có lãi, Anoa lại mua nhà, rồi lại bán... Chỉ trong 3 năm, chị mua, bán 10 căn nhà, và thế là có số vốn kha khá.
Học hết phổ thông, Anoa không vào đại học mà lại xin vào học Trường Pháp lý Công chứng ở quận 17 - Paris. Sở dĩ chị chọn trường này là vì nghĩ sau này, nếu muốn làm kinh doanh thì phải am hiểu luật pháp... Học xong Trường Pháp lý Công chứng, chị lại đăng ký đi học ở Trường Ngoại ngữ Quốc tế tại quận 8 - Paris.
Anoa bên chiếc trực thăng |
Kết thúc khóa học 2 năm, khi vừa tròn 20 tuổi, Anoa đi làm việc tại Văn phòng Giao dịch Thương mại bất động sản ở quận 17. Và trong quá trình làm việc tại đây, chị đã gặp một luật sư còn trẻ nhưng rất có tiếng tăm trong giới thượng lưu Paris - anh Maitre Eric Duret. Anh là luật sư chuyên về kinh tế và chính tài năng đã đưa anh trở thành bạn bè với Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, Thị trưởng Jacques Chirac hay diễn viên điện ảnh lừng danh Alain Delon cùng nhiều nhân vật danh tiếng... Thế là mặc dù chuyện lấy chồng không có trong “bản kế hoạch cuộc đời”, nhưng vẫn diễn ra khi chị 23 tuổi.
Có thể nói trong suốt gần 10 năm chung sống, đó là quãng thời gian tuyệt đẹp và cực kỳ hạnh phúc và duy có một điều buồn là hai người không thể nào có được một đứa con. Sau khi lấy chồng, chị thành lập công ty kinh doanh bất động sản và thiết kế xây dựng mang tên DUSSOL & ASSOCIES. Có được người chồng tài giỏi giúp đỡ nên công ty phát triển nhanh chóng và sớm có thương hiệu ở Pháp.
Cưới nhau được ít hôm, Anoa bày tỏ ý định với chồng là muốn về Việt Nam làm ăn. Sở dĩ chị nói như vậy là trong mơ hồ của tiềm thức, chị vẫn thấy mảnh đất Việt Nam có cái gì đó gắn bó với cuộc đời mình, mặc dù là chưa rõ ràng, chưa thành một khát vọng... Nghe chị nói, Duret gạt đi và khuyên vợ đừng bao giờ viển vông như thế nữa.
Cuộc đời của Anoa sẽ chỉ dừng ở đó và chắc chắn là trở thành một doanh nhân thành đạt trên đất Pháp nếu như không có một lần chị đi xem triển lãm hàng không ở sân bay Bourger.
Giấy phép bay của Anoa |
Nhìn những chiếc trực thăng xinh xắn biểu diễn bay tiến, bay lùi hoặc dùng càng gạt những chiếc hộp nhỏ trên đường băng, chị thích mê mẩn và sở thích “máy bay giấy” ngày nào lại trỗi dậy. Thế là Anoa xin vào Trường Hàng không Pháp ở Oocly học lái máy bay trực thăng.
Khóa học đó có 22 học viên thì duy nhất có chị là nữ. Nung nấu trong lòng quyết tâm trở thành phi công giỏi, nên Anoa chuyên cần học tập và cộng với năng khiếu “giời cho”, nên chị “học một biết mười”. Và sau 1 năm học, Anoa thi đỗ tốt nghiệp loại xuất sắc với số điểm 19/20.
Ngày 14-5-1989, chị được cấp bằng lái máy bay trực thăng loại AS350 và ngay sau đó, chị mua một chiếc trực thăng ECUREUIL (Con sóc) với giá khoảng hơn 4 triệu frăng (tương đương 500 ngàn euro).
Từ khi có máy bay, Anoa tự nhiên “phải lòng” bầu trời. Cảm giác được ngồi trong buồng lái điều khiển chiếc máy bay xem ra còn “dễ hơn lái ôtô” vì không sợ va quệt, không sợ ùn tắc và được tự do, lại được thỏa sức ngắm phong cảnh từ trên cao... thật khó có gì tả nổi.
Nhân một chuyến theo chồng đi ra đảo St.Martin và đảo St.Barthemey ở Tây Phi, nằm trong khối Liên hiệp Pháp, chị nảy ra ý định thành lập một công ty bay bằng trực thăng ở hòn đảo xinh đẹp này. Thế là mọi công việc kinh doanh bất động sản ở Paris, chị giao cho người khác trông nom, còn mình ra đảo... thành lập công ty bay dịch vụ mang tên Air St.Bartheme.
Anoa vừa là Giám đốc điều hành, vừa là phi công trực tiếp lái máy bay chở khách đi du lịch thăm đảo hoặc chở các doanh nhân đi công việc. Chị luôn bận rộn và... quên phắt ông chồng luật sư tốt bụng đang ở nhà. Thấy vợ mải mê “lên giời”, ông luật sư chán quá và dĩ nhiên là phải có người “bù đắp” vào khoảng trống ấy. Gần 1 năm sau, chị trở về Paris và biết chồng mình đã có người khác, thế là họ lặng lẽ chia tay nhau và trở thành những người bạn theo đúng nghĩa tốt đẹp nhất.
- Sự tan vỡ ấy có lẽ là ý trời anh ạ - Anoa nói với tôi bằng giọng buồn day dứt - Chắc chắn tôi sẽ mãi mãi ở lại Pháp nếu không có cuộc chia tay đó.
Cuộc chia tay đó đã để lại cho Anoa một nỗi buồn khôn nguôi và trong những ngày đầu cô đơn, trống trải đó, tự nhiên chị lại nghĩ đến Việt Nam.
Từ trong sâu thẳm của ký ức, hình ảnh quê hương là những trái ổi, trái cóc, trái me... được mẹ mua cho trong mỗi lần ra chợ cứ dần dà xâm chiếm tâm hồn chị. Khi chị kể điều này với các anh chị em, mọi người cho là chị “đổi tính”, bỗng dưng “lãng mạn”, nhớ quê! Nhưng chẳng hiểu sao, nỗi nhớ quê hương cứ lớn dần lên và khiến chị mất ăn mất ngủ. Chị tìm gặp những người ở Việt Nam mới sang để hỏi về quê hương và bộc bạch tấm lòng mình. Nhưng lạ thay, hầu như ai cũng nói rằng Việt Nam tuy có đổi mới, có thoáng hơn, nhưng cuộc sống vẫn đang khó khăn lắm. Và họ cũng nói rằng Chính phủ không tin tưởng vào những người Việt xa xứ...
Nhưng khi chị nói chuyện với ông Chirac, Thị trưởng thành phố Paris vừa có chuyến đi thăm Hà Nội về, thì ông lại có những nhận xét tốt đẹp, khác hẳn với những điều mà trước đây chị từng được nghe. Rồi ông cũng khuyến khích chị nên suy nghĩ nghiêm túc đến việc về Việt Nam đầu tư... Tuy nhiên, ông cũng khuyên chị phải tính toán cẩn thận, bởi vì môi trường đầu tư ở Việt Nam lúc này chưa hoàn thiện, các thủ tục còn quá rườm rà, rắc rối và về cơ bản, người Việt Nam chưa quen với cách làm ăn công nghiệp...
“Muốn bay được lên trời thì trước hết phải đi vững trên mặt đất” - Khi chị mới học bay, thầy giáo đã dạy chị như vậy. Suy rộng ra rằng, muốn về quê hương sinh sống và tìm kiếm cơ hội đầu tư làm kinh tế thì trước hết phải về để hiểu xem Việt Nam đang như thế nào. Hơn nữa, lúc này, chị đang “rảnh thân”, chẳng có một sự ràng buộc nào về gia đình, về vật chất, số tiền chị dành dụm được, nếu đem gửi ngân hàng lấy lãi thì chị có thể yên tâm mà “ăn chơi” cho đến hết cuộc đời...
Nhưng bản tính là người ham công việc và cũng có máu phiêu lưu, thế là Anoa quyết định về Việt Nam vào đầu năm 1992. Chị xin vào làm ở Tập đoàn Xây dựng FEAL bởi vì lúc này tập đoàn đang tham gia cải tạo và nâng cấp khách sạn Sofitel Metropol tại Hà Nội. Biết tiếng chị đã lâu, lại thấy chị là Việt kiều, cho nên tập đoàn cử chị làm Cố vấn đối ngoại và sang Việt Nam công tác.
Vào một buổi sáng tháng 3-1992, chuyến bay của Hãng Air France hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Khi vừa xuống hết cầu thang máy bay, đặt chân lên mảnh đất quê hương, tự dưng nước mắt chị chảy ra, rồi chị ngồi thụp xuống khóc nức nở trước sự ngạc nhiên của bao người. Thế là sau 35 năm xa quê, chị đã trở về. Khi đi, chị chỉ là một đứa bé, còn bây giờ, khi trở về đã là người phụ nữ từng trải...
Vì là cố vấn đối ngoại, cho nên chị hay phải đưa các đoàn khách quan trọng từ Pháp sang đi thăm thú nơi này, nơi khác, mà ở phía Bắc, một trong những nơi mọi người muốn đến nhất là vịnh Hạ Long. Nhưng ngày ấy, để có một chuyến xuống thăm vịnh Hạ Long thì phải vất vả và mất thời gian vô cùng. Quãng đường chỉ khoảng 175 cây số, nhưng đi ôtô phải hết 8 đến 10 tiếng đồng hồ. Đường sá chật hẹp đã đành, nhưng lại còn xuống cấp thê thảm, ổ gà, ổ voi làm xe xóc tung người, nhiều đoạn xe đi như chui trong màn bụi...
Từ Hà Nội, phải đi xuống Hải Phòng bằng con đường số 5 lúc nào cũng nườm nượp xe container chạy bất chấp tất cả. Tới Hải Phòng lại phải xếp hàng chờ qua phà Bến Bính. Sang phà, đi được gần 20 cây số, lại xếp hàng chờ qua phà Rừng... Đây là quãng sông rộng nhất ở phía Bắc, thời gian đi phà cũng gần nửa giờ, đó là chưa tính lúc phải chờ đợi. Rồi khi đến Quảng Ninh, muốn sang thị xã Hòn Gai, lại phải qua phà Bãi Cháy, cũng lại chờ, lại đợi...!
Rồi lại những lần đi thăm Điện Biên Phủ... Quãng đường hơn 500 cây số mà ôtô chạy mất gần 3 ngày. Một ngày từ Hà Nội lên Mộc Châu; một ngày từ Mộc Châu sang Tuần Giáo và hôm sau nữa mới tới Điện Biên... Con đường 6 đi hun hút xuyên rừng, lên đèo, xuống dốc chóng mặt; qua núi cao, vực thẳm rợn người. Và chỉ cần một trận mưa nhỏ là có thể gây ách tắc giao thông vài ngày.
Thấy quá khổ vì những con đường, bỗng nhiên chị nhớ tới những chuyến bay vô cùng nhanh chóng, tiện lợi bằng trực thăng mà chị lái trên đảo St.Martin... Vậy là chị nảy ra ý định xin Chính phủ Việt Nam cho thành lập công ty bay dịch vụ bằng trực thăng.
Chị chạy đi gõ cửa khắp nơi nhưng khi nghe tự giới thiệu chị là phi công lái trực thăng, thì mọi người nhìn chị như “người trên giời rơi xuống”. Thấy rõ những ánh mắt nửa tin nửa ngờ của mọi người, chị quyết định phải làm sao cho tất cả hiểu được ý chí, nghị lực và tình yêu quê hương của mình. Và chị trở về Pháp, chuẩn bị cho chuyến trở lại Việt Nam lần thứ hai bằng chiếc trực thăng của mình.
Vào đầu năm 1993, Anoa bắt tay vào chuẩn bị cho chuyến bay về bằng trực thăng của mình. Nhưng ngay từ đầu, chị đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều người, trong đó có không ít phi công trực thăng lão luyện. Và tất cả đều khuyên Anoa là tháo máy bay ra, đóng container và thuê Air France chở về Việt Nam. Như vậy vừa an toàn, lại vừa tiết kiệm.
Nhưng với bản tính “khác người”, càng có người can ngăn, thì lại càng làm tăng thêm quyết tâm của chị, hơn nữa Anoa cũng muốn chứng tỏ mình không phải là người phụ nữ yếu đuối và là một phi công thực thụ, cho nên chị bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên ấy mà lao vào việc chuẩn bị.
Việc đầu tiên là chị phải lên một lịch trình bay từ sân bay trực thăng. Công việc này không có gì là phức tạp bởi trong tay Anoa có bản đồ sân bay của tất cả các nước trên thế giới. Với loại máy bay trực thăng “Con sóc” như của chị, tầm bay an toàn là dưới 500km và trong khoảng thời gian hơn 2 giờ nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Sau khi “chấm” các điểm phải dừng để kiểm tra máy bay và nạp thêm xăng, chị “giật mình” khi thấy phải bay qua 22 quốc gia và đỗ ở 41 sân bay (chưa kể sân bay Nội Bài - Hà Nội là điểm tới cuối cùng).
Theo nguyên tắc của hàng không, trước khi cho máy bay đến hạ cánh ở sân bay nào, hãng bay phải khai báo toàn bộ lịch trình bay như: Tên tuổi các thành viên phi hành đoàn; loại máy bay; cất cánh tại đâu; bay hết bao nhiêu giờ; sẽ hạ cánh lúc nào...? Trong trường hợp gặp trục trặc kỹ thuật hoặc thời tiết bất lợi sẽ hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay nào? Thời gian ở lại sân bay bao lâu v.v...
Đây quả là công việc “nhiêu khê” và mất rất nhiều thời gian bởi mỗi quốc gia lại có luật lệ hàng không của riêng mình, đặc biệt là những quốc gia vùng Trung Đông, nổi tiếng là duy tâm. Mà làm được việc ấy, đâu phải tự Anoa có thể giải quyết. Vì không phải là chuyến bay thương mại bình thường, cho nên phải đi qua con đường là Bộ Ngoại giao. Lúc đầu, các quan chức có trách nhiệm của Bộ cũng chẳng mặn mà gì và Anoa thấy rõ điều đó. Thế là chị phải “chạy” lên Tổng thống François Mitterand.
Sau khi nghe chị trình bày và năn nỉ, Tổng thống hứa sẽ giúp đỡ. Một công văn truyền đạt ý kiến của Tổng thống được Chánh Văn phòng Tổng thống ký, chuyển xuống Bộ Ngoại giao, yêu cầu Bộ có trách nhiệm giải quyết các thủ tục lãnh sự đối với tất cả các nước mà Anoa sẽ quá cảnh. Thậm chí, Tổng thống còn yêu cầu là khi Anoa đến quốc gia nào, Đại sứ Pháp tại quốc gia đó phải đích thân ra đón và cơ quan đại sứ phải chịu trách nhiệm bảo đảm các thủ tục cần thiết cho chặng bay tiếp theo.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Năng lượng Mới số 469
-
Trực thăng đưa ngư dân bị chấn thương sọ não từ đảo Trường Sa về đất liền
-
Khám phá bảo tàng quân sự dưới nước đầu tiên của Jordan
-
Quân đội Mỹ "đau đầu" vì lô trực thăng mới chuyên chở Tổng thống Biden
-
Cận cảnh trực thăng tiếp cận, giải cứu các thuyền viên trên tàu gặp nạn
-
Khai thác đường bay Vũng Tàu - Côn Đảo bằng trực thăng