Mỹ và Trung Quốc đứng đầu về phát thải khí nhà kính
Nga chuẩn bị chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2050 gắn với giảm phát thải khí nhà kính. |
Nghiên cứu cho thấy, một số quốc gia có lượng phát thải lớn nhất phải chịu trách nhiệm khi gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các quốc gia nghèo hơn, dễ bị tổn thương hơn do sự nóng lên toàn cầu.
Theo nghiên cứu, 5 quốc gia đứng đầu danh sách là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Brazil. 5 nước này gây ra thiệt hại cho kinh tế toàn cầu lên tới 6.000 tỷ USD, trong đó Nga, Ấn Độ và Brazil đã gây ra thiệt hại hơn 500 tỷ USD mỗi nước. Báo cáo cũng tính toán thiệt hại do lượng khí thải của mỗi quốc gia gây ra đối với nền kinh tế của từng quốc gia khác.
Các quốc gia chịu thiệt hại kinh tế do khí thải của Mỹ có nhiệt độ ấm hơn và nghèo hơn mức trung bình toàn cầu và thường nằm ở phía Nam bán cầu hoặc vùng nhiệt đới như Mexico, với mức thiệt hại 79,5 tỷ USD hay Phillipines, với 34 tỷ USD. Ngược lại, lượng khí thải do Mỹ tạo ra có tác động tích cực đến kinh tế các nước Canada và Nga, góp phần tạo ra lợi ích tương ứng là 247 tỷ USD và 341 tỷ USD.
Các quốc gia được hưởng lợi từ lượng khí thải của Mỹ có nhiệt độ mát hơn và giàu hơn mức trung bình toàn cầu. Nhiệt độ ấm hơn, trong một số trường hợp, có thể giúp tăng sản lượng khi làm tăng năng suất cây trồng.
Theo một số chuyên gia, nghiên cứu trên cung cấp những ước tính có giá trị pháp lý về những thiệt hại tài chính mà các quốc gia khác phải gánh chịu do hiện tượng biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang đứng đầu về phát thải khí nhà kính gây ra. Từ đó, các nước giàu có trên thế giới phải chịu trách nhiệm đối với phần còn lại bằng những khoản viện trợ khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu hoặc mua lại "lượng phát thải" từ các quốc gia có nền kinh tế xanh.
P.V