Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nghịch lý cử nhân… thất nghiệp

10:40 | 28/09/2013

2,278 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều trường đại học không công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm mặc dù đây là một trong các tiêu chí mà Bộ GD-ĐT yêu cầu phải công khai. Vì vậy, các trường hầu như không nắm được tình hình việc làm của sinh viên ra trường cũng như nhu cầu xã hội.

Cử nhân chật vật tìm việc

Sinh viên ra trường không tìm được việc làm, tấm bằng cử nhân đành "vứt xó", phải chấp nhận làm trái ngành, trái nghề hoặc làm việc lao động chân tay thông thường… Trong khi đó, trong nhiều ngành, nhiều đơn vị lại đang thiếu nhân lực, nhân công. Đây là một nghịch lý đáng lo ngại hiện nay.

Theo báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 1/10/2012, trong tổng số 984.000 người thất nghiệp và 136.900 người thiếu việc làm, số người thất nghiệp từ 15 đến 24 tuổi chiếm gần một nửa (46,8%). Trong số 984.000 người thất nghiệp đó, có 55.400 người trình độ CĐ (chiếm 5,6%) và 111.100 người có trình độ ĐH trở lên (11,3%).

Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tình trạng thất nghiệp có xu hướng tăng mạnh, tập trung chủ yếu ở nhóm thanh niên đô thị. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp chiếm 4,2% (năm 2008); 4,1% (năm 2009) và tăng lên 5,2% (năm 2010), trong đó ở khu vực đô thị là 7,8%, cao gần gấp 2 lần nông thôn (4,3%). Cũng theo một thống kê khác, hơn 60% sinh viên ra trường không có việc làm hoặc phải làm những công việc tạm thời, không đúng với chuyên ngành. 

Sinh viên hiện nay không có sự định hướng nghề nghiệp từ trên ghế nhà trường.

Vẫn được xem là một ngành học "hot”, dễ kiếm việc, nhưng giờ đây sinh viên khối ngành kinh tế cũng đang chật vật tìm việc làm. Thậm chí sinh viên tốt nghiệp những trường “hot” thuộc top trên như ĐH Ngoại thương cũng không tránh khỏi cảnh thất nghiệp. Hoàng Thị Ngân, tốt nghiệp loại khá khoa Kinh tế đối ngoại (ĐH Ngoại thương Hà Nội) đã một năm nay nhưng chưa xin được việc làm. “Em sẽ tiếp tục tìm việc đến hết năm nay, nếu không tìm được công việc đúng ngành, có lẽ em phải xin làm lễ tân, tiếp thị… để trang trải cuộc sống”, Ngân cho biết.

Không chỉ khối ngành kinh tế mà ở các nghề khác như sư phạm, các ngành xã hội, kỹ thuật, nhiều sinh viên cũng chật vật tìm kiếm việc làm. Đặng Thị Ngọc (quê Bắc Giang) tốt nghiệp lớp cử nhân tài năng của trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã ra trường 2 năm nay, nhưng vẫn chưa tìm được việc.

Ngọc chia sẻ: “Ra trường, mình nộp hồ sơ ở nhiều nơi trong thành phố nhưng không được nhận vì nhiều nơi yêu cầu có bằng giỏi, mình chỉ được bằng khá. Sau đó mình về quê xin việc nhưng cũng chật vật mãi không xin được vào đâu. Hiện mình xin dạy hợp đồng tại một trường THPT dân lập ở quê với mức lương 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Không biết đến bao giờ mình mới có được một công việc chính thức”.

Sinh viên tốt nghiệp ĐH xin việc làm đã khó, sinh viên tốt nghiệp hệ CĐ lại càng chật vật hơn khi đi xin việc. Tốt nghiệp trường CĐ Sư phạm Hà Nội, nhưng hiện nay, Nguyễn Thị Hoa lại phải làm bảo vệ cho một quán cà phê. "Ra trường hơn một năm nay nhưng em chưa tìm được việc làm, phát hồ sơ đi nhiều nơi nhưng cũng không xin được việc. Em xin làm bảo vệ ở quán cà phê để lấy tiền trang trải cuộc sống”, Hoa ngậm ngùi nói.

Bỏ trống việc công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm

Theo Quy chế thực hiện 3 công khai mà Bộ triển khai từ năm 2009, các trường ĐH, CĐ phải công bố trước xã hội về tỷ lệ sinh viên (SV) có việc làm sau khi ra trường một năm. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường chưa công bố được tỷ lệ này, có trường công bố không đầy đủ hoặc mang tính chất chiếu lệ.

Việc xây dựng chuẩn đầu ra và công khai thông tin đến người học của các trường TCCN cũng hết sức qua loa. Rất nhiều trường không công khai chuẩn đầu ra trên trang web, trường nào có thì thực hiện na ná nhau, mang tính đối phó. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, thừa nhận: “Đến thời điểm này vẫn có không ít trường chưa xây dựng chuẩn đầu ra. Các trường đã công bố thì đa số đưa ra những gạch đầu dòng chung chung, mang tính hình thức, chưa xây dựng được những chi tiết cụ thể”.

Nhà trường chưa có những điều tra cụ thể về nhu cầu nhân lực của xã hội.

Được đánh giá là một trong những trường ĐH có công tác thống kê số lượng sinh viên ra trường tốt nhất, ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức hoạt động này trong 6 năm liền; tuy nhiên con số thống kê được chỉ đại diện cho một nhóm nhỏ sinh viên. TS Nguyễn Công Khanh - Giám đốc Trung tâm Đảm bào chất lượng và Khảo thí, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Chúng tôi gửi các mẫu phiếu khảo sát cho sinh viên tốt nghiệp năm đó nhưng thông thường chỉ nhận được từ 30-40% phản hồi và sử dụng nó để lên dữ liệu”.

TS Khanh cũng cho biết, số lượng sinh viên ra trường năm 2013 là 1553 sinh viên; trong đó đã có việc làm/sắp đi làm là 27,3%, số sinh viên chưa có việc làm là 67,3% và số không trả lời là 5,4%. Trong khi đó, năm 2012 là 1692 sinh viên ra trường; trong đó số sinh viên có việc làm/sắp đi làm là 28,5%, số sinh viên chưa có việc làm là 56,7% và số không trả lời là 14,9%.

Mặc dù có số lượng thống kê khá cụ thể, những TS Nguyễn Công Khanh cũng thừa nhận trường ĐH Sư phạm Hà Nội chưa phối hợp với các tổ chức dự báo nhân lực và cũng chưa có điều tra cụ thể về nhu cầu của xã hội đối với ngành sư phạm. TS Khanh cho biết để thực hiện tốt việc thống kê này, nhà trường phải tiêu tốn hàng trăm triệu đồng/năm, nhưng nguồn kinh phí nhà nước cấp cho thì có hạn.

Về việc các trường không thực hiện nghiêm túc chuẩn đầu ra, trong đó có tỷ lệ SV tốt nghiệp ra trường có việc làm, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Trường nào không làm hoặc làm không đầy đủ, Bộ sẽ chấn chỉnh bằng cách có hình thức nhắc nhở nhất định để các trường thực hiện đầy đủ và nghiêm túc”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, đến nay đã có 150 trường đại học, cao đẳng thành lập trung tâm tư vấn việc làm và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức điều tra về việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực.

Từ năm 2013, Bộ GD-ĐT cũng đã thông báo tình hình đào tạo các ngành nghề và tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” (như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán…), đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hạn chế thành lập mới các trường đại học đào tạo các ngành này.

Việc cảnh báo này đã góp phần giúp người học có định hướng và lựa chọn ngành nghề đúng đắn hơn (năm 2013, số hồ sơ đăng ký dự thi nhóm ngành Kinh tế - Quản lý đã giảm 10,5%, trong khi đó nhóm ngành Khoa học sức khỏe tăng 1,7%; Môi trường và Bảo vệ môi trường tăng 1,4%; Công nghệ - Kỹ thuật tăng 0,5%).

Khánh An