Mỹ ra "đòn chí mạng" vào năng lượng Iran
Năm 2015, Tổng thống Barack Obama cùng 5 cường quốc khác trên thế giới đã ký với Iran một thỏa thuận hạt nhân. Theo đó, Tehran từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ cấm vận.
Khi thay ông Obama, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vì ông cho rằng, Mỹ thiệt thòi khi ký vào thỏa thuận như vậy. Đi kèm với quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, ông Trump tuyên bố tái áp đặt các biện pháp cấm vận Iran nhằm buộc Tehran phải đàm phán để ký kết lại một thỏa thuận khác, đương nhiên phải có lợi cho Mỹ theo quan điểm của chính quyền Trump hiện nay.
Một tàu xuất khẩu dầu của Iran |
Nhưng, Tehran không đời nào chịu. Thái độ đó khiến chính quyền Mỹ tung ra gói trừng phạt thứ nhất, có hiệu lực từ ngày 7/8/2018. Theo đó, Mỹ cấm nhà nước và các công ty Iran (gọi tắt là phía Iran) mua bán đồng USD; cấm phía Iran mua bán vàng và các loại quý kim khác với Mỹ; cấm mua bán và vận chuyển từ Iran vào Mỹ và từ Mỹ vào Iran than chì, thép, kim loại màu, than đá, các loại nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp; cấm các dịch vụ thanh khoản bằng đồng rial của Iran, cấm mua bán trái phiếu của Iran và cấm mua bán ôtô với phía Iran; cấm nhập khẩu từ Iran vào Mỹ thảm Ba Tư và lương thực, thực phẩm…; cấm các chuyến bay thương mại từ Iran đến Mỹ.
Khi đưa ra gói cấm vận thứ nhất, chính quyền Trump đưa ra gói thứ hai, có hiệu lực từ ngày 5/11/2018. Trong suốt thời gian qua, Mỹ đã nhiều lần hăm dọa Iran và các đối tác đang làm ăn với Iran về gói trừng phạt thứ hai, khiến hàng loạt tập đoàn lớn rút khỏi thị trường Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Tôi chính thức tuyên bố áp dụng lệnh trừng phạt đối với Iran. Đây là những biện pháp nặng nề nhất từ trước đến nay. Những ai muốn quan hệ kinh doanh với Iran thì sẽ không có cơ hội làm ăn với Mỹ. Với hành động này, tôi chỉ muốn toàn thế giới được bình yên và không mong muốn gì hơn”.
Ba ngày trước khi gói trừng phạt thứ hai có hiệu lực, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho đây là “đòn chí mạng” nhằm buộc Tehran phải chấp thuận các điều kiện của Washington. Theo Ngoại trưởng Pompeo, trừng phạt của Mỹ nhắm vào lĩnh vực năng lượng, nhất là dầu xuất khẩu của Iran giảm xuống gần như bằng 0 và các lĩnh vực ngân hàng, đóng tàu, vận tải biển... Tổng cộng có 700 cá nhân và định chế sẽ bị cho vào danh sách đen của Mỹ. Các định chế tài chính Iran bị trừng phạt sẽ không được tham gia hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT, trừ các hoạt động nhân đạo.
Ngoại trưởng Mỹ xác nhận có 8 quốc gia và vùng lãnh thổ được đặc miễn, tiếp tục mua dầu của Iran trong một thời gian trước khi ngừng hoàn toàn: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Hy Lạp, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ (không có EU). Trong khi nhiều thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, thì ông Pompeo cho rằng, các quyết định đầu tiên của Mỹ tạm thời đã đủ mạnh để dồn Iran vào chân tường. Để chứng tỏ sự cứng rắn của Washington, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh, quyết định miễn trừ sẽ có giá trị trong 6 tháng, trong thời gian đó, nước nhập khẩu có thể mua dầu của Iran nhưng phải gửi tiền mua dầu của Iran vào tài khoản ký quỹ. Iran có thể tiêu tiền nhưng chỉ trong phạm vi các vật phẩm nhân đạo hạn hẹp.
Washington cho rằng loạt cấm vận này sẽ là đòn quyết định khiến Tehran phải lùi bước, ngồi vào đàm phán theo điều kiện của Washington. Hôm 24/10/2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gióng tiếng trên Twitter về 12 điều kiện của Mỹ cho một “thỏa thuận tổng thể” với Iran, trong đó có nhiều ràng buộc cứng rắn về chương trình hạt nhân Iran đã được thông qua trong thỏa thuận ký năm 2015.
Nhưng những người ủng hộ thỏa thuận cũng như các bên ký kết khác trong thỏa thuận (Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và EU) đã kịch liệt bảo vệ thỏa thuận Iran. Trên thế giới chỉ duy nhất Israel công khai ủng hộ gói trừng phạt Iran của Mỹ.
Chuyên gia Ali Vaez thuộc Tổ chức International Crisis Group nhận định: “Mặc cho các áp lực về kinh tế, người Iran vẫn có thể tiếp tục ủng hộ các đồng minh của họ từ 40 năm nay”.
Hơn nữa, hoàn cảnh bây giờ đã khác so với thời điểm 2012, khi chính quyền Obama áp đặt các trừng phạt mà giờ đây chính quyền Trump đang khôi phục.
Vào thời điểm từ năm 2010-2015, đại đa số các nước đều đồng tâm ủng hộ các biện pháp trừng phạt Tehran để ngăn chặn chương trình hạt nhân Iran. Mỹ khi đó đang có Barack Obama, một vị Tổng thống đầy thiện cảm trên trường quốc tế. Còn Iran khi đó nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, một người cực kỳ bảo thủ, thường xuyên có những ngôn từ cực đoan, hiếu chiến, thách thức phương Tây. Giờ đây, trước một chính quyền Mỹ thường xuyên có những quyết định đơn phương gây sốc, Iran được coi như là một quốc gia có trách nhiệm từ sau khi ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Trong năm 2018, người ta đã thấy Nga và Iran liên hệ chặt chẽ thế nào trên cương vị là đồng minh bảo vệ Syria. Trung Quốc cũng đang là mục tiêu tấn công của Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Trong vùng Trung Đông, Arập Xêút, một đồng minh thân cận của Mỹ có khả năng quy tụ các nước Arập chống lại Iran, giờ đây ảnh hưởng cũng suy yếu nhiều từ sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Để tránh kết cục tai hại, Tehran bị dồn đến chân tường, cũng rút khỏi thỏa thuận 2015, các nước trong EU đang nghiên cứu các cơ chế nhằm duy trì buôn bán với Iran. Ngày 2/11/2018, giới lãnh đạo EU đã thiết lập một số “rào chắn” nhằm bảo vệ các công ty của châu Âu khỏi bị tác động bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao của các nước châu Âu đã tái khẳng định cam kết của mình với thỏa thuận hạt nhân Iran và mong muốn duy trì các kênh tài chính hiệu quả với Iran, cũng như tiếp tục ủng hộ Iran xuất khẩu dầu và khí đốt. Các bên cũng tuyên bố rằng, cơ chế mục tiêu đặc biệt (Special Purpose Vehicle-SPV) sẽ được chính thức ra mắt trong những ngày tới.
Chuyên gia Ali Vaez khẳng định: “Tổng thống Trump dường như muốn có một thỏa thuận tổng thể với Iran, có lợi hơn cho Mỹ, nhưng tôi có cảm giác ê-kíp an ninh quốc gia của ông Trump đang tìm cách làm mất ổn định hơn nữa Iran, hoặc dẫn đến thay đổi chế độ Tehran”.
Nếu như dưới thời Tổng thống Barack Obama, các trừng phạt nhằm mục tiêu đưa Iran ngồi vào bàn đàm phán và đã đạt được mục tiêu đó. Nhưng các điều kiện hiện tại của chính quyền Tổng thống Donald Trump dùng đòn bẩy là trừng phạt dường như nhằm tới mục tiêu buộc chính quyền Tehran phải quy hàng. Một điều không bao giờ nước cộng hòa Hồi giáo dưới sự dẫn dắt tinh thần của Giáo chủ Khamenei chấp nhận.
Ngày 5/11/2018, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố rằng, Iran sẽ phá vỡ lệnh trừng phạt của Mỹ và vẫn sẽ tiếp tục bán dầu cho nước ngoài.
Reuters cho biết, xuất khẩu dầu thô đóng góp 1/3 doanh thu cho Chính phủ Iran. Xuất khẩu dầu thô của Iran đạt mức 2,8 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2018. Tuy nhiên, sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên, đến nay xuất khẩu dầu thô Iran chỉ còn 1,8 triệu thùng/ngày.
“Hơn 20 quốc gia nhập khẩu dầu đã ngưng nhập dầu thô, khoảng hơn 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày đã biến mất trên thị trường. Chính quyền Iran từ tháng 5/2018 đến nay đã mất trên 2,5 tỉ USD doanh thu dầu” - Ngoại trưởng Mỹ thông tin với báo chí.
Reuters cho biết, xuất khẩu dầu thô đóng góp 1/3 doanh thu cho Chính phủ Iran. Xuất khẩu dầu thô của Iran đạt mức 2,8 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2018. Tuy nhiên, sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên, đến nay xuất khẩu dầu thô Iran chỉ còn 1,8 triệu thùng/ngày. |
S.P
Vì sao Mỹ cho phép 8 nước tiếp tục mua dầu của Iran? |
Gói trừng phạt mới của Mỹ với Iran gồm những gì? |
Phác họa bức tranh năng lượng Iran |
-
Cần luật hóa chi tiết các mục tiêu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng
-
Tháng 10: EVN cung ứng đủ điện và khẩn trương khắc phục hậu quả bão Trà Mi
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện