Năm học mới 2021-2022: Phải đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vắc xin
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ GD&ĐT, 63 tỉnh/thành phố và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học.
Thực hiện thành công mục tiêu kép
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến hoạt động của ngành Giáo dục, khiến nhiều giai đoạn học sinh không thể học trực tiếp tại trường. Trong bối cảnh đó, Giáo dục Việt Nam đã linh hoạt, chủ động chuyển trạng thái để thích ứng tình hình mới và thực hiện mục tiêu kép là: bảo đảm an toàn phòng dịch và hoàn thành các nhiệm vụ năm học đảm bảo chất lượng.
Ngành Giáo dục đã điều chỉnh kế hoạch năm học; vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến và học qua truyền hình; tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II; điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức thành 2 đợt, thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid được bổ sung vào đối tượng được xem xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Công tác tuyển sinh cũng được điều chỉnh để phù hợp với việc tổ chức thi 2 đợt, đặc cách tốt nghiệp THPT và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh...
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị diễn ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt bởi đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu. Ở nước ta, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Nhân dân đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần, trong đó có các học sinh, sinh viên.
Chúng ta phải xác định rõ năm học mới và những năm học tới còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới, phức tạp chưa thể hình dung hết. Do đó, cần nhìn nhận khách quan tình hình, không chủ quan, lơ là, thỏa mãn, phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, thống nhất nhận thức, quyết liệt hành động để thực hiện các nhiệm vụ.
“Chỉ còn ít ngày nữa là năm học mới bắt đầu. Đây là thời điểm mỗi giáo viên, học sinh, sinh viên háo hức, các phụ huynh mong chờ ngày tựu trường sau kỳ nghỉ hè vất vả, nhưng có lẽ nhiều nơi, nhiều địa phương trên cả nước chưa thực hiện được. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ những vất vả, khó khăn của cả ngành giáo dục, của hơn 24 triệu học sinh, sinh viên, hàng triệu nhà giáo, hàng chục triệu phụ huynh học sinh”, Thủ tướng nói, đồng thời cho rằng, cần có những giải pháp trước mắt, kịp thời cho năm học mới với sự cố gắng cao nhất, quan tâm sâu sắc nhất đến tất các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên trong thời khắc khó khăn này.
Nhìn nhận một số kết quả đạt được của ngành Giáo dục trong năm học 2020-2021, Thủ tướng đề cập đến dấu ấn trong gỡ nút thắt về cơ chế chính sách cho đổi mới giáo dục; Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức sát tình hình, đảm bảo các yêu cầu về chống dịch và được xã hội đánh giá cao; kết quả của học sinh Việt Nam tại các kỳ Olympic khu vực, thế giới với 37/37 học sinh có giải thưởng; vị trí của đại học Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín thế giới; tinh thần tham gia chống dịch của các trường y dược…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
“Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tôi biểu dương những thành tựu chung của toàn ngành Giáo dục trong năm học vừa qua. Hôm nay, tại hội nghị trực tuyến với nhiều điểm cầu, tôi cũng muốn các đồng chí chuyển tải thông điệp về sự ghi nhận, đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến toàn thể các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục trên toàn quốc đã vượt qua nghịch cảnh để thực hiệt tốt sự nghiệp trồng người”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá cao việc ngành Giáo dục đã từng bước và quyết liệt thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”, Thủ tướng đề nghị tiếp tục nghiên cứu thấu đáo mối quan hệ tổng thế “lấy học sinh là trung tâm, lấy trường học làm nền tảng, lấy giáo viên làm động lực”. Đồng thời, chú trọng phát triển con người để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Trước khó khăn, tác động lớn của dịch bệnh tới nhiều gia đình, Thủ tướng yêu cầu cần triển khai chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo không cháu nào bị thất học sau dịch hoặc vì nghèo mà không thể đến trường. Những giáo viên bị ảnh hưởng do trường đóng cửa, nhất là giáo viên mầm non thuộc các trường tư thục cũng cần được quan tâm hơn nữa. Thủ tướng đề nghị, Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH nghiên cứu có chính sách hỗ trợ thêm cho giáo viên và học sinh trong các trường hợp đặc thù một cách phù hợp.
Một việc tưởng chừng nhỏ nhưng Thủ tướng đề nghị các đại biểu quan tâm, đó là trong đại dịch, nhiều gia đình không có thu nhập nên ảnh hưởng đến bữa ăn và chế độ dinh dưỡng của các cháu, đặc biệt là độ tuổi đang phát triển. Cần có chính sách hỗ trợ các trường bổ sung dinh dưỡng bữa ăn bán trú hoặc hỗ trợ thực phẩm bổ sung dinh dưỡng để phát triển thể chất tốt hơn cho các cháu. Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố nghiên cứu, duy trì, phát triển mô hình bán trú dân nuôi phù hợp với điều kiện địa phương.
An toàn trường học gắn với tiêm vắc xin
Về kế hoạch của năm học 2021-2022, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vắc xin, trong đó giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em. Bộ Y tế quy định độ tuổi tiêm các loại vắc xin để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm vắc xin phù hợp. “Chúng ta làm tất cả nhưng gì có thể làm được để các cháu được tiêm vắc xin”, Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung sớm cho những nơi thiếu vắc xin cho giáo viên.
Các địa phương không có dịch chủ động phương án cho học sinh quay lại trường học nhưng có biện pháp kiểm tra, sàng lọc, đảm bảo môi trường và có biện pháp phòng chống dịch phù hợp, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Đối với “vùng đỏ” và “vùng vàng”, giải pháp trước mắt là học sinh vẫn phải học trực tuyến. Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy và học phù hợp. Lãnh đạo địa phương cần hết sức lưu tâm dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập.
Năm học 2011-2022 là năm học đầu tiên thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021-2026. Ngành giáo cần hoàn thành Chiến lược giáo dục trong quý IV năm nay cùng Kế hoạch hành động cụ thể để tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục căn bản ở tất cả các cấp học, tạo động lực mới, đột phá cho sự phát triển, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, vận hành cơ chế tự chủ đại học, mở rộng hợp tác quốc tế... để thu hút kiến thức, nguồn lực, công nghệ đào tạo, quản lý từ nước ngoài. Hướng tới nền giáo dục có chất lượng, uy tín trong khu vực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập và các khâu đột phá chiến lược.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Giáo dục một số việc cụ thể khác như: giảm tình trạng dạy thêm, học thêm; có giải pháp để học sinh thích học môn Lịch sử, tìm hiểu truyền thống văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc, của cha ông ta và tăng cường việc dạy học ngoại ngữ gắn với đổi mới, sáng tạo trong cách dạy, cách học học; biến thách thức thành cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Bộ GD&ĐT cũng cần sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp và phương án các năm tiếp theo để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị.
“Các đồng chí đang thực hiện trọng trách vô cùng vinh dự của sự nghiệp “trồng người”, dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng chúng ta có truyền thống, có kinh nghiệm, có lòng yêu nước, có đam mê, chúng ta sẽ vượt qua. Nhân dịp năm học mới, tôi xin chúc và mong các đồng chí với trí tuệ, sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm ra sức xây dựng nền giáo dục ngày càng phát triển, tất cả vì thế hệ trẻ, tất cả vì học sinh thân yêu, tất cả vì một Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”, một Việt Nam thịnh vượng và hạnh phúc, nhân dân thực sự hạnh phúc và ấm no”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị |
Thay mặt ngành Giáo dục và lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tiếp thu đầy đủ những chỉ đạo của Thủ tướng và cho biết sẽ cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể để thực hiện có hiệu quả trong năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo. Quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Về nhiệm vụ trước mắt bước vào năm học mới, Bộ trưởng cho biết, ngành Giáo dục sẽ tập trung thực hiện triển khai các biện pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh đến giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch và mục tiêu năm học.
Đặc biệt, là các giải pháp hỗ trợ đối với học sinh lớp 1 và lớp 2. Phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai việc hỗ trợ các đối tượng giáo viên và học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn. Triển khai tiêm vắc xin cho giáo viên và học sinh để đảm bảo cho trường học mở cửa trở lại sớm nhất có thể…
N.H
-
Khám phá hành trình phát triển khoa học tại triển lãm Science Tornado 2024
-
Nhiều địa phương miễn 100% học phí cho học sinh các cấp
-
Tặng hơn 1,7 triệu mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 trên toàn quốc
-
Năm học mới, tân sinh viên “nháo nhác" tìm phòng trọ
-
FPT Retail đạt doanh thu gần 20 ngàn tỷ bán niên, Long Châu mở mới hơn 200 nhà thuốc
-
Tử vi ngày 25/11/2024: Tuổi Mùi nền tảng vững chắc, tuổi Tuất quý nhân hỗ trợ
-
Quảng Nam: Các hồ thủy điện theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lớn để chủ động điều tiết nước
-
Quảng Nam: Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn kéo dài
-
Tử vi ngày 24/11/2024: Tuổi Mão mở rộng đầu tư, tuổi Dậu tài chính suôn sẻ
-
Thú sưu tầm đồ bằng bạc lên ngôi
- Tử vi ngày 25/11/2024: Tuổi Mùi nền tảng vững chắc, tuổi Tuất quý nhân hỗ trợ
- Tử vi ngày 24/11/2024: Tuổi Mão mở rộng đầu tư, tuổi Dậu tài chính suôn sẻ
- Tử vi ngày 23/11/2024: Tuổi Sửu chứng minh năng lực, tuổi Thân gặt hái thành công
- Tử vi ngày 22/11/2024: Tuổi Tý thể hiện khả năng, tuổi Ngọ tinh thần hăng hái
- Tử vi ngày 21/11/2024: Tuổi Tỵ thành quả xứng đáng, tuổi Dần vị thế nổi bật
- Tử vi ngày 20/11/2024: Tuổi Mão cơ hội tiềm năng, tuổi Dậu ứng biến nhanh nhạy
- Tử vi ngày 18/11/2024: Tuổi Mùi đào hoa nở rộ, tuổi Thân vận may tìm đến
- [Chùm ảnh] Đà Lạt một sớm bình yên