Mỹ tính "cởi trói" cho dầu Venezuela, Iran sau lệnh cấm vận dầu Nga
Một nhân viên đứng trước một khu vực khai thác năng lượng tại Yugra tại Tây Siberia (Ảnh minh họa: Tass). |
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2, phương Tây đã bắt đầu đặt lên bàn cân các phương án nhằm gây áp lực tối đa cho Nga, trong đó kế hoạch nhằm vào ngành năng lượng của Moscow được xem là sẽ khiến Nga chịu tổn thất lớn. Tuy nhiên, các động thái chống lại ngành dầu và khí đốt của Nga - nhà cung cấp lớn hàng đầu thế giới, đều có thể gây tác động mạnh mẽ tới thế giới.
Trong những ngày qua, giá nhiên liệu liên tục vượt đỉnh khi phương Tây áp lệnh trừng phạt lên Nga, làm ảnh hưởng tới triển vọng hồi phục của thế giới hậu đại dịch Covid-19.
Trước tình hình này, chính quyền Mỹ đối diện với bài toán khó nhằm tìm nguồn cung thay thế Nga để ổn định thị trường, và Washington được xem đang hướng tới những quốc gia nhiều dầu mỏ mà họ vẫn đang cấm vận như Venezuela, Iran, theo Market Watch.
Cuối tuần qua, đại diện chính quyền ông Biden đã tới Venezuela để bàn bạc về khả năng cho phép Caracas bán dầu của họ trên thị trường quốc tế, giúp thay thế nhiên liệu của Nga. Ông Biden có thể sẽ tới Trung Đông để gặp gỡ các nhà cung cấp dầu thô hàng đầu để thuyết phục họ tăng sản lượng. Mỹ cũng đang thúc đẩy một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, động thái có thể đưa dầu của Tehran trở lại thị trường quốc tế.
Nỗ lực tiếp cận Venezuela và Iran của Mỹ cho thấy chiến dịch quân sự của Nga đã tác động mạnh tới thế giới. Điều này khiến cho phương Tây phải tìm kiếm sự trợ giúp từ những quốc gia mà trước đó họ có thể không bao giờ nghĩ tới việc sẽ tìm kiếm giải pháp từ các nước này.
Nhiệm vụ không dễ dàng
Việc phương Tây cấm ngay lập tức dầu và khí đốt Nga có thể sẽ khiến thế giới chịu cú "sốc" nặng nề. Hôm qua, Mỹ - quốc gia chỉ nhập khẩu lượng dầu hạn chế của Nga, đã ban hành lệnh cấm nhập nhiên liệu của Moscow. Tuy nhiên, lệnh cấm vận đã ngay lập tức tác động lên giá dầu thế giới và gia tăng áp lực lên chính quyền ông Biden, trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ còn 8 tháng nữa sẽ diễn ra.
Nga thông thường xuất khẩu trung bình 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, gần một nửa trong số đó xuất sang châu Âu. Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, có thể giúp bù đắp khoảng trống, nhưng quốc gia này đang phải đối mặt với vấn đề sản lượng sụt giảm. Trước khi các lệnh trừng phạt được áp dụng với Iran, nước này sản xuất khoảng 4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.
Theo giới quan sát, việc chính quyền ông Biden nỗ lực tìm kiếm nguồn cung dầu thay thế, ngay cả từ các quốc gia không có quan hệ song phương tốt đẹp với Mỹ, cho thấy quyết tâm của người đứng đầu Nhà Trắng về việc làm cho nền kinh tế Nga thực sự bị tổn thương.
Tuy nhiên, nỗ lực của chính quyền ông Biden có thành công hay không còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Theo Forbes, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Nam Mỹ và dù Venezuela sở hữu trữ lượng dầu lớn, vấn đề liên quan năng suất sau nhiều năm bị cấm vận có thể khiến họ không khai thác đủ dầu cho nhu cầu của thế giới. Trong khi đó, đồng minh Ả rập Xê út của Mỹ từ chối tăng sản lượng khai thác dầu. Mặt khác, tương lai của thỏa thuận hạt nhân mới với Iran vẫn còn chưa rõ ràng, một phần do các yêu cầu mới từ Nga - bên cũng đang tham gia vào quá trình đàm phán.
Mỹ đứng giữa "bài toán khó" về việc đảm bảo các lệnh trừng phạt có thể gây áp lực tới Nga, nhưng không gây tổn thương cho chính thị trường và tầng lớp trung lưu ở nước họ, cũng như châu Âu - bên phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Moscow trong hàng chục năm qua.
Theo Dân trí
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sửa khoản 3 Điều 15 dự thảo về hoàn thuế giá trị gia tăng
-
Động lực nào khiến giá vàng tăng "phi mã"?
-
Nhiều ngân hàng kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm
-
VPI dự báo giá xăng giảm, giá dầu tăng trong kỳ điều hành ngày 31/10
-
Bài 3: Thị trường điện Việt Nam sẽ có cơ chế giá điện linh hoạt