Muốn đốt rác phát điện cũng… khó khăn
"Biến" rác thành điện năng
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Tuy nhiên, do tỷ lệ chôn lấp cao gây nhiều vấn đề xã hội bức xúc cũng như tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nên Chính phủ, Bộ TN&MT khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện.
Đốt rác phát điện theo đánh giá của các chuyên gia đang là công nghệ tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như khối các nước châu Âu, Nhật Bản… bởi vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại có thể thu hồi năng lượng. Hơn nữa, thế giới đang đề cao nền kinh tế tuần hoàn mà đốt rác phát điện cũng nằm trong chu trình này do rác thải là nguồn tài nguyên có thể tái tuần hoàn, thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý.
Mô hình nhà máy điện rác |
Còn tại Việt Nam, bên cạnh một số ít nhà máy đốt rác phát điện đã đi vào hoạt động ở Hà Nam, Cần Thơ, Quảng Bình, nhiều địa phương theo xu hướng này cũng tổ chức triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện như: Dự án nhà máy điện rác Vĩnh Tân, tỉnh Đồng Nai (công suất 600 tấn/ngày, công suất phát điện 30MW); Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội (công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 75MW); Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt phát điện Trạm Thản, Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ (công suất 500 tấn/ngày); hai Nhà máy đốt rác phát điện tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh (của Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa, công suất mỗi nhà máy 1.000 tấn/ngày)…
Trong khi việc áp dụng công nghệ xử lý rác tại Việt Nam hiện khá sơ đẳng như phần lớn là chôn lấp hoặc đốt chỉ để “biến từ dạng này sang dạng khác” còn thực tế chưa giải quyết được tận gốc rễ sự độc hại thì theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, điện rác là bước tiến vượt bậc về công nghệ, biến rác thải thành tài nguyên. Công nghệ này không chỉ xử lý rác triệt để nhất mà có thể đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng đầu về dây chuyền đặc biệt này ra các nước trong khu vực và trên thế giới.
Điểm và phân tích hiệu quả các công nghệ xử lý rác thải hiện tại, các chuyên gia cho biết có công nghệ HTC, biocarbon có thể sử dụng làm nhiên liệu sạch để đốt. Tuy nhiên, khi sử dụng công nghệ này chi phí năng lượng sẽ cao nên sẽ không dùng để sản xuất điện năng. Tiếp theo là công nghệ thiết bị TF, đòi hỏi rác thải được phân loại từ nguồn và chỉ xử lý rác thải hữu cơ để làm thành phân compost. Chi phí đầu tư thiết bị TF tương đối đắt tiền nhưng không sản xuất ra điện. Bên cạnh hai công nghệ trên, có công nghệ xử lý rác của Nhật Bản do tổ chức NEDO tài trợ đã dừng hoạt động vì chi phí quá cao và hiệu quả phát điện thấp.
Công nghệ Trung Quốc thì cũng lạc hậu, độ bền không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường trong suốt quá trình vận hành lâu dài, thường xuyên, với hiệu quả sử dụng năng lượng từ rác của công nghệ này không cao so với công nghệ Intec của Đức.
Nhà máy đốt rác phát điện ở Quảng Bình |
Theo TS Mai Huy Tân, Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức - VIDEBRIDGE), các nhà máy điện rác sẽ từng bước thay thế công nghệ chôn lấp rác. Để góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Cần điều chỉnh cơ chế chính sách
Tuy nhiên, để phát triển các nhà máy đốt rác phát điện đang có nhiều vấn đề mà theo các nhà đầu tư cần tháo gỡ. Cơ chế chính sách là một điển hình. Theo tính toán, một dây chuyền công nghệ cho nhà máy xử lý rác tương ứng cần khoảng 250 triệu USD. Trong đó thiết bị chiếm 70-80% tổng vốn đầu tư, diện tích đất để xây dựng nhà máy khoảng 4ha. Đến năm 2030 có thể cần 10ha với công suất 2.500-3.000 tấn rác/năm. Giá thành xử lý rác ước tính 21USD/tấn.
Ngoài ra, nguồn thu của nhà đầu tư còn được bổ sung từ việc bán điện phát ra từ quá trình xử lý rác, bán các phế liệu thu được như thép, thủy tinh, sắt… “Với thực tế các thành phố của Việt Nam hiện nay, quy mô một nhà máy như vậy để thu hồi vốn đầu tư phải sau 12 năm, từ năm 13 trở đi nhà đầu tư có lãi”, ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.
Do đó, cần có một cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển công nghệ mang lại lợi ích cho quốc gia, cho cộng đồng.
Về phía Bộ Xây dựng thì cho rằng, để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện nay, doanh nghiệp cũng còn gặp không ít rào cản về chính sách dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng.
Cụ thể, các cơ chế về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải rắn còn thiếu cụ thể và chưa đồng bộ. Tại Quyết định số 31/2014/QĐ-Ttg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, có các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện; khiến nhiều dự án gặp khó khăn do chờ quy hoạch này của ngành điện.
Cũng liên quan đến giá mua điện cho các dự án điện rác tại Quyết định này, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chỉ ra rằng, giá mua điện mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện tại, có nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí Biogas phát điện… nhưng giá mua điện chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ. Đến nay, cũng chưa có hướng dẫn về giá xử lý chất thải rắn áp dụng cho công nghệ điện rác.
Trong khi đó, doanh nghiệp khi muốn đầu tư xử lý rác tại Việt Nam cũng gặp thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài. Đối với việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt là loại hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thủ tục đầu tư cần thiết lựa chọn nhà đầu tư đã mất từ 1-2 năm, sau đó, còn thủ tục đầu tư xây dựng như thẩm định thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường, các thủ tục hoàn thành công trình bảo vệ môi trường…
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị (pháp luật về PPP, các quy định phát triển dự án điện rác, công tác quy hoạch…), đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư. Khi mở cơ chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải rắn, mới góp phần hình thành một ngành một nghiệp môi trường ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư phát triển ngành điện rác cũng muốn đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu tiên, hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 5% trong 9 năm tiếp theo và từ năm thứ 15 trở đi thì được hưởng thuế suất 10%; dây chuyền thiết bị toàn bộ Made in Germany của nhà máy được miễn thuế nhập khẩu; Bộ KH&CN, Bộ TN&MT có các quyết định chấp thuận công nghệ thiết bị…
Nguyễn Hưng
-
Công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
-
Cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành”: Khơi dậy sáng kiến trẻ về bảo vệ môi trường
-
Phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh
-
Bài 2: Đồng bộ và tránh chồng chéo trong thực thi Luật Điện lực (sửa đổi)
-
Hoàn thành cấp điện tái thiết cho khu dân cư thôn Kho Vàng, Nậm Tông
-
Kịch bản cung ứng điện năm 2025
-
Cần luật hóa chi tiết các mục tiêu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng
-
Tháng 10: EVN cung ứng đủ điện và khẩn trương khắc phục hậu quả bão Trà Mi