Nga cấm xuất khẩu dầu sang các nước áp giá trần
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters). |
"Việc cung ứng dầu và các sản phẩm từ dầu của Nga cho các tổ chức và cá nhân nước ngoài đều bị cấm, nếu các hợp đồng có đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến quy định áp giá trần", sắc lệnh do Tổng thống Putin ký hôm 27/12 nêu rõ.
Sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 và được áp dụng đến ngày 1/7/2023. Tổng thống Putin có quyền hủy bỏ lệnh cấm trong trường hợp đặc biệt.
Bộ Năng lượng Nga sẽ giám sát việc tuân thủ sắc lệnh của tổng thống về các biện pháp liên quan đến giá trần.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 23/12 cho biết, Moscow có thể cắt giảm khoảng 500.000-700.000 thùng dầu mỗi ngày từ đầu năm tới nhằm đối phó với cơ chế giá trần mà châu Âu áp đặt lên dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga.
Nga là một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Sản lượng dầu của Nga hiện đạt dưới 10 triệu thùng/tháng, giảm nhẹ so với trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
Đầu tháng này, Liên minh châu Âu (EU) và G7, Australia nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng hay thấp hơn giá thị trường ít nhất 5% đối với dầu mỏ nhập khẩu bằng đường biển từ Nga. Từ ngày 5/12, EU sẽ cấm các công ty vận chuyển và cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các lô dầu Nga bán vượt giá trần.
Hôm 19/12, các bộ trưởng năng lượng EU tiếp tục nhất trí áp giá trần đối với khí đốt nhằm kiểm soát giá năng lượng khiến lạm phát của khu vực tăng mạnh những tháng qua do nguồn cung từ Nga bị gián đoạn. Biện pháp này dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/2/2023. Theo đó, cơ chế giá trần sẽ được kích hoạt nếu giá khí đốt tại Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu Hà Lan (TTF), vốn được xem là tiêu chuẩn châu Âu, vượt quá mức 180 euro/megawatt giờ trong 3 ngày liên tiếp.
Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố Nga sẽ không giao dịch với các quốc gia ủng hộ việc áp trần giá dầu, đồng thời cảnh báo khả năng gây mất ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu.
Moscow lên án các động thái này của phương Tây là "không thể chấp nhận được", song tuyên bố Nga cần thời gian để phân tích thận trọng trước khi đưa ra các biện pháp đáp trả. Đại sứ quán Nga chỉ trích phương Tây đang "bóp méo" các nguyên tắc của thị trường tự do, song điều này cũng không làm giảm nhu cầu với dầu mỏ Nga.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho biết, dù căng thẳng Nga - phương Tây leo thang trong thời gian qua, Moscow vẫn xem châu Âu là thị trường cho khí đốt nước này. Ông Novak tuyên bố Moscow sẵn sàng khởi động lại việc cung cấp khí đốt tự nhiên tới EU thông qua đường ống Yamal-Europe.
Theo ông Novak, Nga vẫn xem châu Âu là một thị trường để cung cấp mặt hàng khí đốt và Moscow có thể nối lại nguồn cung khí đốt tới khu vực đang gặp khó khăn vì cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng.
Theo Dân trí
-
Phân tích và dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu
-
Nga dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng sớm hơn kế hoạch
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 25/11: Giá dầu thế giới duy trì sắc xanh
-
Kuwait chi bộn tiền để thúc đẩy sản lượng dầu mỏ
-
Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp và nông dân