Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Năng lượng mặt trời ở Brazil chuyển mình

06:43 | 23/11/2017

1,291 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với những tấm pin mặt trời trải dài khuất tầm mắt trên một diện tích rộng bằng 1.200 sân bóng đá, Pirapora - trung tâm điện mặt trời lớn nhất châu Mỹ Latinh, đang giúp người Brazil bắt kịp thế giới về năng lượng mặt trời.

Dự án do EDF Energies Nouvelles (EDF- EN, chi nhánh của Tập đoàn Điện lực Pháp) thi công, Pirapora bắt đầu được đưa vào vận hành từ đầu tháng 9-2017. Ngày 9-11-2017, trung tâm này bắt đầu cho điện, mặc dù chỉ mới hoạt động 2/3 công suất thiết kế. Đây mới là giai đoạn chạy thử nghiệm. Khi chính thức hòa lưới điện quốc gia vào giữa năm 2018, khu phức hợp này sẽ đạt công suất lắp đặt là 400MW, đủ để cung cấp điện cho 420.000 hộ gia đình trong 1 năm.

“Đây là một dự án mang tính biểu tượng, trải rộng trên một diện tích cực lớn có lợi thế địa hình bằng phẳng, thảm thực vật thấp và cường độ ánh nắng mặt trời mạnh, lại gần một điểm kết nối điện áp cao”, Paulo Abranches, Tổng giám đốc của EDF-EN Brazi cho biết.

Trung tâm Pirapora có diện tích 800ha nằm biệt lập trong một vùng đồng bằng cách Belo Horizonte, thủ phủ bang Minas Gerais (đông nam Brazil) 350km về phía bắc. Thực vật nơi đây rất thưa thớt vì luôn bị ánh mặt trời thiêu đốt.

Để đến được nơi này, khách tham quan phải mặc một loại quần áo bảo hộ đặc biệt để tránh bị rắn độc hoặc nhện cắn.

nang luong mat troi o brazil chuyen minh
Pirapora - trung tâm năng lượng mặt trời của Brazil

Nằm cách mặt đất 1,2m, các tấm thu năng lượng mặt trời được xếp nghiêng và xoay theo chuyển động của mặt trời. Vào buổi trưa, các tấm pin nằm song song mặt đất vì khi đó mặt trời đang ở đỉnh. Nếu bầu trời đầy mây, các tấm thu năng lượng mặt trời chỉ giảm mất 30% công suất.

EDF-EN sở hữu 80% cổ phần trong trung tâm điện mặt trời Pirapora, với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 2 tỉ reais (khoảng 520 triệu euro). 20% còn lại thuộc sở hữu của Canadian Solar, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về năng lượng tái tạo của Brazil. Công ty này chịu trách nhiệm sản xuất khoảng 1,2 triệu tấm quang điện cho Pirapora từ một nhà máy ở bang Sao Paulo (phía đông nam Brazil).

Việc sản xuất nội địa khiến những tấm pin mặt trời này có giá thành cao hơn 30-40% so với những sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng đây là điều điện tiên quyết để Pirapora nhận được khoản vay từ BNDES, Ngân hàng Phát triển Quốc gia Brazil. Ngân hàng này tài trợ 529 triệu reais cho giai đoạn đầu, tức khoảng một nửa vốn đầu tư thực hiện trong giai đoạn này của dự án.

Đối với Marcos Cardoso, người đứng đầu bộ phận năng lượng của Ngân hàng BNDES, đầu tư vào năng lượng mặt trời là "ưu tiên hàng đầu" đối với Brazil để thực hiện cam kết của mình trong Hiệp định Paris: đến năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm 45% tổng sản lượng năng lượng.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Năng lượng Brazil, tính đến tháng 8-2017, năng lượng mặt trời chỉ chiếm 0,2% sản lượng điện của nước này.

Rodrigo Sauaia, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Năng lượng Brazil (ABSOLAR) nói: "Trong lĩnh vực này, Brazil chậm hơn so với các nước phát triển năng lượng mặt trời hàng đầu thế giới 15 năm. Chúng tôi đang sống trong một năm quan trọng với việc vận hành một trong những nhà máy điện năng lượng mặt trời lớn nhất khu vực".

Sau Pirapora, Brazil còn muốn xây thêm 2 trung tâm điện mặt trời khác với công suất 1GW mỗi cái. Sự mở rộng này được thúc đẩy bởi sự sụt giảm mạnh trong chi phí sản xuất tấm thu năng lượng mặt trời, giá loại thiết bị này đã giảm một nửa trong thập niên qua.

Ông Rodrigo Sauaia cho biết: “Pirapora là dự án đầu tiên sử dụng các tấm pin mặt trời sản xuất trong nước. Điều này đang góp phần vào sự phát triển của công nghệ này ở Brazil. Hiện nay giá thành sản xuất tấm thu năng lượng mặt trời ở Brazil còn cao nhưng sau dự án trên, giá chắc chắn sẽ giảm”.

Mặc dù Brazil đã có những tiến bộ về công nghệ năng lượng mặt trời nhưng nước này vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều. Mauro Lerer, kỹ sư ở Solarize, một công ty cung cấp các khóa đào tạo về năng lượng mặt trời tại Rio de Janeiro, cho biết: "Diện tích mặt trời chiếu sáng ở Brazil còn lớn hơn nhiều so với Đức, quốc gia đi đầu về điện mặt trời ở châu Âu".

Ông Lerer cho rằng: "Thuế phải được cắt giảm để kích thích đầu tư. Ngoài ra cần trợ vốn cho các công ty muốn phát triển lĩnh vực này. Nhiều người Brazil muốn lao vào sản xuất điện mặt trời nhưng không có khả năng tài chính".

Để phát triển được điện mặt trời, Chính phủ Brazil phải quan tâm nhiều hơn nữa về chính sách. Hiện quốc gia này vẫn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, chưa có nhiều ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.

S.Phương