Mỹ: Thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn "bị bỏ ngỏ"
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi - Ảnh: rferl |
Tân Ngoại trưởng Iran, Abbas Araqchi, tuần trước cho biết thỏa thuận hạt nhân "không thể được phục hồi theo hình thức hiện tại" do các điều khoản đã hết hiệu lực và nhấn mạnh rằng cần phải có các cuộc đàm phán mới để khôi phục thỏa thuận.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hiện chưa có trên bàn thảo luận.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Mỹ sẽ đảm bảo bằng cách này hay cách khác rằng Iran sẽ không bao giờ có vũ khí hạt nhân và chúng tôi sẵn sàng sử dụng tất cả các yếu tố sức mạnh quốc gia để đảm bảo kết quả đó".
Tuy nhiên, người phát ngôn này cho biết, Washington vẫn coi "ngoại giao là cách tốt nhất để đạt được giải pháp một cách bền vững và hiệu quả".
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Araqchi thừa nhận rằng việc đàm phán lại thỏa thuận sẽ là một thách thức.
"Tài liệu này chắc chắn cần phải được mở lại, trong đó một số nội dung cần được thay đổi. Đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng vì một khi bạn lật lại một tài liệu, việc sắp xếp nó lại với nhau sẽ là một thách thức", ông Araqchi nói trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp.
Vấn đề phức tạp hơn nữa là cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 ở Mỹ và các cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và Gaza.
Ông Araqchi cho biết cuộc chiến ở Ukraine đã tác động sâu sắc đến cách người Châu Âu nhìn nhận về an ninh, trong khi cuộc xung đột ở Gaza đã làm đảo lộn hoàn toàn tình hình trong khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran, một trong những người xây dựng thỏa thuận giữa Iran và sáu cường quốc lớn trên thế giới, cho biết hình thức đàm phán kể từ năm 2021 để khôi phục thỏa thuận đã không còn hiệu quả nữa.
"Cần có các cuộc đàm phán mới", ông Araqchi nói thêm.
Thỏa thuận JCPOA trước đó đã hạn chế chương trình hạt nhân của Iran và giới hạn mức độ làm giàu uranium ở mức 3,67%. Đổi lại, Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vốn bóp nghẹt nền kinh tế và lĩnh vực năng lượng của Iran.
Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Iran. Nước Cộng hòa Hồi giáo đã trả đũa bằng cách giảm dần các cam kết của mình và hiện đang làm giàu uranium ở mức 60%.
Ông Araqchi, khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đã dẫn đầu nhóm đàm phán của Iran khi Tehran và Washington bắt đầu đàm phán gián tiếp vào tháng 4/2021 để khôi phục thỏa thuận. Các cuộc đàm phán tạm dừng khi Tổng thống có đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi lên nắm quyền ở Iran.
Được biết, Tổng thống Iran đương nhiệm, Masud Pezeshkian, đã cam kết sẽ "giao tiếp" với phương Tây. Nhưng người ra quyết định cuối cùng ở Iran là Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người đã ca ngợi những nỗ lực của phe bảo thủ trong việc mở rộng chương trình hạt nhân của đất nước.
Bình An
rferl
-
Hoạt động M&A thượng nguồn của Mỹ trong quý 3 có gì mới?
-
Chiến tranh toàn diện ở Trung Đông có làm tắc nghẽn dòng chảy dầu toàn cầu?
-
Thăm dò dầu khí của Petronas ở Biển Đông: Những thách thức về địa chính trị và năng lượng
-
Ấn Độ tìm kiếm các nhà đầu tư dầu mỏ để nâng cao sản lượng
-
Nga đòi bồi thường hơn 1 tỷ đô la từ gã khổng lồ dầu mỏ Anh