Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nghệ sĩ Minh Vượng: “Khó tìm lại được một thế hệ vàng…!”

20:00 | 13/11/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
“Để có một lớp thế hệ vàng như Nguyệt Ánh, Thế Anh rồi Trà Giang, Lâm Tới… thì khó lắm bởi thế hệ trẻ bây giờ phải đứng trước nhiều cái khó…” - Nghệ sĩ Minh Vượng tâm sự.

Đã lâu rồi không thấy chị xuất hiện trên trên truyền hình, lý do ở đây là gì thưa chị?

- Đúng là đã rất lâu Minh Vượng không có điều kiện xuất hiện trên truyền hình. Nhưng trên sân khấu thì mình vẫn “hoạt động” rất đều đặn. Đã hai năm nay, kể từ khi nhận sổ hưu là Minh Vượng về đầu quân cho Nhà hát Chèo Hà Nội, như trở về với tình yêu thầm kín bấy lâu. Bận rộn với môi trường mới, với những dự án sân khấu nhằm khéo khán giả đến gần với Chèo, quả thực mình như được sống lại những năm tháng của tuổi trẻ, vô cùng tất bật, vô cùng hồ hởi…

- Minh Vượng dành tình yêu cho Chèo, điều mà công chúng không mấy người biết đến?

- Mọi người đã quá quen với hình ảnh một Minh Vượng diễn hài, diễn kịch… Chứ chèo thì không mấy khi. Nhưng quả thật là, chèo đã là tình yêu thầm kín, nhen nhóm trong Minh Vượng từ rất lâu rồi. Năm 1972,  Minh Vượng đã chọn chèo là bộ môn nghệ thuật để thi tuyển. Nhưng rồi do nhiều lý do mà mình phải chuyển sang học trường Nghệ thuật Hà Nội. Sau đó năm 1978, Minh Vượng ra trường, đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội, là một diễn viên kịch nói cho đến khi về nhận sổ hưu...

Phải đến năm 2011, Minh Vượng mới có điều kiện quay trở lại với chèo. Mình cũng nghĩ đó là duyên nghiệp, là tình yêu nên đã nâng niu, nuôi dưỡng nó. Tại sân khấu này, điều vui nhất là Minh Vượng vẫn được tiếp cận với đối tượng khán giả nhỏ là thiếu niên nhi đồng. Khỏi phải nói là vui đến thế nào. Nhiều khi mọi người cứ nghĩa sân khấu truyền thống khô khan, cứng nhắc… Nhưng không phải. Bằng chứng là những ngày qua, có ngày Vượng phải diễn đến 5-6 Show một ngày. Mà đối tượng toàn những khán giả trẻ là thiếu niên, nhi đồng… các cháu đón nhận rất nồng nhiệt.

Nghệ sĩ Minh Vượng đang bận rộn với sân khấu Chèo

- Quá quen với hình ảnh một diễn viên hài, gây cười cho khán giả chỉ cần những cái liếc mắt, đưa chân… thậm chí chỉ cần xuất hiện. Vậy một Minh Vượng trên sân khấu chèo sẽ như thế nào, thưa chị?

- Vẫn là những nhân vật gây cười. Dạo gần đây nhà hát chèo cũng có những dự án mới nhằm kéo công chúng đến với sân khấu và hướng đến đối tượng khán giả trẻ. Nên chuyển thể từ những câu chuyện cổ tích gần gũi với thiếu nhi để mang đến sân khấu chèo đã nhận được nhiều sự hưởng ứng.

Minh Vượng trở về với sân khấu chèo bằng những vai diễn như Phú ông độc ác, Mẹ Lý Thông, Con chó vàng… Những hình ảnh gắn liền với những câu chuyện mà các bé được học, để các bé dễ tiếp cận hơn. Tuy có bị ghét chút xíu về việc hay đóng vai ác, nhưng để các cháu hiểu hơn đâu là chân lý, đâu là thiện, đâu là ác… thì mình cũng cảm thấy mãn nguyện.

Nhưng không phải vì thế mà khán giả nhí bớt đi tình yêu với Minh Vượng nhé. Diễn cho thiếu nhi xem nó kỳ lắm, cảm xúc không thể lường trước được. Nó phản ứng rất hồn nhiên, khi mình diễn vai ác thì các con hét lên : Ôi bạn Minh Vượng ơi bạn đừng ác thế… Hay khi diễn vai mà các bé thích xong, các bé ùa lên sân khấu khen: “Bạn diễn vai này tôi thích ghê cơ ấy…”. Đấy, chỉ cần như vậy thôi, mình đã sướng tê đi rồi. Thử hỏi, một diễn viên hơn 60 chục tuổi đầu như mình, lại được các cháu thiếu nhi gọi là bạn thì sung sướng quá đi chứ…

- Là một nghệ sĩ trên sân khấu kịch, rồi đến diễn viên hài… bây giờ là nghệ sĩ chèo. Có sự khó khăn nào ở đây không, thưa chị?

- Có cái khó là luôn ở trạng thái “ngoại cỡ”. Nói vui thế này, chẳng ai mặc vừa quần áo diễn của Minh Vượng và ngược lại. Vậy nên các vai diễn trên sân khấu chèo của mình được may lại mới hết. Một mình một mốt vậy đó…

Còn đúng là từ một diễn viên hài, kịch… chuyển về chèo cũng khá khó khăn. Là bởi phải học lại tất cả những điệu chèo, rồi hát ra sao, xướng âm thế nào… Khá là vất vả. Nhưng vì, máu yêu nghề có sẵn, mình cố gắng thôi. Về với chèo cứ như là cá về với nước vậy đó. Và phải nói thật là, mình luôn có sự nể trọng với những bộ môn nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương… Nên cố gắng “vượt khó” mà sống và yêu lấy nó.

- Nhưng lâu không xuất hiện trên truyền hình, chị có sợ khán giả quên mình? Trong khi đó nghệ thuật truyền thống thì vẫn đang èo uột?

- Mình không ngại việc khán giả sẽ quên hình ảnh của  Minh Vượng, bởi xét cho cùng làm nghệ thuật không phục vụ bộ môn này thì phục vụ bộ môn khác. Mình vẫn cảm thấy rằng có ít nghệ sĩ được như mình lắm, mình đang được sống, được thăng hoa… với nghề. Và cũng phải rất cảm ơn rằng, tổ nghề đã đãi mình, cho mình cống hiến với nghệ thuật đến nay không có gì phải luyến tiếc cả.

Còn sân khấu truyền thống thì thời gian gần đây Minh Vượng thấy nó đang khởi sắc đó chứ. Như sân khấu Chèo của Minh Vượng, hai năm qua đã cho ra 8 sản phẩm mới… được đón nhận rất nhiệt tình. Lâu lâu lại có khán giả hỏi, có tác phẩm mới dựng không để đến xem… Như vậy, vui quá còn gì.

Hết lòng mang lại tiếng cười cho trẻ

- Không chỉ là một nghệ sĩ, chị còn tham gia công tác giảng day. Tiếp xúc với thế hệ trẻ, sau này sẽ là tầng lớp nghệ sĩ tiếp nối con đường của chị. Chị có nhận xét gì về thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay?

- Hiện tại, mình đang giảng dạy tại Trường cao đẳng Sân khấu Hà Nội, khoa Điện ảnh, kịch và múa. Mình thấy rằng để có một lớp thế hệ vàng như chị Nguyệt Ánh, anh Thế Anh rồi chị Trà Giang, anh Lâm Tới… thì khó lắm. Ngày xưa, họ đi học là tuyển đúng năng khiếu và khi được chọn đào tạo rồi được chi tiền học. Nhưng bây giờ các em được tuyển vào tự do và phải tự nộp tiền. Một lớp có đến 30 sinh viên đó, nhưng nói thật ra trường còn được mấy người đi đến cuối con đường này đâu. Tâm lý nghệ thuật truyền thống sống được với nghề cũng khó, nên rất ít người trẻ dám theo nghề. Có chăng là với tình yêu thực sự.

Điều đó cũng không thể trách các em được, thời buổi còn nhiều khó khăn, “Gạo châu củi quế” mà. Vậy nên, những em nào đến được với nghề, nỗ lực với nghề càng đáng được trân trọng…!

- Vậy chị muốn nhắn nhủ điều gì đến thế hệ những người trẻ đó?

- Sân khấu nói riêng và nghệ thuật nói chung bao giờ chẳng có lúc tiến, lúc lùi.. lúc thăng, lúc thầm…Khó khăn đó nhưng rồi cũng sẽ qua, vất vả đó nhưng rồi cũng sẽ được đền đáp. Cái được là mang đến niềm vui cho khán giả là điều hạnh phúc nhất. Minh Vượng mong rằng, ai đã nuôi dưỡng tình yêu với nghề thì hãy giữ cho trọn vẹn tình yêu đó…!

Vâng, xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Huy An (Thực hiện)