Nghệ sỹ Phó An My: “Giao hưởng cũng giống Tuồng, Chèo...”
Âm nhạc truyền thống không bao giờ là cũ
- Đã từng kết hợp Piano với Chầu văn, Tuồng, hò Huế... có nghĩa là kết duyên giữa âm nhạc bác học Phương Tây với nhạc truyền thống Việt Nam không phải là mới với Phó An My. Nhưng đưa mối lương duyên này “xuống phố” thì chắc là lần đầu?
- Đúng, đây là lần đầu tiên mình đưa nó ra ngoài nhà hát và trình diễn ở một sân khấu đường phố như thế này. Cảm giác cũng hay, cũng thích thú.
- Xuất phát từ đâu mà chị có ý tưởng kết duyên giữa âm nhạc Phương Tây với Nhạc truyền thống?
- Mình không phải là người phát minh ra ý tưởng này, trên thế giới sự kết hợp này đã có từ lâu rồi. Áp vào thực tế Việt Nam thì tôi thấy rằng, âm nhạc truyền thống Việt đáng yêu lắm. Mà nhạc truyền thống thì không thể mất đi được nên tôi muốn làm một điều gì đó cho nó, tất nhiên là dưới góc nhìn của tôi.
Về kỷ niệm lúc phôi thai ý tưởng thì phải nói là ngẫu nhiên, tình cờ, một lần tôi đi tìm điểm diễn để tham gia festival Huế, bắt gặp những khung cảnh ở Huế, tôi bắt đầu nảy sinh ý tưởng đầu tiên về đối thoại Đông - Tây. Lúc đó nghĩ ngay rằng, phải làm cho bằng được, đó phải chăng cũng là một cái duyên. Và đã cùng nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên làm công việc này từ 2006.
- Là một người được đào tạo bài bản về âm nhạc Phương Tây, chị có cái nhìn như thế nào về nhạc truyền thống Việt?
- Có thể đó là sự thiệt thòi của tôi, tôi học Piano từ rất sớm nhưng lại ít nghe nhạc truyền thống. Sau này về nước tôi mới được tiếp cận. Như bạn biết thì âm nhạc truyền thống vốn dĩ là sự truyền khẩu, ngày xưa các cụ có thể ra đình làng hát ví, hát giao duyên với nhau, nói chuyện với nhau bằng âm nhạc vì thế mà cũng sinh ra nhiều dị bản. Nhưng cái hay là ở chỗ, mang đậm chất vùng miền. Chính cái đó tạo sức hấp dẫn, để đào sâu tìm hiểu.
Âm nhạc dân tộc không bao giờ cũ và cũng chẳng thể mất đi. Tôi tin tưởng vào điều đó.
- Kết hợp Piano với Chầu văn, với Tuồng, hò Huế... hẳn là quá mạo hiểm vì rất dễ phá vỡ mất đi phần hồn của nhạc truyền thống Việt.Chị nghĩ sao về ý này?
- Thực tế thì âm nhạc cổ điển đâu có quá xa lạ, mà âm nhạc dân tộc thì tôi nghĩ rằng trong máu của mỗi người rồi. Bạn không thể nói rằng bạn không hiểu gì về âm nhạc truyền thống Việt, bởi tôi cá rằng nó đi vào lòng người lắm, không cần một kiến thức uyên thâm. Nói đơn giản là vậy.
Còn khi kết hợp hai dòng nhạc này tôi và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên cố gắng tôn lên những bản sắc của cả hai chứ không phải làm mất đi, hay dìm xuống. Âm nhạc là đời sống mà, mình hòa nó vào nhưng mình không phá nó mà muốn giữ cái nguyên bản của nó.
Có điều, tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là khi nghe nhạc mình có thể nhắm mắt lại và cảm. Và tất cả những thắc mắc tại sao các dòng nhạc có thể đứng cạnh nhau có phải chăng nó là một cản trở.
Nghệ sỹ Tuồng, Xuân Qúy trình diễn dưới nền nhạc Piano của Phó An My trong chương trình Luala Concert
- Đã từng kết hợp và có những sản phẩm như "Phiêu Thanh", "Lửa thiêng”, “Tiếng thốt” và... “Bóng”. Đã có tác phẩm nào chị thấy chưa thực hài lòng?
- Nói thật là khi đưa ra một đứa con tinh thần mình mang nặng đẻ đau thì mình làm sao mà thấy nó xấu. Thật phi lý khi nặn nó xong rồi thì lại ngồi chê bai. Tất nhiên mình đủ ý thức và nhận biết tác phẩm đó như thế nào. Mình có thể sửa, lần sau, lần sau nữa, điều đó hết sức bình thường. Một tác phẩm sau một lần công diễn không có nghĩa là hoàn hảo. Nó có thể thay đổi theo thời gian. Mà còn phụ thuộc vào tâm trạng lúc diễn nữa, tốt thì chơi hay, không tốt thì nó cứ dở dở.
- Vậy sau khi kết hợp thì hiệu ứng từ phía khán giả thế nào?
- Cũng thấy khán giả chú ý lắng nghe, thấy vui vui sau mỗi lần diễn. Cũng có những lần diễn xong mệt quá không để ý nữa. Nhưng chắc rằng khán giả đến đông đa phần là do tò mò chăng?!
Một người xem cũng diễn
- Nhìn nhận thẳng vào thực tế thì âm nhạc giao hưởng vẫn kén người nghe, không biết sự kết hợp với nhạc truyền thống của chị có khá hơn không khi mới dừng ở mức độ thử nghiệm?
- Mình không muốn dùng chữ “thử nghiệm”, đây đâu phải thử nghiệm đâu, những sản phẩm mình gửi đến công chúng đều đã có hình hài, là một tác phẩm độc lập rồi mà. “Thử nghiệm” không phải là một dòng nhạc.
Còn âm nhạc cổ điển kén khán giả, đương nhiên rồi, có gì mà phải căng thẳng. Ngay cả những nước Phương Tây đã là cái nôi của nhạc cổ điển thì cũng chỉ có một bộ phận công chúng yêu thích thôi.
- Có cảm giác rằng, chị đặt khán giả ngoài guồng quay?
- Không, chỉ có điều bản thân mình mà thấy chưa ổn thì không thể đưa ra bắt khán giả nghe, hoặc ổn ổn rồi thì mình cũng phải dò xét. Không phải cầu toàn nhưng mình có trách nhiệm với tác phẩm của mình. Tôn trọng người nghe, không nên làm những cái mình thích mà bắt người khác phải thích theo.
- Thế chị tự thấy mình đang ổn hay chưa ổn?
- Thật là không khách quan nếu phải tự đánh giá về mình.
- Nhưng với một người nghệ sỹ, được phục vụ đông đảo công chúng không phải tốt hơn sao?
- Với mình thì chỉ cần một vài người xem cũng diễn. Không có gì phải căng thẳng cả, mình làm vì sở thích của mình, khi cần có người nghe là sướng lắm rồi. Mà nó cũng còn phải tùy duyên nữa.
- Duyên ở đây theo chị là gì?
- Duyên giữa nghệ sỹ và khán giả. Những người nổi tiếng ngoài tài năng đặc biệt thì hình như họ được trời phú cho cái duyên, có duyên mới ở trong lòng khán giả để họ nhớ được.
- Chị có đặt mục tiêu phải sống được bằng nghề không?
- Không biết mọi người nghĩ thế nào nhưng bản thân mình thì quan niệm sống bằng cái gì chả được, có thế nào sống thế. Miễn là mình làm mình sống. Ngành nghề nào cũng thế thôi, có người giàu rồi họ lại muốn kiếm cho giàu thêm, đấy là ý thích. Nhưng mình thì biết mình cần gì, để sống hàng ngày có cơm ăn, ai chả sống được. Mà nói thật là sống thế cho nhàn.
- Nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ” mà, hơn nữa đâu phải sống cho riêng mình?
- Mình đề cao tính tự lập, mình làm sao tự hưởng, thân ai nấy lo. Mà nhiều lúc nghĩ mình già rồi, yếu rồi, muốn đón nhận những gì vui vẻ thôi.
- Tôi vẫn thắc mắc rằng, một tài năng được đào tạo nước ngoài bài bản như chị lại không về Việt Nam dạy học?
- Mình không có khả năng sư phạm, dạy chắc học trò ngủ gật quá.
- Thế chị có kỳ vọng vào một điều gì lớn lao, đại loại mỗi trẻ em Việt Nam sẽ biết chơi một loại nhạc cụ?
- Để làm gì nhỉ? Để mình chơi nhạc cổ điển hay nhạc truyền thống hay một thể loại nào đó, chúng hiểu được ngay?. Tôi không nghĩ thế, mỗi người làm một ngành nghề cho riêng mình. Và thẩm thấu nghệ thuật, đương nhiên mỗi người sẽ có mức độ khác nhau. Đừng đòi hỏi điều gì cao siêu quá.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Huyền Anh (Thực hiện)
Ảnh: Nguyễn Á
-
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Thúc đẩy dòng chảy văn hóa sáng tạo Thủ đô
-
Cơ hội xem những bộ phim tài liệu về phát triển bền vững
-
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam miễn phí vé cho khách tham quan
-
Phẩm cách người Hà Nội - dòng mạch ngầm chảy mãi
-
Bài cuối: Động lực để phát triển lên tầm cao mới