"Nét đan thanh": Triển lãm thư pháp độc đáo Thăng Long - Hà Nội
Không gian triển lãm "Nét đan thanh". |
Đan thanh theo nguyên nghĩa thì Đan là màu đỏ, Thanh là màu xanh, nghĩa ban đầu chỉ những nét vẽ, những mảng màu, chỉ hội hoạ nói chung, sau mang thêm hàm ý sáng tác nghệ thuật bằng đường nét, những nét vẽ, nét viết. Đan còn là sách viết mực son ghi lại công trạng, hình tích, thành tựu, còn Thanh là thanh sử nghĩa là sử xanh. Đan thanh lúc này mang thêm hàm ý chỉ sử sách, mở rộng ra là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần, văn hoá, văn chương, nghệ thuật được lưu truyền, ghi chép trong sử sách. Đan thanh còn là sự ghi nhận những người có công lao, đóng góp lớn trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, đan thanh còn có ý nghĩa là sáng tỏ, rực rỡ như những gì đã và đang được lưu truyền lại như tấm gương còn sáng mãi.
Triển lãm Thư pháp lần này với tên gọi “Nét đan thanh” để gửi gắm tất cả những điều ấy qua những áng văn chương của những bậc tài danh xưa và nay. Những điều ấy đang được viết lại, trải ra, thể hiện qua từng nét viết, nét vẽ của những tác giả thư pháp, thư hoạ hiện nay.
Triển lãm quy tụ hơn 60 tác phẩm thư pháp của 16 tác giả nổi tiếng thuộc nhiều thế hệ khác nhau đã được lựa chọn phù hợp với chủ đề “Nét đan thanh”, đáp ứng cả về nội dung và hình thức, đảm bảo được tinh thần nghệ thuật mà triển lãm hướng tới. Các tác giả với sự phong phú về bức thức trình bày, đa dạng về phong cách và nhuần nhụy trong bút pháp thể hiện con chữ trên mặt giấy.
Đặc biệt, triển lãm đã sắp đặt các tác phẩm thư pháp theo ý tưởng xuyên suốt trên cơ sở ứng dụng công nghệ ánh sáng, mang đến cho công chúng một cái nhìn mới mẻ, hiện đại đối với nghệ thuật thư pháp của cha ông.
Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ: “Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi thấm đẫm tinh thần đạo học Việt Nam với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và trọng dụng nhân tài. Nội dung của các tác phẩm của các tác phẩm tham gia triển lãm lần này phần nào phản ánh được truyền thống tốt đẹp đó. Các tác phẩm được sắp đặt theo ý tưởng xuyên suốt trên cơ sở ứng dụng công nghệ ánh sáng. Thông qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ mang đến cho công chúng một cái nhìn mới mẻ và hiện đại đối với nghệ thuật thư pháp của cha ông”.
Những chiếc đèn lồng, cột trụ cũng được trang trí bằng thư pháp. |
Chị Bùi Hạnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi rất vui khi tham dự triển lãm Nét đan thanh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tôi ấn tượng nhất về cách trưng bày mới bằng ánh sáng, hay thiết kế và trang trí những chiếc đèn lồng, cột nhà bằng nghệ thuật thư pháp rất độc đáo, khiến người tham quan như đắm chìm vào không gian nghệ thuật vô cùng đặc biệt.
Triển lãm "Nét đan thanh" sẽ diễn ra đến hết ngày 30/11.
N.H