Năm 2013 giá USD sẽ tăng?
Theo Tổng cục Thống kê , tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2012 đạt 114.631 triệu USD, tăng 18,3% so với năm 2011; tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu đạt 114.347 triệu USD và tăng 7,1% so với năm 2011.
Cán cân thương mại lần đầu tiên sau 19 năm chuyển sang trạng thái thặng dư, ước tính khoảng 284 triệu USD, kể từ năm 1993.
Để hỗ trợ cho xuất khẩu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2013 vẫn cần phải điều chỉnh tỷ giá hối đoái.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong năm 2013, tỷ giá hối đoái cần phải điều chỉnh, vì hiện nay VND đang bị đánh giá cao hơn so với USD khoảng 20-21%. Ngoài ra, VND cũng bị đánh giá cao hơn khoảng 3-4% so với 19 đồng tiền Việt Nam đang có quan hệ thương mại.
Theo TS.Nghĩa, nếu không điều chỉnh tỷ giá hối đoái thì sẽ xảy ra một số hệ quả không mong muốn, mà trước hết là tác động xấu đến xuất khẩu. Ở chỗ, sức cạnh tranh hàng xuất khẩu giảm sút do hàng Việt Nam bị tăng giá, lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu kém thêm.
Vì vậy, để các doanh nghiệp xuất khẩu không bị thiệt thòi, tỷ giá hối đoái cần phải điều chỉnh, cũng là để cân bằng cho cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế, mức điều chỉnh cân nhắc trong khoảng 2 - 3%.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng năm 2013 cần phá giá VND.
Ở một quan điểm tương tự, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách(VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, tỷ giá danh nghĩa không thay đổi đáng kể trong khi lạm phát tăng cao trong 2 năm qua khiến VND tiếp tục âm thầm lên giá so với đồng USD. Tuy nhiên, cầu nhập khẩu suy giảm và lượng kiều hối dồi dào đã làm lu mờ áp lực lên giá của VND.
Đồng nội tệ hiện tại đang bị đánh giá cao khiến các ngành phụ thuộc xuất khẩu gặp khó khăn, ngay cả với những ngành đã từng có lợi thế gần như độc quyền trên thế giới (ví dụ ngành xuất khẩu cá da trơn…)
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, trong năm 2013, tỷ giá VND/USD được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ và phục thuộc vào sự chủ động của NHNN. Điều này cũng phụ thuộc vào khả năng tác động đến những chính sách của khối doanh nghiệp xuất khẩu đang rất khó khăn vì giá trị cao của VND.
Để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, theo TS. Thành, vẫn cần nỗ lực giảm lãi suất cho vay ra và tiếp tục cung ứng tín dụng ổn định. Thực hiện phương án chủ động phá giá VND khoảng 3-4% trong cả năm, thông qua một số bước với biên độ 1-1,5%, để hỗ trợ xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu.
TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, phá giá VND sẽ khiến nhập khẩu hàng tiêu dùng bị hạn chế, do giá đắt lên, đồng thời khuyến khích sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu. Còn với hàng nhập khẩu là nguyên liệu sản xuất, tuy giá nhập khẩu có đắt lên, nhưng khi thành hàng xuất khẩu, thì bao giờ cũng được cộng thêm giá trị gia tăng. Do đó, phá giá VND là rất cần thiết.
Trả lời trên Vneconomy, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank đưa ra quan điểm: “Tăng tỷ giá nhiều trong năm nay không có lợi. Cần quan tâm quy luật cộng hưởng, truyền dẫn qua lại giữa tỷ giá hối đoái và lạm phát. Nếu năm nay kinh tế từng bước phục hồi thì cầu nhập khẩu sẽ tăng lên. Có dự báo kim ngạch nhập khẩu năm nay trên 130 tỷ USD. Nếu tỷ giá tăng mạnh thì lạm phát sẽ bị ảnh hưởng. Nếu lạm phát không được kiềm chế tốt sẽ tác động ngược lại, buộc tỷ giá phải tăng lên. Nghĩa vụ nợ đến hạn của quốc gia cũng là một chủ đề cần tính toán kỹ khi xem xét tỷ giá… Đó là nền tảng suy nghĩ của tôi khi dự báo rằng, năm nay tỷ giá sẽ biến động theo chiều tăng, từ 2 - 3%...”.
Theo dự báo kinh tế của nhóm nghiên cứu VEPR, lạm phát có thể trở lại trong năm nay, khiến mục tiêu lạm phát dưới 6% của Chính phủ đặt ra vào cuối năm 2012 trở nên mong manh. Tăng giá điện vào cuối tháng 12/2012 và sự điều chỉnh tiền lương tối thiểu vào giữa năm 2013 chắc chắn đóng góp vào mức tăng giá năm 2013. Điều này cho thấy, lạm phát tăng sẽ là một trong những tác động đến tỷ giá trong năm 2013.
Sự ổn định của tỷ giá USD/VND là một trong những thành công của NHNN trong năm 2012. Trả lời báo giới mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, trong năm 2013 tình hình chung sẽ có nhiều sự khác biệt so với năm cũ. Nhưng, định hướng chung là NHNN tiếp tục giữ ổn định tỷ giá, điều hành có sự linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và tình hình cung cầu ngoại tệ, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, tiếp tục cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trự ngoại hối nhà nước, giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam, hỗ trợ phát triển bền vững và chống đô la hóa nền kinh tế...
Như vậy, việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND trong năm nay có hay không, thị trường hãy chờ đợi.
Theo VnMedia