Na Uy chế tạo UAV cứu hộ cho vùng Bắc cực
Một giàn khoan dầu khí của Na Uy ở vùng Bắc cực |
Dự kiến, các máy bay không người lái (UAV) loại này sẽ đi vào hoạt động vào mùa hè năm 2019.
Theo báo cáo của công ty viễn thông Na Uy Telenor, một trong 3 thành viên tham gia dự án, xét về một mặt nào đó, hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu đã mở ra khả năng mới cho vận tải biển, du lịch và khai thác dầu khí ở Bắc Cực, nhưng việc mở rộng hoạt động ở các khu vực hẻo lánh thường đi kèm theo rất nhiều rủi ro.
Điểm bất lợi đáng quan ngại nhất trên thực tế là ở vĩ độ cao, việc liên lạc viễn thông vẫn còn gặp phải những vấn đề trở ngại vô cùng lớn. Hầu hết lãnh thổ Spitsbergen và vùng biển ven bờ của nó không được phủ sóng điện thoại di động, và ở phía bắc của quần đảo thì không thể thu được tín hiệu vệ tinh.
Do bản chất quỹ đạo đặc thù của mình, các vệ tinh viễn thông vẫn chưa thể cung cấp khả năng thông tin liên lạc đáng tin cậy ở vùng Bắc cực, vì thế đòi hỏi phải tạo ra một nhóm riêng biệt các vệ tinh thông tin liên lạc ở Bắc cực - các dự án tương tự trong lĩnh vực này hiện đang được tất cả các cường quốc Bắc cực, trong đó có Nga, tích cực thực hiện. Các trạm phát thanh sóng ngắn hiện là phương tiện thông tin liên lạc tạm được coi là đáng tin cậy nhất cho khu vực từ vĩ tuyến 75 trở lên.
Theo người đứng đầu văn phòng Telenor ở Spitsbergen, ông Guttorm Albright Hansen, hoàn cảnh này tạo ra những khó khăn đáng kể trong việc thực hiện các hoạt động cứu hộ ở những vĩ độ cao.
Những người tham gia dự án cho biết rằng UAV được trang bị các phương tiện truyền tải thông tin mới nhất có thể bay liên tục đến 20 giờ, ghi nhận và gửi hình ảnh cũng như các dữ liệu khác từ hiện trường sự cố, vụ tai nạn hay thậm chí thảm họa, và đó là một công cụ rất hữu hiệu cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Na Uy trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp ở Bắc cực.
Được thiết kế, chế tạo để hoạt động trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, một loại máy bay không người lái có khả năng nâng lên không trung một tải trọng lên đến 100 kg sẽ được thử nghiệm trong năm nay, và dự kiến nó sẽ sẵn sàng hoạt động vào mùa hè tới.
Ngoài Telenor, trong dự án hoàn thiện nguyên mẫu UAV còn có sự tham gia của Trung tâm Vũ trụ Na Uy trên đảo Andoya do chính phủ tài trợ và công ty Robot Aviation, chuyên chế tạo các UAV có cánh.
Song song, Telenor đang thảo luận về khả năng triển khai 7-12 trạm truyền thông di động thế hệ thứ tư (4G) ở Spitsbergen, sẽ đảm bảo việc phủ sóng đáng tin cậy trên toàn lãnh thổ của quần đảo này. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề về kinh phí vẫn còn được để ngỏ, vì việc thực hiện dự án này trên một quần đảo chỉ có 2.600 người sinh sống đòi hỏi phải có nguồn kinh phí ít nhất 100 triệu krone (12,5 triệu USD), chưa tính đến những chi phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng về sau.
Quần đảo Spitsbergen ở vùng Bắc Cực, được người Na Uy gọi là Svalbard, nằm giữa các vĩ tuyến 76 và 80, đã được chuyển giao chủ quyền cho Na Uy sau Chiến tranh thế giới thứ nhất theo hiệp ước về Spitsbergen, có sự tham gia ký kết của hơn 40 quốc gia.
Sự hiện diện kinh tế ở Spitsbergen hiện chỉ được hỗ trợ tích cực bởi Na Uy và Nga.
Bá Thủy
RT
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)