Nga tìm cách khôi phục xuất khẩu dầu về mức trước chiến sự
Đường ống khí đốt Power of Siberia của Nga. Tổng chiều dài của đường ống 3.968 km, công suất 61 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm, trong đó 38 tỷ m3 được cung cấp cho Trung Quốc. |
Trong khi đó, nhu cầu dầu ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng đáng kể sau khi nước này dỡ bỏ các hạn chế do sự gia tăng tỷ lệ nhiễm Covid-19. Vì vậy, các nhà sản xuất dầu mỏ Nga đã có thể chuyển hướng xuất khẩu từ tây sang đông. Trang tin 1prime của Nga mới đây đã có bài viết phân tích về vấn đề này.
Nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Trung Quốc
Theo Tổng cục hải quan Trung Quốc, trong tháng 4 vừa qua, nguồn cung dầu của Nga cho nước này đã tăng lên 6,55 triệu tấn (tương đương 1,59 triệu bpd), tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2021.
Nếu tính trong cả giai đoạn 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc đã giảm 7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 25,61 triệu tấn (tương đương 1,56 triệu bpd). Trong giai đoạn này, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã phải trả 17,11 tỷ USD cho nguồn cung dầu từ Nga, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, giá dầu trung bình mà Nga cung cấp cho Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay đã lên tới 91,5 USD/thùng.
Phần lớn lượng dầu thô mà Nga cung cấp cho Trung Quốc là thông qua đường ống Skovorodino-Mohe, một nhánh của đường ống dẫn dầu chính Đông Siberia - Thái Bình Dương (ESPO) với công suất 80 triệu tấn/năm. Ngoài ra, dầu thô Nga còn được vận chuyển qua cảng biển Kozmino, điểm cuối của ESPO. Đối với các công ty Nga, khả năng cung cấp dầu cho Trung Quốc bằng đường ống là một lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, khách hàng chính mua dầu tại cảng Kozmino là Trung Quốc và một số đốt tại ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á.
Ngoài ESPO, Nga cũng cung cấp dầu thô cho Trung Quốc thông qua đường ống Atasu-Alashankou (Kazakhstan) với sản lượng 10 triệu tấn mỗi năm. Ngoài ra, một sản lượng nhỏ được vận chuyển từ các liên doanh dầu khí Sakhalin-1 và Sakhalin-2 trên đảo Sakhalin.
Nga đứng thứ hai về nguồn cung dầu thô cho Trung Quốc, chỉ đứng sau KSA. Trong 4 tháng đầu năm nay, KSA đã xuất khẩu khoảng 30,9 triệu tấn dầu sang nền kinh tế số 2 thế giới, trị giá 20,85 tỷ USD. Giá dầu trung bình của KSA cung cấp trong thị trường Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay là khoảng 94 USD/thùng.
Hiện đang có sự cạnh tranh khá gay gắt giữa KSA và Nga trên thị trường Trung Quốc, nhưng điều này không ngăn cản các nước hợp tác theo thỏa thuận OPEC+. Bất chấp đề nghị nhiều lần từ chính quyền của Tổng thống Mỹ J.Biden, KSA đã từ chối tăng sản lượng để bù đắp cho việc Nga cắt giảm nguồn cung, cũng như giúp Mỹ kiềm chế việc tăng giá xăng dầu trong nước. Nguồn cung dầu từ Nga đã giảm sút do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan việc Nga mở chiến dịch quân sự đặt biệt ở Ukraine. Bên cạnh hai nhà cung cấp dầu thô lớn nhất, các nhà sản xuất dầu khí đứng ở vị trí tiếp theo gồm Iraq, Angola, Brazil, Malaysia, Mỹ… Riêng Malaysia đã xuất khẩu 2,17 triệu bpd trong tháng 4 vừa qua, tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước này đã không nhập khẩu dầu từ Iran và Venezuela trong tháng 4 vừa qua. Cả hai nước đều chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ từ lâu. Theo một số chuyên gia phương Tây, dầu thô của hai nhà sản xuất trên được cung cấp cho người tiêu dùng Trung Quốc thông qua Malaysia, nơi dầu được trung chuyển từ tàu chở dầu này sang tàu chở dầu khác. Sau khi nạp lại, dầu sẽ trở thành của Malaysia và được chuyển đến các cảng của Trung Quốc. Phương thức này cho phép Iran và Venezuela tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tăng trưởng nhu cầu sau khi dỡ bỏ các hạn chế
Theo các số liệu chính thức, Trung Quốc đã giảm nhập khẩu dầu 4,8% trong quý I/2022, xuống còn 170,89 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính của việc cắt giảm là việc áp đặt các hạn chế tự do di chuyển sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số tỉnh, thành phố lớn của nước này, trong đó có Thượng Hải, khu vực đô thị lớn nhất của đất nước với dân số khoảng 25 triệu người. Ngoài ra, do giá dầu tăng vào đầu năm 2022, một số nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã giảm nhập khẩu dầu, do họ có thể sử dụng nguồn dầu thô dự trữ từ năm 2020 trong các kho dầu chiến lược và thương mại.
Theo các chuyên gia phương Tây, do những hạn chế để kiểm soát dịch bệnh trong tháng 4, nhu cầu đối với các sản phẩm chính như xăng, dầu diesel và nhiên liệu hàng không ở Trung Quốc đã giảm 20%. Vào ngày 01/06, chính quyền Trung Quốc dự kiến sẽ dỡ bỏ hoàn toàn tất cả các hạn chế được áp dụng trong năm nay do sự gia tăng tỷ lệ nhiễm Covid-19. Nếu điều này xảy ra thì nhu cầu về dầu và các nguồn năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể. Một số chuyên gia dự báo, giá dầu sẽ tăng vọt do nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu động cơ bị dồn nén, như trường hợp của năm 2020.
Xuất khẩu
Theo dự báo của hãng hàng hóa Kpler, nguồn cung dầu của Nga cho Trung Quốc trong tháng 3 đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những khó khăn trong việc giải quyết hậu quả từ các lệnh trừng phạt.
Trong tháng 4, xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc tăng trở lại nhờ sự chuyển hướng các lô dầu Urals từ kênh xuất khẩu châu Âu sang thị trường Trung Quốc thông qua các cảng biển Baltic và biển Đen. Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhiều nhà máy lọc dầu ở châu Âu đã từ chối mua dầu thô của Nga. Để đối phó với tình hình, các nhà sản xuất dầu của Nga đã có nhiều nỗ lực để chuyển hướng dòng chảy xuất khẩu dầu, từ châu Âu sang các thị trường Nam Á và Đông Nam Á. Mức giá chiết khấu đối với dầu thô Urals đã vượt mức 38 USD/thùng so với dầu Brent vào giữa tháng tư. Sự hấp dẫn về giá khiến Ấn Độ trở thành khách hàng mua dầu Urals lớn nhất. Phía Trung Quốc cũng đã tận dụng cơ hội này để mua dầu giá rẻ của Nga.
Các biện pháp chuyển hướng xuất khẩu, tăng chiết khấu đã giúp Nga khôi phục xuất khẩu dầu về mức của tháng hai, thời điểm trước khi Mỹ và EU đưa ra các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Tiến Thắng
-
VPI dự báo giá xăng giảm, giá dầu tăng trong kỳ điều hành ngày 31/10
-
Bài 3: Thị trường điện Việt Nam sẽ có cơ chế giá điện linh hoạt
-
Nhà sản xuất pin xe điện Trung Quốc đóng cửa toàn bộ hoạt động tại Châu Âu
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 30/10: Giá dầu thế giới trở lại sắc xanh
-
Giá dầu hôm nay (30/10): Dầu thô tăng trong phiên