Năm 2022 tắt sóng 2G tại Việt Nam, người dân liệu có đủ smartphone?
Theo lộ trình, đến quý I/2022 Việt Nam sẽ bắt đầu tắt sóng viễn thông 2G. Điều này đồng nghĩa với việc mọi người dân sẽ không thể sử dụng chức năng gọi thoại và nhắn tin thông thường trên điện thoại của mình. Thay vào đó, cách duy nhất để đảm bảo liên lạc là dựa vào các dịch vụ OTT thông dụng như Face Time (trên iPhone), Messenger, Zalo, Viber, Skype...
Tại phiên trả lời Quốc hội diễn ra ngày 9/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định việc phủ sóng 3G, 4G, 5G là điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu này.
"Bộ TT&TT đang chỉ đạo là phải phủ sóng, để tất cả bà con ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa phải có sóng 3G, 4G, 5G để truy cập Internet", Bộ trưởng Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, việc sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) để truy cập Internet cũng là điều kiện không thể thiếu, nếu muốn loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào mạng viễn thông 2G.
Về điều này, người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết vào tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP hướng tới mục tiêu mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên trả lời Quốc hội diễn ra ngày 9/11. |
Từ đó tới nay, Bộ TT&TT đã triển khai, và có chương trình hợp tác giữa nhà sản xuất Việt Nam và nhà mạng Việt Nam để hỗ trợ bán smartphone với giá 600.000 - 700.000 đồng cho toàn bộ người dân Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bkav cũng công bố dòng điện thoại C85 giá rẻ với kết nối 4G, hứa hẹn có mức giá dưới 1 triệu nhờ sự hợp tác với nhà mạng.
Cũng theo thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), Cục đang xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất. Theo dự thảo, các mẫu điện thoại chỉ hỗ trợ 2G, 3G sẽ không được phép sản xuất, nhập khẩu và lưu thông tại Việt Nam.
Điều này đồng nghĩa nhiều mẫu điện thoại cơ bản, chỉ hỗ trợ 2G hoặc 3G sẽ bị "khai tử" tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong nước là không đáng kể, bởi hiện có rất ít đơn vị còn phân phối điện thoại di động cơ bản tại Việt Nam, mà chỉ tập trung vào smartphone.
Do đó, dự thảo được xem là một trong những biện pháp phù hợp và cần thiết để đẩy mạnh chuyển đổi sang 4G, hướng đến 5G, và loại bỏ những công nghệ cũ, đã lỗi thời.
Về việc đảm bảo thiết bị đầu cuối, hiện đã có Viettel và VNPT cam kết mang đến bộ sản phẩm có giá bán từ 500.000 - 600.000 đồng, kèm theo các gói cước hỗ trợ Internet.
Một kế hoạch khác của Bộ trưởng TT&TT, đó là cuối năm nay sẽ thí điểm dịch vụ Mobile Money tại một số khu vực để người dân có thể thực hiện thanh toán trực tuyến khi không có thẻ ngân hàng.
Theo Dân trí
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 3)
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 2)
-
IEAE 2024: Cầu nối mở rộng hợp tác cho doanh nghiệp điện tử và thiết bị thông minh
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 1)
-
Tác động toàn cầu của công nghệ khoan dầu khí ngoài khơi của Hoa Kỳ (Kỳ 2)